Theo nhận định của giới phân tích, việc chính trị gia theo đường lối ôn hòa Hassan Rowhani được bầu làm tân tổng thống Iran có thể sẽ làm thay đổi cuộc chơi, mang lại cho Iran một giọng điệu mới và giúp xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa Iran và phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Tổng thống đắc cử Hassan Rowhani trong cuộc họp báo ngày 17/6. Ảnh AFP/TTXVN
|
Được mệnh danh là một "nhà ngoại giao tài ba" nhờ những kỹ năng đàm phán khôn khéo trong các cuộc đàm phán hạt nhân gay gắt giữa Iran và phương Tây, ông Rowhani hiện được cộng đồng quốc tế đặt khá nhiều hy vọng sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống mang tính then chốt của Iran.
Ông Rowhani từng cam kết sẽ chấm dứt tình thế bế tắc hạt nhân của Iran (chính tình thế bế tắc này đã dẫn đến các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây đối với Iran). Các chính sách của ông dưới thời Tổng thống theo đường lối cải cách Mohammad Khatami đã bị xóa bỏ năm 2005, khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đắc cử và ông Rowhani từ nhiệm do bất đồng ý kiến.
Tạp chí "Chính sách Đối ngoại" bình luận: "Chiến thắng của ông Rowhani sẽ không làm thay đổi chế độ ở Iran, nhưng đây sẽ là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi. Mặc dù nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và lực lượng Vệ binh Cách mạng tiếp tục kiểm soát mọi đòn bẩy quyền lực, song việc ông Rowhani đắc cử có thể khiến Oasinhtơn đưa ra cách tiếp cận mới nhằm khuyến khích các nhà cải cách ở Iran".
Cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw, người đã tham gia các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran với ông Rowhani, đánh giá tổng thống đắc cử của Iran là một "chính khách và một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm". Tờ "Thời báo Chủ nhật" dẫn lời ông cho biết: "Việc ông Rowhani giành được số phiếu tín nhiệm cao trong cuộc bầu cử vừa qua cho thấy người dân Iran nóng lòng muốn thoát khỏi các chính sách cứng rắn của Iran trước đây, đồng thời mong muốn tạo dựng các mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với phương Tây".
Mỹ cũng ca ngợi việc ông Rowhani đắc cử là một "dấu hiệu hy vọng tiềm tàng". Phát biểu trên chương trình "Face the Nation" của đài truyền hình CBS, Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough nói: "Nếu quan tâm đến việc cải thiện quan hệ của Iran với các nước còn lại trên thế giới, ông ấy (Rowhani) sẽ có cơ hội để làm việc đó. Nếu ông ấy thực hiện các nghĩa vụ của mình theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), từ bỏ chương trình hạt nhân bất hợp pháp, chúng tôi sẽ trở thành đối tác của ông ấy".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra thận trọng hơn. Ali Vaez - nhà phân tích kỳ cựu về vấn đề Iran của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở tại Brúcxen - nói: "Có thể ông Rowhani không thay đổi được trọng tâm chiến lược hạt nhân của Iran vì điều này do nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei quyết định, song cái mà ông ta có thể lựa chọn là giọng điệu và ê kíp của mình" khi nỗ lực giảm bớt tình trạng bị cô lập của Têhêran. Việc đưa ra một giọng điệu mang tính hòa giải hơn và can dự với các nhà đàm phán có kinh nghiệm hơn có thể mang lại ảnh hưởng tích cực cho các cuộc đàm phán hạt nhân của Iran với P5+1", gồm các thành viên thường trực của HĐBA LHQ là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ cộng Đức.
TTK