Nhà chứa máy bay Trung Quốc ở Biển Đông nói lên điều gì?

Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực triển khai sức mạnh trong khu vực, theo đó sẽ mở rộng đáng kể tầm hoạt động và năng lực của hải quân và không quân nước này.

Ảnh chụp đá Chữ Thập ngày 3/6. Ảnh: CSIS

Những hình ảnh vệ tinh dường như cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các kho chứa máy bay chiến đấu trên những đảo tranh chấp ở Biển Đông. Các hình ảnh từ cuối tháng 7, được tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á đưa ra dường như xác nhận rằng chiến đấu cơ của Trung Quốc có thể sẽ được triển khai tại Đá Vành Khăn, Subi và Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo chuyên viên cao cấp của Đối thoại Shangri-La Alexander Neill, đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - châu Á, sự phát hiện trên có thể làm bùng lên căng thẳng với các nước láng giềng và Mỹ, tất cả đều đã đặt ra những quan ngại về những gì mà họ gọi là “quân sự hóa Biển Đông”.

Những hình ảnh thể hiện chính xác điều gì?

Những hình ảnh vệ tinh này cho thấy 3 căn cứ không quân mới được xây dựng trên các đảo nhân tạo gần hoàn thành trong quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông. Chúng cũng thể hiện tốc độ và quy mô rất lớn trong chiến dịch xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi chỉ mới hai năm trước còn là các rạn và đảo san hô.

Đặc biệt, những hình ảnh chụp cụ thể vào công trình các nhà chứa máy bay có thiết kế vững chắc để bảo vệ phi đội máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Ngoài các khối nhà ở và tòa nhà hành chính, những hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một loạt những cấu trúc hình lục giác chưa xác định quay mặt ra biển ở 3 hòn đảo trên. Mỗi hòn đảo có 4 cấu trúc kiểu này ở dạng hình thang.

Bên cạnh đó, mỗi hòn đảo cũng có một nhóm gồm 3 tòa tháp bí ẩn. Có suy đoán cho rằng những cấu trúc như vậy trên thực tế là các cơ sở phòng không tăng cường vốn có thể là nơi chứa bệ phóng tên lửa đất đối không. 

Cùng với các nhà chứa máy bay và các cơ sở phòng không, chúng ta cũng thấy ba căn cứ hải quân sẵn sàng đi vào hoạt động, bao gồm cả các cơ sở bến lớn và cảng cho hải quân, cảnh sát biển và các cơ quan thực thi luật hàng hải khác của Trung Quốc.

Vấn đề này nói lên điều gì?   

Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực triển khai sức mạnh trong khu vực, theo đó sẽ mở rộng đáng kể tầm hoạt động và năng lực của hải quân và không quân nước này.

Công trình quân sự này trên các hòn đảo cho thấy rằng chỉ trong vòng vài tháng, Trung Quốc sẽ đủ khả năng triển khai các trung đoàn chiến đấu cơ trên những đảo với tổng số gần 80 chiếc - sự bổ sung đáng gờm với khả năng hiện có của họ ở Biển Đông.

Hơn nữa, các căn cứ này có thể tiếp nhận máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc như H6-K, phi cơ do thám và cảnh báo sớm và phi cơ vận tải và máy bay tiếp dầu tầm xa.

Vì các căn cứ không quân như vậy vốn dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công, Trung Quốc dường như đang triển khai một mạng lưới phòng không tinh vi và hạ tầng cho hoạt động chỉ huy và kiểm soát để bảo vệ các căn cứ trên những đảo mới này.

Trung Quốc thất hứa không quân sự hóa Biển Đông

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh không có ý định theo đuổi quân sự hóa quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, từ quan điểm của Trung Quốc, những hòn đảo mà Trung Quốc đòi yêu sách và không gian biển trong “đường 9 đoạn” là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc đòi hỏi các biện pháp bảo vệ cần thiết.

Bắc Kinh còn đổ lỗi cho Hải quân Mỹ lợi dụng Tự do hoạt động hàng hải (FONOPS) để kích hoạt leo thang quân sự ở Biển Đông, nhằm biện minh cho các biện pháp phòng thủ trên các đảo nhân tạo mới mà Bắc Kinh xây dựng trái phép.
Công Thuận (Theo BBC)
Bộ ba "pháo đài bay" Mỹ bay trên Biển Đông
Bộ ba "pháo đài bay" Mỹ bay trên Biển Đông

Không quân Mỹ đã điều cả 3 máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1 và B-2 cất cánh từ căn cứ không quân trên đảo Guam bay tuần tra trên Biển Đông và khu vực Đông Bắc Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN