Mặc dù kế hoạch giải quyết nợ mới của Hy Lạp tạo ra hy vọng cho các thị trường thế giới, song một số chuyên gia kinh tế vẫn hoài nghi rằng việc nước này tập trung vào tăng thuế có thể sẽ gây bất lợi nhiều hơn đối với nền kinh tế đang chìm trong suy thoái này.
Người dân Hy Lạp biểu tình trước trụ sở Quốc hội phản đối những yêu sách của EU. |
Trong bối cảnh thời hạn chót trả nợ vào cuối tháng 6 đang cận kề, Athens đã đưa ra nhượng bộ nhằm mục đích giải quyết bất đồng với các chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đặc biệt là các vấn đề chính được đề cập tới trong các cuộc đàm phán về gói cứu trợ Hy Lạp kéo dài 5 tháng qua.
Chính phủ Hy Lạp, được thành lập hồi tháng 1/2015 với chủ trương chống "thắt lưng buộc bụng", đã đưa ra đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế doanh nghiệp, cắt giảm lương hưu và thu hẹp thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, trong khi các đề xuất này giúp xoa dịu thị trường chứng khoán và các nhà lãnh đạo châu Âu rằng khoản nợ này cuối cùng có thể được giải quyết, song các chuyên gia vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của kế hoạch này.
Chuyên gia kinh tế Erik Nielsen của Tập đoàn Unicredit nói: “Đề xuất của Hy Lạp dựa quá nhiều vào biện pháp tăng thuế vốn chỉ có thể áp dụng một lần... mà không dựa trên các biện pháp cải cách thực sự”.
EU và IMF muốn Hy Lạp đạt mục tiêu thặng dư ngân sách trong năm nay bằng 1% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) và sau đó là 2% vào năm 2016 và 3% vào năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, các chủ nợ yêu cầu Hy Lạp cắt giảm chi tiêu ngân sách ở mức tương đương 1,5% GDP trong năm nay và 2,5% trong năm tới. Sau nhiều tháng tranh luận, ngày 22/6, Athens đã “lùi bước” và đưa ra con số thậm chí còn cao hơn yêu cầu của chủ nợ đó là 1,51% trong năm nay và 2,87% trong năm 2016. Các biện pháp này sẽ giúp Hy Lạp có được 8 tỷ euro, chủ yếu thông qua việc tăng thuế, bao gồm tái áp thuế VAT 23% đối với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng - mức thuế từng được áp dụng trong giai đoạn 2011-2013.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng Athens đã đưa ra đề xuất “vượt mức” yêu cầu của chủ nợ để cân bằng ngân sách. Platon Monokroussos, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Eurobank - một trong các chủ nợ của Hy Lạp, nói: “Các biện pháp mới được đề xuất có vẻ như hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ... nếu so sánh với đề xuất trước đây. Đề xuất mới này của Hy Lạp dường như triệt để hơn và rõ ràng hơn”.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng các biện pháp chủ yếu dựa vào tăng thuế có thể làm tổn hại một nền kinh tế vốn đã bị rơi vào suy thoái trong quý 1/2015. Nhà kinh tế Jacob Funk Kirkegaard làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói: "Những số liệu ước tính cho thấy 7,3 tỷ euro hay 93% trong tổng số 7,9 tỷ (euro) trong những cam kết tài chính mới của chính phủ Hy Lạp là số tiền có được từ việc tăng thuế".
Hy Lạp cũng đồng ý thu hẹp diện được về hưu sớm để tiết kiệm khoảng 360 triệu euro và giảm 200 triệu euro trong chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, trọng tâm vẫn là tăng thuế. Hy Lạp đặt mục tiêu tăng thuế VAT để tăng thêm ngân sách 2,04 tỷ euro và tăng mức đóng góp cho an ninh xã hội để thu về thêm 2,17 tỷ euro. Đồng thời, Athens muốn thu được 2,53 tỷ euro từ việc tăng thuế đối với các công ty kinh doanh.
Hy Lạp cũng đề xuất áp dụng một mức thuế đặc biệt 12% đối với các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 500.000 euro/năm, và các công ty sẽ bị đánh thuế ở mức 29% thay vì mức 26% như hiện tại từ năm 2016 trở đi. Những người có thu nhập cao và những loại hàng hóa xa xỉ cũng sẽ bị tăng thuế, bao gồm các loại ô tô thể thao, bể bơi, du thuyền và máy bay của tư nhân.
Theo nhà phân tích Michael Hewson của "CMC Markets", các biện pháp tăng thuế của Hy Lạp chắc chắn sẽ làm tổn hại hơn nữa tới nhu cầu tiêu dùng của một nền kinh tế đang rơi vào suy thoái. Ông nhấn mạnh: "Thậm chí chỉ với những kiến thức kinh tế cơ bản chúng ta cũng có thể biết rằng tăng thuế trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng đang giảm sút giống như cố vắt nước từ một quả chanh đã bị vắt sạch".