Nhìn lại 1 tuần sau thiết quân luật: Khủng hoảng chính trị Hàn Quốc kéo dài đến bao giờ?

Hàn Quốc đã trải qua 1 tuần đầy sóng gió sau khi Tổng thống nước này Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật vào đêm 3/12. Điều này và những vấn đề nội tại trước đó đã gây hệ lụy tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị, kéo theo tác động tới quan hệ quốc tế cũng như nền kinh tế vốn đã tồn tại bất ổn.

Tình hình chính trị trong nước tiếp tục biến động với hàng loạt quan chức cấp cao xin từ chức hoặc đối mặt với các vấn đề pháp lý do phe đối lập đề xuất. Trong khi đó, đảng cầm quyền vẫn chưa thực sự tìm ra được một giải pháp hợp lý để giải quyết được khủng hoảng chính trị hiện nay.

Chỉ qua 1 đêm sau khi bị Quốc hội bãi bỏ thiết quân luật, sáng ngày 4/12, một loạt quan chức cấp cao của dưới quyền của ông Yoon đã đề đơn xin từ chức như Chánh văn phòng Tổng thống Chung Jin Suk, Cố vấn An ninh Quốc gia Shin Won Sik, Chánh văn phòng phụ trách chính sách Sung Tae Yoon.

Vài ngày tiếp theo, một loạt các quan chức cấp cao khác cũng đệ đơn xin từ chức. Trong đó, ông Kim Yong Hyun xin từ chức Bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 5/12 và ông Lee Sang Min đệ đơn xin từ chức Bộ trưởng Nội vụ vào 8/12. Cả 2 ông đều được Tổng thống Yoon chấp thuận. Bên cạnh đó, ngày 5/12, Tham mưu trưởng lục quân Park An Su cho biết đã đệ đơn từ chức nhưng Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bác đơn.

Chú thích ảnh
 Ông Kim Yong Hyun khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tới dự cuộc họp nội các ở Thủ đô Seoul ngày 15/10/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong số các quan chức dưới quyền của Tổng thống Yoon thì ông Kim Yong Hyun - cựu Bộ trưởng Quốc phòng, là người đầu tiên đã bị cơ quan công tố bắt giữ do liên quan đến vụ thiết quân luật. Ông Kim được xác định là người đã đề xuất cho Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật, trong bối cảnh những bế tắc chính trị ngày càng gia tăng với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát thực hiện. Ông bị cơ quan công tố tiến hành bắt giữ theo diện khẩn cấp vào rạng sáng ngày 8/12.

Với Tổng thống Yoon, phe đối lập cũng ngay lập tức có động thái “đáp trả” việc ban bố thiết quân luật. Ngay trong chiều 4/12, phe đối lập với tổng cộng 191 nghị sĩ do đảng Dân chủ (DP) đối lập chính dẫn đầu đã đã đệ trình dự luật luận tội Tổng thống Yoon trong phiên họp Quốc hội. Tuy nhiên vào chiều 7/12, do không đạt đủ số phiếu cần thiết (tối thiểu 200 phiếu thuận) khi đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền tẩy chay cuộc bỏ phiếu nên Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik thông báo dự luật luận tội Tổng thống Yoon đã bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, các hành động pháp lý vẫn tiếp tục nhắm tới Tổng thống Yoon. Ngày 9/12, Tổng thống Yoon đã bị cấm xuất cảnh trong thời gian chờ điều tra về các cáo buộc phản quốc và các tội danh khác liên quan đến việc áp đặt thiết quân luật. Lệnh cấm được Bộ Tư pháp ban hành ngay sau khi Văn phòng Điều tra Tham nhũng đối với Quan chức Cấp cao (CIO) thông báo đã đệ trình yêu cầu ra lệnh này.

Tiếp đó vào chiều ngày 10/12, Quốc hội Hàn Quốc do phe đối lập kiểm soát đã thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt thường trực để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và các quan chức cấp cao liên quan đến việc ban bố thiết quân luật. Đáng chú ý, ngoài các nghĩ sĩ đảng đối lập thì có khoảng 20 nghị sĩ đảng cầm quyền của ông Yoon cũng đã bỏ phiếu thuận.

Chú thích ảnh
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu ngày 7/12/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Dự luật này kêu gọi điều tra Tổng thống Yoon, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun, Tổng tham mưu trưởng Lục quân Tướng Park An Su và các quan chức khác có liên quan đến tội danh vi phạm hiến pháp, gây xáo trộn an ninh trật tự xã hội khi ban bố tình trạng thiết quân luật. Thủ tướng Han Duck Soo, người đứng đầu cơ quan phản gián Yeo In Hyeong và cựu lãnh đạo đảng cầm quyền PPP Choo Kyung Ho cũng nằm trong danh sách những người thuộc đối tượng điều tra.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc phòng của quân đội, Thiếu tướng Lục quân Moon Sang Ho, đã bị đình chỉ công tác vào ngày 10/12. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều tra Quốc gia (NOI) cũng thông báo ông Cho Ji Ho, Tổng thanh tra của Cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, và hai quan chức cảnh sát cấp cao khác bị cấm xuất cảnh do liên quan việc tuyên bố thiết quân luật. Lệnh cấm xuất cảnh cũng áp dụng với ông Kim Bong Sik, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát thủ đô Seoul và Mok Hyun Tae, người đứng đầu Đội Cảnh sát Bảo vệ Quốc hội.

Trong khi đó, đảng PPP cầm quyền Hàn Quốc tiếp tục đối mặt với áp lực lớn và chia rẽ sâu sắc trong nội bộ về vấn đề từ chức của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi PPP đang chịu sự giám sát của công chúng vì quyết định tẩy chay cuộc bỏ phiếu luận tội tổng thống vào ngày 7/12.

Ngày 9/12, PPP tổ chức một loạt cuộc họp khẩn cấp, bao gồm phiên họp Hội đồng Tối cao và cuộc họp của các nhà lập pháp cấp cao. Đảng cũng thông báo thành lập một lực lượng đặc nhiệm để thảo luận các biện pháp ổn định tình hình, bao gồm cả phương án từ chức sớm của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Tuy nhiên, người phát ngôn Kwak Kyu Taek cho biết các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và chưa có chi tiết cụ thể được công bố.

Các nhà lập pháp PPP hiện chia rẽ về thời điểm và cách thức từ chức. Một số ủng hộ việc từ chức trong vòng 6 tháng, điều này sẽ dẫn tới một cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày. Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol lại đề xuất một lộ trình chậm rãi hơn, thậm chí xem xét sửa đổi hiến pháp để rút ngắn nhiệm kỳ, kéo dài thời gian từ chức đến năm 2026. Hiện tại, PPP đang đối mặt với bài toán khó về việc làm thế nào để thống nhất nội bộ và đáp ứng được yêu cầu của công chúng, trong khi vẫn bảo vệ lợi ích chính trị trước các động thái mạnh mẽ từ phe đối lập.

Trước mắt, PPP ra tuyên bố Thủ tướng Han Duck Soo sẽ giải quyết các vấn đề quốc gia với sự tham vấn chặt chẽ của đảng cầm quyền nhằm tìm cách ổn định tình hình. Tuyên bố cũng nói rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ không còn tham gia vào các công việc của đất nước, kể cả ngoại giao, và sẽ có sự chuẩn bị cho việc ông rời khỏi vị trí một cách "sớm và có trật tự". Tuy nhiên kế hoạch này của PPP thiếu cơ sở pháp lý vững chắc.

Ở chiều ngược lại, phe đối lập tiếp tục tuyên bố sẽ đệ trình một động thái luận tội lần thứ 2 với Tổng thống Yoon vào ngày 11/12, với mục tiêu đưa vấn đề ra thảo luận tại phiên họp toàn thể ngày 12/12. Phe đối lập cho biết sẽ bỏ phiếu theo lộ trình cho đến khi việc luận tội được thông qua. Đảng đảng Dân chủ (DP) đối lập cho rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ có hai lựa chọn: phải tự nguyện từ chức hoặc bị luận tội càng sớm càng tốt. Lãnh đạo DP Lee Jae Myung cũng chỉ trích gay gắt quyết định của đảng cầm quyền khi để Thủ tướng giải quyết các vấn đề quốc gia khi cho đây là hành động "phá hủy trật tự hiến pháp" thêm một lần nữa.

Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình đang lan rộng trên toàn Hàn Quốc, tiếp tục kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từ chức. Đây sẽ là áp lực lớn với Tổng thống và đảng PPP cầm quyền trong việc cân đối xử lý cả nội bộ và dư luận.

Video người dân Hàn Quốc biểu tình đề nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nguồn: Reuters.

Về quan hệ quốc tế, những lo ngại về tình hình chính trị trong nước sẽ ảnh hưởng tới hợp tác trên nhiều lĩnh vực của Hàn Quốc với các đồng minh, đối tác ngày càng tăng. Ngày 5/12, nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ quan ngại, đồng thời hối thúc các biện pháp giải quyết hòa bình và tuân thủ luật pháp trước những bất ổn chính trị tại Hàn Quốc.

