Theo kênh CNN, vụ rơi máy bay Boeing737-800 diễn ra ngay trong vụ khủng hoảng Mỹ-Iran lên tới đỉnh điểm, vài giờ sau khi Iran nã tên lửa vào hai căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Máy bay rơi đúng lúc cả thế giới đổ dồn chú ý về khu vực nóng nhất Trung Đông thời điểm này.
Mặc dù cuộc điều tra về nguyên nhân thảm kịch đang diễn ra nhưng theo góc nhìn của ông Les Abend, một phi công nghỉ hưu có 34 năm kinh nghiệm làm cơ trưởng máy bay Boeing 777 của hãng American Airlines, nguyên nhân máy bay rơi có thể không phải do lỗi kỹ thuật.
Khi đánh giá các mảnh vỡ tương đối nhỏ rải rác khắp nơi tại hiện trường tai nạn, có thể thấy tác động của máy bay gây ra với mặt đất là rất lớn và máy bay đang ở tốc độ cao. Nói cách khác, máy bay không trượt trên mặt đất và va vào các vật cản như cây cối, đá… khi tìm cách hạ cánh khẩn cấp. Trái lại, nó lao xuống rất mạnh và vỡ tan. Theo ông Abend, điều này cho thấy máy bay không nằm trong tầm kiểm soát trực tiếp của phi công.
Theo video xuất hiện trên mạng, một tên lửa phóng lên bầu trời Tehran sáng sớm 7/1 và bắn trúng một vật thể trên trời. Vào thời điểm đó, máy bay của Ukraine lao xuống đất không lâu sau khi cất cánh.
Xem video vật thể bị nghi là tên lửa bắn trúng máy bay (Nguồn: CNN):
Hiện chưa thể xác minh video nhưng CNN cho rằng các tòa nhà xuất hiện trong video dường như giống với các tòa nhà ở khu ngoại ô Parand của Iran. Máy bay rơi ở phía Bắc ngoại ô Parand.
Nếu chiếc máy bay trong video mà phía truyền thông Iran đăng đúng là máy bay Ukraine bị rơi thì máy bay đó có thể đã bốc cháy trước khi rơi.
Cháy do điện trên khoang máy bay, nổ ở đâu đó trong thân máy bay hoặc cháy động cơ có thể là nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu cháy động cơ, phi hành đoàn đủ kinh nghiệm để xử lý sự cố. Hệ thống trong cho phép phi công xịt chất chống cháy trực tiếp vào động cơ. Máy bay có thể bay dù chỉ còn một động cơ.
Còn nếu lỗi động cơ nguy hiểm xảy ra, ví dụ như lỗi ở cánh máy nén hay cánh tua bin, và các mảnh vỡ động cơ không ở trong ca pô (cowl) thì mảnh vỡ có thể bắn ra ngoài. Khi mảnh vỡ bay ra và va vào hệ thống kiếm soát chuyến bay quan trọng, máy bay có thể mất kiểm soát.
Các nhà sản xuất động cơ thiết kế ca pô để ngăn cánh quạt, cánh tua bin, ổ trục không rơi ra và va vào khu vực quan trọng của máy bay. Tuy nhiên, không phải lỗi động cơ nghiêm trọng nào cũng được đưa vào môi trường kiểm tra và ca pô có thể không hoạt động đúng chức năng.
Về khả năng tên lửa tầm nhiệt gây ra thảm họa cho máy bay Ukraine, câu trả lời là có nhưng chỉ là phỏng đoán.
Trong khi đó, lãnh đạo Canada nói họ có thông tin tình báo cho thấy máy bay Ukraine bị tên lửa đất đối không bắn trúng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kêu gọi điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân rơi máy bay. Canada có 63 công dân thiệt mạng trong vụ việc.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết cơ quan tình báo Anh cũng có kết luận máy bay bị bắn rơi. Ông Johnson cho rằng vụ việc có thể là vô tình và kêu gọi các bên khẩn cấp giảm căng thẳng trong khu vực.
Phía Mỹ thì cho rằng máy bay bị hai tên lửa đất đối không SA-15 của Nga bắn rơi. Họ cho rằng đã nhìn thấy tín hiệu radar Iran chiếu trên chiếc máy bay trước khi nó bị bắn rơi. Tổng thống Donald Trump ngày 9/1 nói ông nghi ngờ máy bay rơi không do lỗi kỹ thuật, ám chỉ “ai đó có thể đã mắc sai lầm”.
Các quan chức an ninh châu Âu cho rằng khả năng máy bay bị tên lửa Iran bắn nhầm là đáng tin cậy.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov viết trên Facebook rằng sẽ họp với giới chức Iran để nghiên cứu nguyên nhân thảm kịch, kể cả khả năng máy bay trúng tên lửa phòng không.
Về nghi ngờ của Mỹ và các bên liên quan, người phát ngôn quân đội Iran cho rằng vụ rơi máy bay không phải là do hành động quân sự. Giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Iran cũng nghi ngờ cáo buộc của Mỹ. Ông Ali Abedzadeh nói: “Nếu tên lửa bắn trúng máy bay, nó sẽ rơi tự do. Làm sao mà khi máy bay bị tên lửa bắn trúng, phi công lại tìm cách quay đầu về sân bay?”
Theo CNN, thảm kịch này cần được xử lý như các cuộc điều tra tai nạn khác mà không vội đưa ra kết luận cho tới khi có đầy đủ thông tin. Phải có phương pháp điều tra có hệ thống và tổ chức theo hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Trước đó, giới chức Iran tối 8/1 công bố báo cáo điều tra sơ bộ cho thấy chiếc Boeing 737-800 chở khách của hãng Hàng không quốc tế Ukraine (UIA) đã bốc cháy ngay trước khi rơi xuống vùng Tây Nam của thủ đô Tehran, khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Báo cáo cũng chỉ ra chiếc máy bay đã gặp vấn đề kỹ thuật ngay sau khi cất cánh và bắt đầu quay lại sân bay trước khi rơi. Báo cáo đăng trên trang web của ICAO nêu rõ chiếc máy bay ban đầu hướng về phía Tây để rời khỏi khu vực sân bay, đã rẽ phải sau khi gặp vấn đề và được điều khiển quay trở lại sân bay vào thời điểm gặp tai nạn. Báo cáo bác bỏ khả năng máy bay rơi do bị bắn.