Washington và Bắc Kinh đã mệt mỏi với những cuộc đối đầu và đang cố gắng làm sao để tình hình căng thẳng ở châu Á không ngăn cản họ thực hiện một cuộc đối thoại chiến lược.
Các chuyên gia Nga đưa ra nhận định trên trước chuyến công du Trung Quốc vào hai ngày 14-15/2 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đón ông Kerry tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh sáng 14/2. Đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai bên trong năm mới.
Trước chuyến thăm châu Á của ông John Kerry, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry B. Harris Jr. đã đưa ra một tuyên bố mang tính báo hiệu. Ông cảnh báo tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả hai đồng minh trong liên minh quân sự là Nhật Bản và Hàn Quốc, không nên khiêu khích Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ hôm 14/2. Ảnh: Reuters |
Phó Giám đốc Viện IMEMO Vasily Mikheev cho rằng sau tuyên bố này là nỗ lực của Washington nhằm tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho chuyến công du của ông John Kerry đến Trung Quốc. Chuyên gia này nói về nội dung chính của các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ và các "đối tác" tại Bắc Kinh như sau: “Chủ đề chính sẽ là sự hợp tác Trung-Mỹ. Mục đích là cố gắng giảm bớt căng thẳng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phát sinh do những cuộc tranh chấp lãnh hải. Trước hết, đó là căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như giữa Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực, trong đó có Philippines và Việt Nam”.
Có khả năng là vấn đề Triều Tiên cũng sẽ được đề cập tới tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh. Washington còn nhiều điều không hiểu rõ về những gì đang xảy ra ở Triều Tiên. Mà Trung Quốc lại sở hữu nguồn thông tin có giá trị. Chắc là khả năng nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng sẽ được nhắc đến.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công Vladimir Evseev nhận định: “Trung Quốc quan tâm đến việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên. Giảm bớt phần nào căng thẳng là một nội dung mà Trung Quốc muốn bàn với Mỹ. Thêm nữa là đã có các điều kiện tiên quyết để cải thiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Không có động thái nào từ phía Triều Tiên có thể làm Mỹ khó chịu. Không có cuộc thử hạt nhân kế tiếp, không có các vụ phóng tên lửa đạn đạo cũng như không có vụ phóng tên lửa đẩy nào. Tôi nghĩ rằng Mỹ cũng đánh giá cao việc này”.
Liệu các bên sẽ có thể tìm thấy tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh không khi vẫn còn tồn tại lập trường không nhân nhượng trong nhiều vấn đề? Chuyên gia Vasily Mikheev nhận xét khá lạc quan: “Họ có thể, bởi vì cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không muốn bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc còn có chương trình nghị sự rất lớn. Đó không chỉ là hợp tác kinh tế, mà còn là ước muốn xây dựng một mối quan hệ mới giữa hai cường quốc này.
Đúng là Mỹ đang lo ngại về những chi phí quân sự ngày một tăng của Trung Quốc, vốn tập trung vào việc hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân và hải quân của họ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không làm trầm trọng thêm vấn đề này. Cũng như không để tình trạng đối đầu Trung-Nhật làm xấu đi quan hệ của họ với Trung Quốc. Trong việc này, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trùng hợp nhau. Cụ thể là không thể để căng thẳng ảnh hưởng đến việc tổ chức, vốn hoàn toàn không đơn giản, một cuộc đối thoại chiến lược song phương”.
Năm nay, Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G-20. Nhiều chuyên gia xem chuyến công du của Ngoại trưởng John Kerry đến Bắc Kinh như một bước chuẩn bị cho cuộc gặp mới giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ bên thềm hội nghị này.
TTK