Cuộc cấm vận của EU đối với Nga sẽ tiếp tục? Ảnh: : vestnikkavkaza |
Theo tờ Sueddeutsche Zeitung (Đức), tại các nước vùng Baltic quan điểm phản đối việc dỡ bỏ cấm vận Nga đang mạnh. Còn ở một số quốc gia khác, trong đó có Đức, ngày càng có nhiều tiếng nói đòi giảm nhẹ sự trừng phạt đối với Nga vốn được áp dụng sau các hành động can thiệp của Nga tại vùng phía Đông Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Litva Linas Linkevicius sau cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier mới đây đã tuyên bố rằng ông "không thấy bất cứ lý do nào để thay đổi sự cấm vận bởi vì tình hình không được cải thiện".
Trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Đức lại cho rằng sự cấm vận "không phải là mục đích tự thân, bởi vậy ông sẽ nỗ lực tối đa để đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk". Ông Steinmeier khẳng định: "Nếu đến cuối tháng 6 sự cấm vận không được tất cả 28 nước gia hạn thì nó sẽ tự động chấm dứt".
Các chính khách Đức cho rằng việc cản trở tiến trình nói trên trong năm nay sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm ngoái: tại Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp quan điểm phản đối tiếp tục cấm vận Nga đang mạnh lên, nhiều người muốn ít nhất cũng có sự nới lỏng trừng phạt. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel mới đây đã tuyên bố: "Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy trong tương lai lâu dài thì việc cô lập (Nga) sẽ không đem lại điều gì hết. Không khôn ngoan cho lắm nếu đòi hỏi thực hiện 100% các thỏa thuận ở Minsk và chỉ sau đó mới dỡ bỏ 100% lệnh cấm vận".
Có nhiều nhận định nghiêng về phương án lệnh cấm vận vừa được kéo dài và vừa được giảm nhẹ.
Theo tờ Der Tagesspiegel, phía Ukraine không hài lòng trước việc Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel muốn từng bước dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga. Đại sứ Ukraina tại Đức Andrij Melnyk cho biết: "Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Ngoại giao CHLB Đức giải thích về việc liệu quan điểm này có trùng với quan điểm chính thức của Chính phủ liên bang hay không". Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế thể hiện "thái độ đoàn kết và cứng rắn" trong quan hệ với LB Nga.
Vị Đại sứ Ukraine cũng chỉ trích việc ông Sigmar Gabriel dùng hai từ "nội chiến“ để nói về cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. Ông Melnyk nhấn mạnh: “Nhiều người dân Ukraine cho rằng những lời phát biểu như thế là sự xúc phạm và không công bằng".
Tờ Der Tagesspiegel đánh giá rằng cho đến nay không một điểm nào trong hiệp định ký vào tháng 2/2015 ở Minsk được thực hiện. Điều kiện để ngừng bắn cũng bị vi phạm, tiến tình giải quyết hòa bình cuộc xung đột chưa nhích khỏi điểm chết. Hiện tại cũng chưa có sự nhất trí trong vấn đề bầu cử khu vực ở Đông Ukraine.
Theo tờ Le Monde (Pháp), Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt, một trong những người khởi xướng chương trình "Đối tác phương Đông" của EU, chủ trương tiếp tục cấm vận Nga. Ông này ủng hộ nhiệt thành Chính phủ Ukraine thân EU.
Trả lời câu hỏi về việc vì sao Hiệp định Minsk không được thực hiện, ông Carl Bildt cho biết: "Phe ly khai nổi loạn vẫn tiếp tục tấn công trên mọi vùng ranh ngừng bắn. Các đội quân chiếm đóng Donbass vẫn đang mạnh lên".
Carl Bildt cho rằng hiện giờ vẫn chưa rõ ai sẽ tham gia tranh cử tại các vùng nằm dưới sự kiểm soát của Moskava. Nga cho rằng các thủ lĩnh ly khai sẽ tranh cử và những người này không muốn các chính đảng của Ukraine cũng như 1,5 triệu người đã chạy loạn khỏi Donbass. Kiev ủng hộ một cuộc bầu cử thực sự tự do tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và muốn khôi phục quyền kiểm soát của mình tại khu vực biên giới phía Đông.
Carl Bildt tuyên bố: "Lệnh cấm vận Moskva cần phải có hiệu lực cho đến khi nào họ thay đổi lập trường. Việc dỡ bỏ sẽ được thực hiện chỉ với điều kiện Hiệp định Minsk được thực thi đầy đủ. Không ai chỉ ra rằng điều này có thể diễn ra trước khi tháng 6 kết thúc. Sau nửa năm nữa, vào tháng 12, chúng ta sẽ xem xét sẽ làm gì tiếp. Việc cấm vận bị bãi bỏ khi chưa đủ các điều kiện sẽ tước mất của EU và Mỹ sức ép đối với Điện Kremli. Và một quyết định như thế sẽ khiến cho cuộc xung đột kéo dài".