Nguyên nhân khiến chính phủ của Tổng thống Syria al-Assad sụp đổ nhanh chóng

Trong vòng hơn một tuần kể từ khi phe nổi dậy phát động các cuộc tấn công lớn, Tổng thống Syria Bashaar al-Assad được cho là đã rời Damascus trên một chiếc Illyushin76 mang số hiệu 9218.

Ngày 8/12, lực lượng nổi dậy ở Syria tuyên bố Tổng thống Bashaar al-Assad đã rời khỏi đất nước.

Thực tế cho thấy ngay trước khi lực lượng nổi dậy kiểm soát sân bay ở thủ đô Damascus, các công cụ theo dõi chuyến bay bằng nguồn mở đã ghi nhận một chiếc máy bay duy nhất trong không phận Syria.

Đây là chiếc máy bay Illyushin76 mang số hiệu 9218 và nó đã trở thành chuyến bay cuối cùng cất cánh từ thủ đô Damascus dưới thời ông al-Assad cầm quyền.

Đầu tiên, chiếc Illyushin76 bay về phía Đông, hướng về phía bờ biển Syria, khu vực được coi là thành trì của giáo phái Alawite – cộng đồng tôn giáo ủng hộ ông al-Assad – nhưng sau đó nó chuyển hướng về phía Bắc và vài phút sau, tín hiệu của máy bay biến mất khi nó bay vòng trên bầu trời thành phố Homs.

Xem video các lực lượng nổi dậy chiếm giữ sân bay quân sự ở thành phố Hama của Syria. Nguồn: Reuters.

Theo chuyên gia quân sự của Al Jazeera, ông Elias Hanna, không ai có thể ngờ rằng quân đội Syria lại mong manh đến vậy.

Họ liên tục thông báo về việc “tái triển khai” khỏi các thành phố khi rút lui, nhưng lại không thiết lập được các phòng tuyến để chặn bước tiến của lực lượng nổi dậy.

Chuyên gia Hanna cho rằng điều này chứng tỏ sự thiếu ý chí chiến đấu trong quân đội Syria từ Aleppo, thành phố đầu tiên rơi vào tay lực lượng nổi dậy - tới thủ đô Damascus.

Chuyên gia Hanna cũng đặt nghi vấn về sự vắng mặt của Sư đoàn số 4 thuộc quân đội Syria - một lực lượng được trang bị tốt với hàng chục nghìn binh sĩ, do em trai của ông al-Assad là Maher lãnh đạo.

Về phần mình, Phó Giáo sư David Des Roches tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Cận Đông Nam Á, cho rằng thành công của cuộc tấn công chớp nhoáng của lực lượng nổi dậy Syria là do “thiếu tinh thần và lãnh đạo” trong quân đội Syria.

Theo Phó Giáo sư David Des Roches, kể từ khi các lực lượng Iran và Liên bang Nga can thiệp vào tình hình Syria năm 2014, người ta đã bắt đầu nghe về việc các lực lượng của Syria cơ bản không được lãnh đạo tốt.

Thực tế vừa qua cho thấy các trận chiến chủ yếu được tiến hành bởi các lực lượng thân Iran với sự hỗ trợ của không quân Liên bang Nga và khi không có sự hỗ trợ từ không quân Liên bang Nga và các lực lượng thân Iran lãnh đạo không thể tham chiến, thì những gì còn lại là một tổ chức không có tinh thần, lãnh đạo kém, trang bị kém và hoàn toàn tham nhũng.

Phó Giáo sư David Des Roches nhấn mạnh: “Trong hoàn cảnh đó, người ta đơn giản là không sẵn sàng mạo hiểm”.

Xem video người dân ăn mừng sau khi lực lượng nổi dậy kiểm soát thành phố Homs của Syria. Nguồn: Reuters

Từ ngày 27/11, phiến quân tại Syria, do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, đã phát động các cuộc tấn công lớn trên một số mặt trận ở Syria, chiếm giữ các thành phố quan trọng như Aleppo và Hama.

Chiều 6/12, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thuộc phe nổi dậy đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Deir el-Zor, biến đây trở thành thành phố thứ ba rơi khỏi quyền kiểm soát của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ trong vòng một tuần.

Hôm 8/12, chỉ huy phiến quân Syria, Hassan Abdul Ghany, cho biết vào sáng sớm cùng ngày, lực lượng nổi dậy đã “hoàn toàn giải phóng” thành phố Homs ở miền Trung Syria.

Việc chiếm được Homs, một giao lộ quan trọng giữa thủ đô của Syria và Địa Trung Hải, đã cắt đứt hiệu quả kết nối của Damascus với thành trì ven biển của cộng đồng Alawite - nhóm thiểu số ủng hộ Tổng thống al-Assad, cũng như với căn cứ không quân và hải quân của Liên bang Nga.

Việc mất quyền kiểm soát Homs không chỉ làm lung lay quyền lực kéo dài 24 năm của Tổng thống Bashar al-Assad mà còn đặt thủ đô Damascus vào tình thế bị đe dọa nghiêm trọng khi quân nổi dậy tiến nhanh về phía này và thực tế cho thấy lực lượng nổi dậy ngày 8/12 đã tiến vào Damascus buộc Tổng thống al-Assad phải rời bỏ đất nước.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Reuters/Aljazeera)
Trung Đông sẽ ra sao sau khi nội chiến Syria xuất hiện bước ngoặt lớn chưa từng có
Trung Đông sẽ ra sao sau khi nội chiến Syria xuất hiện bước ngoặt lớn chưa từng có

Với việc quân nổi dậy tiến vào Damascus, tuyên bố Tổng thống Al-Assad rời khỏi thủ đô, có thể bước ngoặt lớn nhất trong cuộc nội chiến kéo dài hơn một thập kỷ tại Syria đã xuất hiện, nhưng việc này sẽ ảnh hưởng ra sao tới tình hình Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN