Trước hết xét về quan hệ song phương, việc hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau nhanh chóng đã trở thành diễn biến chính trị - ngoại giao bất ngờ và nổi bật đầu năm 2023. Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Với việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đắc cử tháng 5/2022, Seoul đã cố gắng đạt được sự hòa giải với Nhật Bản.
Chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Hàn Quốc đầu tháng 5 đánh dấu việc nối lại toàn diện ngoại giao chính thức giữa các nhà lãnh đạo hai nước, vốn bị đóng băng trong hơn một thập niên.
Giới chuyên gia nhận định động lực lớn nhất cho sự tan băng này chính là “lợi ích chung”, đó là các mối quan tâm chung về an ninh và kinh tế mà cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều cần phải tăng cường trong bối cảnh thế giới biến động như hiện nay. Đặc biệt, phải kể đến Mỹ, với vai trò là đồng minh chung của hai nước, đã chủ trì các cuộc họp thượng đỉnh ba bên trong năm 2023 nhằm siết chặt hợp tác an ninh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vẫn có những yếu tố tiềm ẩn rủi ro. Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ đối mặt với cuộc bầu chọn chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào tháng 9/2024.
Với Tổng thống Yoon Suk Yeol là cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4/2024, được coi là "bài sát hạch" giữa nhiệm kỳ của chính quyền, có thể sẽ khiến ông phải điều chỉnh chính sách. Cho dù vậy, các nhà phân tích dự đoán hòa giải và hữu nghị vẫn là xu thế chủ đạo của quan hệ Nhật - Hàn trong năm 2024, trong bối cảnh hai nước đã nhận thức được những thiệt hại từ những đòn trừng phạt lẫn nhau trong giai đoạn căng thẳng cũng như trong mối quan ngại chung về an ninh và đặc biệt trong sự thúc đẩy của Mỹ muốn xây dựng một tam giác liên minh mạnh mẽ hơn.
Sự xích lại gần nhau giữa Hàn Quốc với Nhật Bản đã tác động đến hai trục quan hệ song phương còn lại là Trung Quốc - Nhật Bản và Trung Quốc - Hàn Quốc.
Năm 2023, quan hệ Nhật - Trung nhiều thời điểm đối mặt với thử thách liên quan tới những vấn đề lịch sử hay các biện pháp kiểm soát xuất khẩu giữa hai nước trong cuộc chiến chất bán dẫn... Tình hình có dấu hiệu dịu xuống vào cuối năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Kishida có cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11 tại San Francisco (Mỹ). Hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy “mối quan hệ chiến lược cùng có lợi”, nhấn mạnh vào lợi ích kinh tế chung và nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ tại mọi cấp độ, kể cả ở cấp lãnh đạo cao nhất.
Ông Willem Thorbecke, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp có trụ sở tại Tokyo, cho rằng thúc đẩy ngoại thương là điều cần thiết đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Đồng thời, Bắc Kinh dường như đang cố gắng thuyết phục Tokyo không phản đối nỗ lực tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tự do sẽ cải thiện khả năng tiếp cận của Trung Quốc vào các thị trường quan trọng trong khu vực.
Trong khi đó, về phía Nhật Bản, chuyên gia Thorbecke lưu ý: “Trung Quốc là một thị trường sinh lợi với 1,4 tỷ người tiêu dùng và doanh nghiệp muốn có hàng hóa, linh kiện và sản phẩm vốn của Nhật Bản. Vì vậy các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản muốn loại bỏ bất cứ điều gì cản trở thương mại với Trung Quốc”.
Mặc dù Nhật Bản và Trung Quốc vẫn bất đồng về một số vấn đề chiến lược, nhưng các chuyên gia tin rằng trong năm 2024, mối quan hệ này có thể đạt được tiến bộ nếu hai bên cố gắng xây dựng động lực cho các cuộc gặp và đàm phán thương mại trong tương lai.
Mối quan hệ Trung - Hàn cũng có những thay đổi kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên nắm quyền. Ông Derek Grossman, nhà nghiên cứu quốc phòng cao cấp của tổ chức Rand Corporation, chuyên gia về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhận định rằng mặc dù có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc đồng thời cố gắng duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh.
Tuyên bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc coi Trung Quốc là “đối tác quan trọng” mà Seoul “sẽ nuôi dưỡng một mối quan hệ lành mạnh và trưởng thành hơn khi chúng ta theo đuổi lợi ích chung dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và có đi có lại, được hướng dẫn bởi các chuẩn mực và quy tắc quốc tế”. Những động thái như vậy đã góp phần cải thiện dần mối quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc vào cuối năm 2023. Trung Quốc cũng phát đi tín hiệu tích cực.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhận định Bắc Kinh và Seoul đã trở thành đối tác hợp tác với các lợi ích chung lớn cũng như chuỗi sản xuất và cung ứng gắn kết chặt chẽ. Ông hứa hẹn Trung Quốc sẽ mở cửa ở cấp độ cao hơn, nhằm tiếp tục mang đến những cơ hội mới cho sự hợp tác cùng có lợi với Hàn Quốc.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc, đồng thời cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng mà ngành công nghiệp Seoul cần, có thể là chất bán dẫn hoặc pin. Chuyên gia Taehyun Oh, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP), thừa nhận nền kinh tế và chuỗi cung ứng của Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.
Sự cải thiện hai trục quan hệ song phương Trung - Hàn và Trung - Nhật đã mở đường cho một diễn biến nổi bật cuối năm 2023. Đó là việc nối lại đàm phán ba bên, một cơ chế đã không hoạt động kể từ năm 2019. Trong động thái mới nhất nhằm giảm căng thẳng giữa các nước láng giềng châu Á, ngày 26/11, tại Busan (Hàn Quốc), ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng ý tái khởi động hợp tác ba bên và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho biết ba nước đã nhất trí quan điểm rằng việc thúc đẩy hợp tác thực tế và hướng tới tương lai giữa ba nước láng giềng châu Á là quan trọng đối với hòa bình khu vực và thế giới.
Liên kết chặt chẽ về kinh tế là một động lực lớn để ba quốc gia đều muốn cải thiện quan hệ. Để đạt được mục tiêu này, cả ba nước đã chia sẻ thẳng thắn những vấn đề còn bất đồng, trong đó chủ yếu là vướng mắc của Nhật Bản và Hàn Quốc với Trung Quốc. Giáo sư tại Đại học Cơ đốc Quốc tế (Tokyo) Stephen Nagy đánh giá: “Khuôn khổ này sẽ tiếp tục hữu ích cho việc đối thoại và chia sẻ quan điểm”.
Việc nối lại được cơ chế ba bên vào cuối năm 2023 đã tạo ra một triển vọng mới cho quan hệ ba nước trong năm 2024. Kang Joon-young, Giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc), nhận xét rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên dự kiến được tổ chức trong năm 2024 sẽ là động lực để hâm nóng quan hệ với Trung Quốc, mở đường những chuyển động ngoại giao tích cực của khu vực trong tương lai.