Trong một tuyên bố ngày 4/12, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh lệnh thiết quân luật khẩn cấp của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đã gây "mối quan ngại sâu sắc" cho Mỹ. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell nhận định việc Tổng thống Hàn Quốc ban bố tình trạng thiết quân luật vừa qua là một “phán đoán sai lầm”, nhất là khi nhìn lại quá khứ chính trị bất ổn trước đây tại nước này.

Ông Clint Work, chuyên gia từ Viện Kinh tế Hàn Quốc tại Mỹ, nhấn mạnh: "Liên minh Mỹ và Hàn Quốc đang phải đối mặt với một tương lai vô cùng bất định". Ông dự báo trong vòng 6-9 tháng tới, liên minh này có thể phải trải qua một loạt thay đổi hỗn loạn.

Nhật Bản, quốc gia láng giềng vốn có mối quan hệ tốt với chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết đang theo dõi tình hình với "mối quan ngại đặc biệt và nghiêm trọng". Trong một phát biểu trước quốc hội ngày 5/12, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cảnh báo "tình hình an ninh của Nhật Bản có thể thay đổi cơ bản" trước tình hình bất ổn ở Seoul và những động thái quân sự của Triều Tiên. Ông cũng khẳng định sẽ bảo vệ những tiến bộ trong việc cải thiện quan hệ với Seoul.

Cũng trong khu vực, Trung Quốc đã kêu gọi công dân của mình thận trọng, trong khi Nga cho rằng tình hình tại Hàn Quốc là "đáng báo động". Hiện, Triều Tiên chưa đưa ra phản ứng nào đối với tình hình tại Hàn Quốc. Đại sứ quán nhiều nước tại Hàn Quốc như Mỹ, Australia, Nga … cũng đưa ra cảnh báo với công dân trong tình hình bất ổn hiện nay.

Một khía cạnh khác, nền kinh tế Hàn Quốc đối diện nhiều khó khăn trong bối cảnh số phận chính trị của Tổng thống Yoon Suk-yeol vẫn chưa ngã ngũ và kế hoạch ngân sách năm mới vẫn còn đình trệ. Khi số phận chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol được đoán định sẽ còn trong tình trạng bấp bênh lâu hơn dự kiến, mối lo ngại đang gia tăng về các biện pháp kinh tế đang chờ được xử lý để "xốc lại" tăng trưởng.

Các vấn đề kinh tế vốn đang chờ được xử lý vào thời điểm quan trọng đã bị gạt sang một bên do tác động của vụ thiết quân luật. Trong đó, những điều quan trọng nhất bao gồm cuộc đàm phán bị đình trệ về kế hoạch ngân sách nhà nước trị giá 677 nghìn tỷ won (471 tỷ USD) năm 2025 và thông báo sắp tới của chính phủ về các định hướng chính sách kinh tế sẽ là kim chỉ nam cho các ngành công nghiệp Hàn Quốc về cách vượt qua môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng vào năm 2025.

Thủ tướng Han Duck-soo vào ngày 8/12 đã kêu gọi xử lý nhanh chóng đề xuất ngân sách trong khi cam kết sẽ điều hành một hệ thống khẩn cấp để giám sát chặt chẽ thị trường tài chính và tiền tệ. Ông Han cho biết: "Chỉ khi ngân sách được hoàn thiện càng sớm càng tốt và mỗi bộ chuẩn bị thực hiện đúng thời hạn, nền kinh tế và sinh kế của người dân mới có thể phục hồi kịp thời trong thời điểm khó khăn này".

Tuy ngày 10/12 thì trường chứng khoán đã có có phiên tăng điểm nhưng nhìn tổng thể vẫn trong tình trạng “kém hấp dẫn” khi hầu hết là các chuỗi giảm điểm liên tiếp. Nhiều chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán Hàn Quốc sẽ đi xuống cho đến hết năm 2024 khi bất ổn chính trị đang gia tăng, tạo áp lực lên thị trường, vốn đã khó khăn từ trước.

Video thị trường chứng khoán Hàn Quốc ngày 9/12 đóng cửa ở mức thấp nhất trong 13 tháng. Nguồn: Reuters.

Hàn Quốc trước đó đã phải đối mặt với sức cạnh tranh yếu kém của các ngành xuất khẩu chính của quốc gia như chất bán dẫn và pin dự phòng, cũng như dự báo về một chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Những dự báo ảm đạm từ các tổ chức kinh tế toàn cầu và các ngân hàng đầu tư cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế 1% có thể là mức "bình thường mới" đối với Hàn Quốc.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật để điều tra Tổng thống
Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật để điều tra Tổng thống

Ngày 12/10, Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt thường trực để điều tra các cáo buộc hành vi nổi loạn của Tổng thống Yoon Suk-yeol liên quan đến nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của ông vào tuần trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN