Những câu hỏi then chốt về Syria

Khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố đánh bom các mục tiêu của Syria là việc phải làm và đề nghị quốc hội cho phép, cuộc khủng hoảng quốc tế về Syria bất ngờ chuyển hướng sang một cuộc chiến nội bộ nước Mỹ. Có quá nhiều yếu tố vẫn đang diễn tiến xung quanh câu chuyện phức tạp này, tuy nhiên nhiều câu hỏi cũng đã có lời đáp.


Mỹ có đi đến chiến tranh với Syria?


Không, ít nhất là vẫn chưa. Ngay cả khi Tổng thống Obama nói muốn tấn công các mục tiêu Syria, thì quyết định cuối cùng về vấn đề này cũng đã được ông đẩy sang Đồi Capitol. 


Tàu khu trục mang tên lửa hành trình USS Mahan đang trực chiến ở đông Địa Trung Hải.


Khi nào Quốc hội Mỹ quyết định?


Các nhà lập pháp chỉ trở lại Washington D.C vào ngày 9/9 sau kỳ nghỉ hè. Tuy vậy, Ủy ban Đối ngoại thượng viện cho biết sẽ tổ chức buổi nghe trình bày về vấn đề Syria vào ngày 3/9.


Có thể triệu tập quốc hội sớm hơn?


Có thể, nếu cần một cuộc tranh luận khẩn cấp. Nhưng Obama nói ông không đề nghị triệu tập sớm. Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey cho rằng nên chờ đợi. Ông Dempsey nói với tổng thống rằng một sự trì hoãn sẽ không phương hại tới cuộc tấn công quân sự.


Liệu quốc hội Mỹ có ủng hộ Obama?


Tổng thống có thể dễ dàng giành sự ủng hộ ở Thượng viện, nơi phe Dân chủ chiếm đa số. Khó khăn nằm ở Hạ viện, nơi phe Cộng hoà đang kiểm soát, trong khi các nhà lập pháp không muốn lặp lại một Iraq thứ hai.


Sự lưỡng lự nằm ở đâu?


Một số người, như TNS Cộng hoà Ted Cruz, cho rằng nước Mỹ chỉ nên hành động khi có mối đe doạ rõ ràng với an ninh quốc gia. Số khác, như TNS John McCain và Lindsey Graham, thì cho rằng các cuộc không kích là chưa đủ, họ muốn ông Assad rời ghế quyền lực.


Obama có cần chờ Quốc hội bật đèn xanh?


Về mặt kỹ thuật thì không. Đạo luật Quyền lực chiến tranh năm 1973 cho phép tổng thống Mỹ được phát lệnh chiến tranh, nhưng phải thông báo cho quốc hội trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, ông Obama đã chọn cách đưa vấn đề Syria ra thảo luận tại nghị trường “bởi vì vấn đề này quá lớn để quyết định như thường lệ”.


Nhưng ông đã không làm vậy khi ra lệnh không kích Libya năm 2011. Syria khác ra sao?


Ở Libya, Mỹ được NATO hỗ trợ. Còn với Syria, sẽ không có nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an LHQ mở đường cho một cuộc can thiệp. Nếu Mỹ muốn, họ sẽ phải hành động đơn phương.


Liên hợp quốc nói gì?


Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói ông sẽ đưa vấn đề Syria ra Hội đồng Bảo an sau khi nhóm thanh sát viên vũ khí hoá học công bố báo cáo. Nhưng dự kiến sẽ phải mất 3 tuần để các nhà điều tra phân tích xong các mẫu thu thập được. Ngay cả khi đó, họ cũng chỉ có thể kết luận vụ tấn công ở ngoại ô Damascus vào ngày 21/8 có sử dụng vũ khí hoá học không, chứ không thể kết luận phe nào thực hiện. 


Mỹ có nhận được sự hỗ trợ của đồng minh?


Thủ tướng Anh đã kêu gọi hành động quân sự chống Syria, nhưng quyết tâm của ông đã bị các nhà lập pháp dội nước lạnh bằng lá phiếu phủ quyết. Dự kiến nội các Pháp sẽ nhóm họp ngày 2/9 để thảo luận vấn đề Syria và tổ chức tranh luận hai ngày sau đó. “Pháp không thể hành động một mình. Chúng ta cần liên minh”, Bộ nội vụ Pháp tuyên bố.


Người Mỹ nghĩ gì?


Một cuộc thăm dò dư luận công bố tuần trước cho thấy, gần 80% người Mỹ cho rằng quyết định của tổng thống cần thông qua quốc hội. Và sau thông báo ngày 31/8 của ông Obama về việc xin ý kiến quốc hội, các cuộc biểu tình phản chiến đã nổ ra khắp nước Mỹ, trong đó có một cuộc biểu tình ở Los Angeles thu hút hàng trăm người.


Chính quyền Syria nói sao?


Quân đội chính phủ Syria tuần tra ở Homs.


Chính phủ Syria tuyên bố họ không sử dụng vũ khí hoá học trong vụ tấn công 21/8, và chính những phần tử “thánh chiến” bên phe đối lập đã sử dụng thứ vũ khí này để tạo cớ lôi kéo sự can thiệp từ nước ngoài. Thủ tướng Syria khẳng định quân đội Syria đã “sẵn sàng tối đa, các ngón tay đã đặt trên cò súng để đối mặt với mọi thách thức”.


Mỹ thực hiện một vụ tấn công ra sao?


Sẽ không có sự can thiệp của bộ binh. 5 tàu chiến Mỹ với tên lửa hành trình Tomahawk đang chờ sẵn trên Địa Trung Hải. Tên lửa siêu chính xác Tomahawk có tầm bắn 1.300-2.500km tuỳ biến thể, có thể “lảng vảng” hàng giờ trên mục tiêu và ngay cả khi đang bay vẫn có thể được lập trình lại để thay đổi đường bay.


Syria có thể đánh trả không?


Syria sở hữu một số tên lửa chống hạm, nhưng tầm bắn thấp, chỉ từ 100km -300km. Trong khi đó, kho tên lửa Scud và tên lửa đất đối đất lớn, nhưng không được thiết kế để tấn công các mục tiêu di chuyển như tàu chiến Mỹ.



Bạch Đàn  (CNN)


Các láng giềng Syria chuẩn bị kịch bản xấu nhất
Các láng giềng Syria chuẩn bị kịch bản xấu nhất

Các nước láng giềng Syria đang chủ động chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trong bối cảnh cuộc không kích của Mỹ và đồng minh chưa biết lúc nào sẽ giáng xuống “thùng thuốc súng” Trung Đông.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN