Anh thợ lặn chuyên nghiệp Emiliano Pescarolo mắc COVID-19 hồi tháng Ba và phải nằm viện 17 ngày tại thành phố Genoa, Italy trước khi ra viện hôm 10/4.
Hơn 3 tháng sau, đến nay người đàn ông 42 tuổi này vẫn bị chứng khó thở. “Khi ra viện, thậm chí sau nhiều tuần tôi vẫn không thấy tiến triển gì, đi bộ một tí cũng như leo đỉnh Everest vậy. Tôi thường hụt hơi ngay cả khi đang nói. Tôi đã rất lo lắng”, Pescarolo cho biết.
Pescarolo chỉ là một trong hàng chục bệnh nhân COVID trước đây hiện đang được chăm sóc tại một phòng khám phục hồi chức năng ở Genoa. Anh cho biết bắt đầu thấy một số tiến triển.
"Món quà" xấu xí
Trên khắp châu Âu, dịch COVID-19 đã đi qua đỉnh điểm và đang được kiểm soát. Nhưng trong lúc các bệnh viện không còn căng thẳng với các ca bệnh cấp tính, có hàng ngàn người từng mắc COVID-19 cho hay họ không thể hồi phục hoàn toàn.
Tại Anh, những nhóm người mắc bệnh "COVID kéo dài" đang lên tiếng mạnh mẽ trên các trang mạng về những tác động lâu dài của virus SARS-CoV-2 lâu nay hầu như chưa được biết đến.
Các cơ quan y tế ở Anh và Italy, hai trong số những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, hiện bắt đầu cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho những người sống sót sau đại dịch.
Theo bác sĩ Piero Clavario, Giám đốc Viện Hồi phục chức năng hậu COVID ở Genoa, những trung tâm như vậy cần phải được nhân rộng, vì nghiên cứu chỉ ra rằng COVID-19 là một bệnh đa hệ thống có thể gây tổn thương không chỉ phổi, mà cả thận, gan, tim, não cũng như hệ thần kinh, da và đường tiêu hóa. Bác sĩ Clavario cho biết nhóm của ông đã bắt đầu liên lạc với hàng trăm người sống sót sau COVID-19, từng được điều trị tại các bệnh viện ở Genoa hồi tháng 5.
"Họ không chỉ là những người từng được chăm sóc đặc biệt và được đặt nội khí quản vì COVID, mà còn là những bệnh nhân ở bệnh viện không quá 3 ngày, sau đó về nhà”, bác sĩ Clavario cho biết.
Trong số 55 người được nhóm của Clavario đến thăm, 8 người không cần hỗ trợ và không có biến chứng. 50% có vấn đề về tâm lý, 15% rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. "Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là ngay cả những bệnh nhân không phải nằm giường ICU cũng vô cùng yếu. Không có dấu hiệu nào về các vấn đề tim mạch hoặc phổi, nhưng họ thậm chí không thể đi bộ cầu thang", bác sĩ Clavario nói. "Hầu hết họ bị tình trạng yếu cơ nghiêm trọng. Một y tá 52 tuổi đã trở lại làm việc sau khi khỏi COVID, nhưng không thể làm nổi công việc của mình”.
Anh thợ lặn Pescarolo rất vui khi được tham gia chương trình của trung tâm hồi phục hậu COVID-19. "Tôi chủ yếu thực hiện các bài tập thể dục thường xuyên trong phòng gym của trung tâm. Và sau một tháng rưỡi tôi cảm thấy tốt hơn. Tôi hy vọng vào giữa tháng 8 có thể trở lại làm việc”, Pescarolo nói.
Mặc dù có tiến bộ về thể chất, nhưng Pescarolo cho biết anh gặp khó khăn trong khả năng tập trung và vẫn rất lo ngại về năng lực nhận thức, "đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn, tôi không nhớ cả những điều đơn giản”.
Bác sĩ Clavario cũng cho hay ông nhận thấy những vấn đề tương tự ở các bệnh nhân COVID đã khỏi. "Tôi không biết tại sao. Có lẽ đó là một món quà xấu xí mà virus này mang đến cho chúng ta."
Bệnh “COVID kéo dài”
Những lo ngại của Pescarolo dường như quá quen thuộc với nhiều người mắc bệnh và nghi mắc COVID-19 ở Anh. Tại đây, hơn 8.500 người đã tham gia "Nhóm hỗ trợ COVID kéo dài” trên Facebook kể từ khi nhóm được thành lập vào tháng 5, với mục đích kêu gọi các hoạt động nghiên cứu, phục hồi cho bệnh nhân.
Một nhóm khác có tên "LongCovidSOS" cũng đang vận động thu hút sự quan tâm của chính phủ đến nhu cầu của những người mắc bệnh “COVID kéo dài”, và đảm bảo họ không bị nhà tuyển dụng lao động kỳ thị.
Không ít người mắc "COVID kéo dài" đang phải vật lộn với căn bệnh này ở nhà riêng, thay vì tại bệnh viện. Claudia de Freitas, một y tá chăm sóc đặc biệt 34 tuổi ở London, là thành viên của cộng đồng "LongCovidSOS". Freitas nói rằng cô đã có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng sau đó lại có kết quả dương tính khi xét nghiệm kháng thể vào ngày 7/7 vừa qua.
De Freitas đổ bệnh từ giữa tháng Ba, bị ho, sốt không liên tục, khó thở, đau ngực và mất khứu giác. Sau vài ngày, cơn đau ngực của Freitas trở nên nghiêm trọng và nhịp tim không đều đến nỗi cô nghĩ mình sắp bị ngừng tim và được chồng, cũng là bác sĩ, đưa đến khoa cấp cứu. Các bác sĩ đã chụp X-quang ngực và xét nghiệm máu, nhưng mọi thứ nhanh chóng trở lại bình thường với Freitas, bao gồm cả mức oxy trong máu. Sau lần đi viện thứ hai, Freitas được cho biết kết quả chụp X-quang cho thấy cô bị viêm phổi và nghi ngờ mắc COVID-19. Tuy nhiên, cô chỉ được khuyên về nhà, nghỉ ngơi và uống thuốc giảm đau.
Một trường hợp "COVID kéo dài" khác là Margaret O'Hara, làm việc trong bộ phận nghiên cứu của một bệnh viện ở Anh, hiện là quản trị viên của "Nhóm hỗ trợ COVID kéo dài". O'Hara bị ốm vào cuối tháng Ba. “Nó tấn công tôi như một chiếc xe buýt đâm”. Bị ho, khó thở và mệt mỏi khiến cô nằm bẹp trên giường suốt 2 tuần. Do giới chức y tế Anh khuyên mọi người tránh tới bệnh viện trừ khi thực sự cần thiết, O'Hara quyết định tự chăm sóc ở nhà.
Cuối cùng, ba tuần sau cô được đưa đến khoa cấp cứu vì khó thở - nhưng chụp X-quang ngực lại không phát hiện điều gì và không có dấu hiệu nhiễm trùng. Phải mất đến 8 tuần, O’Hara mới có một ngày đầu tiên không bị ho. Cô đi bộ được chừng nửa dặm vào ngày hôm đó, rồi hôm sau lại ho. Đầu tháng 7 này, O’Hara lại đến khoa cấp cứu khi sức khoẻ một lần nữa xấu đi. “Bây giờ tôi cảm thấy mình như trở lại quãng 4-5 tuần trước. Tôi không thể đi bộ được chút nào”, O’Hara nói và cho biết cô không có bệnh lý nền.
Giống như Pescarolo, O'Hara nhận thấy đầu óc cô dường như kém tinh nhanh. "Tôi bị 'sương mù não', đầu óc không bình thường. Tôi là một tiến sĩ vật lý nhưng lúc này thì không thể suy nghĩ mạch lạc được”. O'Hara tỏ ra rất lo ngại trước việc mọi sự chú ý thời hậu COVID-19 thường tập trung vào những người phải nhập viện. "Không ai hỏi chúng tôi rằng, những ai không nằm viện - chúng tôi bị rơi khỏi hệ thống. Đó là một vấn đề thực sự”, cô nói.
'Tôi như bà cụ 80 tuổi'
Grace Dolman, một bác sĩ 39 tuổi tại bệnh viện Addenbrooke, ở Cambridge (Anh), cũng bị ốm vào tháng Ba. Cô ở nhà, vật lộn với ho và khó thở. Năm tuần sau, vào giữa tháng Tư, Dolman đến bệnh viện để chụp X-quang ngực nhưng xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của cô lại cho kết quả âm tính.
"Hơi thở của tôi đã khá hơn. Tôi bị sương mù não rất tệ, trí nhớ rất tệ. Tôi không thể tập trung, dễ xúc động và thực sự mệt mỏi, tôi không thể làm gì", Dolman nói. "Ngay cả bây giờ, vào tuần 17, tôi vẫn không thể làm việc, chỉ nhúc nhắc được 2 tiếng là phải nằm”.
Dolman cho hay cô cũng bị đau cơ và ngứa ran kỳ lạ ở tay và lòng bàn chân."Tôi giống như bà cụ 80 tuổi. Tôi phải làm một chút rồi dừng lại, thêm một chút nữa rồi dừng lại".
Là một chuyên gia y tế, Dolman lo ngại nhiều người có thể phải chịu đựng những ảnh hưởng lâu dài của COVID-19 nhưng không được lắng nghe và có thể không nhận được sự hỗ trợ phù hợp.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, từng mắc COVID-19 hồi tháng Ba, cũng thừa nhận về ảnh hưởng sức khỏe kéo dài thời hậu COVID. Ông khẳng định chính phủ cần hỗ trợ những người bị ảnh hưởng cũng như tiến hành nghiên cứu để xác định có thể làm những gì để giải quyết tình trạng này.