Chỉ vài tháng họ lại chuyển văn phòng, họ chỉ lưu trữ tài liệu trong những bản copy “cứng”. Họ liên tục rà soát hoạt động để tránh các thiết bị nghe trộm và chuyển hướng mọi cuộc gọi về văn phòng tới điện thoại cầm tay. Họ biết mình đang bị theo dõi, và có thể các thiết bị điện tử đã bị xâm nhập trái phép.
Họ không phải là gián điệp hay những tên trộm trang sức, mà là các nhà buôn dầu của Iran, những người bỗng nhiên trở thành người chơi trong một cuộc chiến gián điệp tầm quốc tế. “Nhiều lúc tôi tưởng như mình là diễn viên trong một bộ phim trinh thám kinh dị vậy”, Meysam Sharafi, một cựu thương gia dầu ở Tehran nói.
Kể từ khi Tổng thống Trump áp đặt các lệnh trừng phạt lên hoạt động bán dầu của Iran vào năm ngoái, mọi thông tin về hoạt động này đã trở thành một vũ khí địa chính trị có giá, được săn tìm bởi các tổ chức săn tin mật về Iran cũng như nhiều cơ quan tình báo phương Tây. Và ngành công nghiệp bán dầu Iran, từng là một lĩnh vực an toàn và béo bở, cũng kể từ đó chuyển thành một “cuộc chơi” gián điệp và phản gián toàn cầu.
"Tai mắt" ở mọi nơi
Tháng trước, Iran cho biết họ đã phá một đường dây gián điệp và bắt giữ 17 người Iran bị cáo buộc làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Tehran từng mơ hồ về mục tiêu của đường dây này, nhưng giờ thì họ đã rõ rằng nó liên quan đến những nỗ lực bí mật nhằm thu thập thông tin về hoạt động bán dầu.
Tổng thống Trump đã bác bỏ cáo buộc cho rằng các nghi can trên làm việc cho CIA, trong một tuyên bố bất thường từ một chính phủ chưa bao giờ xác nhận hay bác bỏ những cáo buộc như vậy. Tuy nhiên, giới chức Mỹ thừa nhận rằng ngành dầu mỏ của Iran là mối quan tâm lớn với Washington và các cơ quan tình báo nước này.
Cho dù là ai đang tiến hành hoạt động tình báo, không có mấy nghi ngờ gì nữa về việc các chiến thuật hoạt động gián điệp đã "vùi dập" ngành thương mại dầu mỏ đang khốn đốn của Iran.
Theo điều tra của tờ New York Time (Mỹ), các nhà buôn dầu Iran nói rằng người nước ngoài, mà họ cho là đang làm việc cho Mỹ, đã đề nghị trả những khoản tiền dao động từ 100.000-1 triệu USD, chỉ để lấy các số tài khoản ngân hàng mà Bộ Dầu mỏ Iran sử dụng trong một thương vụ. Một số người nước ngoài còn hứa hẹn cho họ visa tới Mỹ.
Khách hàng quốc tế thì hoang mang trước loạt lệnh trừng phạt thứ cấp mà Mỹ áp đặt lên họ nếu bị phát hiện mua dầu của Iran. Các nhà buôn Iran nói rằng, trong những chuyến công tác nước ngoài, đối tác khách hàng đã đề nghị họ chuyển khách sạn giữa đêm. Chuyện bị thẩm vấn ngay tại sân bay ở nước ngoài cũng không hiếm gặp.
Nếu những cáo buộc hoạt động do thám là nhằm gửi một thông điệp tới các nhà buôn dầu của Iran, thì thông điệp đó đã được họ nghe thấy. Một nhà buôn cho biết ông ta đã gọi chi nhánh tình báo của Bộ Dầu mỏ Iran và chủ động cung cấp một số thông tin về một công dân châu Âu đáng ngờ đã từng đến thăm văn phòng ông này.
Hassan Soleimani, Tổng biên tập của Mashregh, một tờ báo của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran Hồi giáo, xác nhận rằng các vụ bắt giữ đường dây gián điệp bị cáo buộc làm việc cho CIA có liên quan đến gián điệp dầu mỏ. Nhiều người trong số 17 nghi can bị bắt từng làm việc trong ngành năng lượng và dầu mỏ, với tư cách nhà buôn hoặc nhà môi giới.
Chính Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết, trung bình cứ 10 người liên hệ với Bộ Dầu mỏ mỗi ngày để xin phép mua dầu, thì có đến 7 người là khách hàng giả. “Họ ở đây để dò la toàn bộ hệ thống của chúng tôi”, Bộ trưởng Zanganeh phát biểu với truyền thông hồi tháng 6.
Không gì quan trọng hơn 'né' trừng phạt
Do nền kinh tế Iran lệ thuộc lớn vào dầu mỏ, và để né các lệnh trừng phạt của Mỹ, việc giữ bí mật các hoạt động bán dầu được cho là tối quan trọng. “Làm cách nào chúng tôi né lệnh trừng phạt để bán dầu và làm thế nào chuyển được tiền, lúc này đang là thông tin nhạy cảm và quan trọng nhất của đất nước. Không có gì quan trọng hơn”, ông Tổng biên tập Soleimani cho hay.
Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Bijan Zanganeh năm ngoái đã ra lệnh cấm công bố các dữ liệu về dầu mỏ sau khi Washington rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và áp lệnh trừng phạt lên các giao dịch tài chính và xuất khẩu dầu mỏ của Tehran. "Thông tin về xuất khẩu dầu của Iran là thông tin chiến tranh”, ông Zanganeh nói hồi tháng 7 vừa qua.
Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố mục đích của các lệnh trừng phạt, vốn đã được siết chặt hơn vào tháng 5 năm nay, là nhằm “hạ xuất khẩu dầu của Iran về số ‘0’, triệt tiêu nguồn thu chủ yếu của nước này”.
Mặc dù mục tiêu đó chưa đạt được, các nhà phân tích ước tính doanh số dầu bán ra nước ngoài của Iran đã lao dốc từ 2,5 triệu thùng/ngày trước khi đợt trừng phạt đầu tiên có hiệu lực năm 2018 xuống còn khoảng 500.000 thùng/ngày hiện tại.
Cuộc chiến tranh thông tin
Cho đến nay cuộc "xung đột lạnh" ở Vùng Vịnh đã tràn ra tới biển, nơi Iran bị cáo buộc tiến hành những vụ tấn công phá hoại nhằm vào 6 tàu chở dầu; vọt lên cả không trung, nơi Mỹ và Iran đã lần lượt bắn hạ máy bay không người lái của nhau.
Tháng trước, Anh đã bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ở Gibraltar với cáo buộc con tàu đang chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh cấm quốc tế. Iran đáp trả bằng cách bắt giữ một tàu chở dầu Anh tại Vịnh Persian, như lời cảnh báo bất cứ nỗ lực quân sự nào nhằm thực thi lệnh trừng phạt Iran sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa.
Xem video đặc nhiệm Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh (Nguồn: Guardian)
Trong khi đó cuộc chiến thông tin dường như yên lặng hơn, nhưng không vì thế mà kém quan trọng. Thông tin về sản xuất dầu, giá dầu, doanh số và hoạt động xuất khẩu dầu của Iran là công cụ then chốt để Washington đánh giá hiệu quả của các đòn trừng phạt và tiến hành chiến dịch “áp lực tối đa” chống lại Iran.
“Mỹ cần thông tin về xuất khẩu dầu để họ có thể tính toán Iran vẫn đang kiếm được bao nhiêu tiền. Rồi họ có thể đánh giá cần phải tăng áp lực lên Iran bao nhiêu nữa để giới lãnh đạo nước này phải thay đổi các toan tính chính trị của họ”, bà Elizabeth Rosenberg, nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới và là cựu quan chức cao cấp Bộ Tài chính thời Tổng thống Barack Obama cho biết. Tuy nhiên theo bà Rosenberg, Iran là một mục tiêu tình báo “khó nhằn” bởi người Iran làm việc thông qua “sự tin cậy dựa trên quan hệ cá nhân”, nhờ đó tránh được một số kiểu gài bẫy, cũng như cơ chế thương mại dầu mỏ quốc tế.
Iran đã áp dụng một loạt các biện pháp để né lệnh trừng phạt, trong đó có việc tắt định vị GPS trên tàu chở dầu, chuyển giao dầu từ tàu này sang tàu kia ngay giữa biển, trộn lẫn dầu Iran với dầu của Iraq ở cảng Basra, và làm giả các bản kê vận chuyển để thể hiện nguồn gốc không phải từ Iran. Tehran cũng siết chặt hệ thống thương mại dầu mỏ của mình và tăng cường an ninh để gây khó khăn hơn cho các hoạt động xâm nhập.
Theo thông tin tờ New York Times khai thác được, hàng ngàn người môi giới tự do, chuyên làm trung gian hợp đồng dầu mỏ giữa khách mua nước ngoài với Bộ Dầu mỏ Iran, đã bị thay thế bởi một nhóm các nhà buôn được ủy quyền. Những người này có nhiệm vụ báo cáo về thương vụ lên 4 quan chức cấp cao đã nghỉ hưu, trong đó cựu Bộ trưởng và Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Rostam Ghasemi được giao phụ trách xuất khẩu dầu tới Syria; và ba người khác phụ trách các mối Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu.
Mỗi kế hoạch mua bán dầu được lên rất chi tiết, phụ thuộc vào ai là khách hàng, số lượng mua và vị trí giao hàng, trong đó đề xuất liên tục thay đổi các biện pháp để tránh né "tai mắt".
Người mua phải cử các đại diện tới Tehran nhằm bảo vệ thông tin và nhận diện các khách hàng nghiêm túc. Trong khi đó, các nhà buôn Iran được yêu cầu không thảo luận giá cả, phương thức vận chuyển hoặc thanh toán với những khách hàng tiềm năng. Công việc chính của họ là thẩm định đâu là khách hàng nghiêm túc, sau đó mới gửi đề xuất tới một trong bốn quan chức cao cấp Iran nói trên.
Để khuyến khích người mua mạo hiểm với dầu mỏ Iran, chính quyền nước này thường bán dầu với giá hạ hơn khoảng 4 USD/thùng so với giá thị trường. Họ yêu cầu thanh toán trước 10% và thanh toán đầy đủ trước khi cho phép dầu được dỡ xuống cảng đến.
Giai đoạn thanh toán là bước đi bị theo dõi gắt gao nhất. Các tài khoản ngân hàng nước ngoài được mở và đóng chỉ trong vài tiếng, đủ thời gian để gửi và chuyển tiền. Trong khi những giao dịch này diễn ra, các nhà buôn và khách mua được giám sát chặt chẽ tại một nhà khách của Bộ Dầu mỏ Iran. Họ được phục vụ kebab, trà Ba Tư và điện thoại đều bị tịch thu để tránh rò rỉ thông tin. Ngay khi giao dịch hoàn tất, những người này mới được tự do.
“Những nỗi lo sợ kịch bản tồi tệ nhất khi nền kinh tế sụp đổ đã không thành hiện thực”, ông Farshad Toomaj, cựu thương gia tư vấn cho Bộ Dầu mỏ Iran nói. “Iran đã trở nên rất sáng tạo và phức tạp với nhiều cách rất linh hoạt để bán dầu”.