Thông báo của Tổng thống Emmanuel Macron hôm 24/9 rằng Pháp sẽ rút Đại sứ khỏi Niger cùng với lực lượng quân sự của họ đã khiến người dân nước này hài lòng. Các nhà lãnh đạo quân sự của Niger bày tỏ sự tán thành, ca ngợi đây là một bước quan trọng để đạt được chủ quyền, trong khi một liên minh các tổ chức xã hội dân sự ca ngợi việc rút quân là một "chiến thắng cho người dân Niger đã đấu tranh vì điều này".
Nhà hoạt động người Niger Maikoul Zodi nói: "Đối với chúng tôi, đây là một chiến thắng rõ ràng bởi vì, một tuần trước, ông ấy [Tổng thống Macron] đã nói rằng chỉ có Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum mới có quyền ra lệnh rút quân Pháp. Bây giờ người dân Niger đã chứng minh rằng Niger thuộc về người Niger".
Một lời cảnh báo
Trong khi đã có một số cuộc đảo chính quân sự ở Tây Phi vài năm qua, tình hình ở Niger có nguy cơ cao hơn do tác động không chỉ đối với chính nước này mà còn đối với khu vực Sahel, cũng như những tác động rộng lớn hơn đối với Tây Phi và địa chính trị xuyên lục địa.
Nhà phân tích chính trị người Ghana Mutaru Mumuni Muqthtar, Giám đốc điều hành Trung tâm chống chủ nghĩa cực đoan Tây Phi (WACCE), cảnh báo rằng, trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải xem xét tương lai của Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Chuyên gia Muqthtar nói: “Niềm hân hoan sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, bởi vì Niger, vào lúc này, không có khả năng tự thúc đẩy sự thịnh vượng, ổn định và đảm bảo lợi ích bền vững trước các mối đe dọa mà họ hiện đang phải đối phó”.
Niger dưới thời Tổng thống Bazoum là nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố thánh chiến. Pháp vẫn có khoảng 1.500 binh sĩ đóng quân ở Niger trong nỗ lực bình định khu vực Sahel. Theo Tổng thống Macron, chính quyền hậu đảo chính “không còn muốn chống khủng bố nữa”.
Chuyên gia Muqthtar đồng ý rằng việc Pháp rời khỏi Niger đã làm suy yếu đáng kể các nỗ lực chống khủng bố. Ông chỉ ra: “Việc Pháp chính thức rút lui sẽ đồng nghĩa với những hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực trong việc đối phó với chủ nghĩa cực đoan bạo lực”.
Niger phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ngoài các vấn đề an ninh, bao gồm tình trạng thất nghiệp ở thanh niên và sự thất vọng lan rộng về tình hình kinh tế của đất nước. Chuyên gia Muqthtar cho rằng doanh thu nội địa không đủ sẽ khiến chính quyền khó tài trợ cho các ý tưởng hoặc dự án phát triển hiện đang được thảo luận. Ông cảnh báo, việc giảm sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài sẽ cản trở tiến độ hơn nữa và có thể gây ra những kết quả thảm khốc.
“Chúng tôi ước tính rằng trong năm tới, sự bất đồng quan điểm và sự thất vọng trong nội bộ người dân địa phương đối với chính quyền quân sự hiện tại sẽ xuất hiện, bởi vì họ sẽ không có đủ động lực để tiếp tục và vì họ không có đủ sức mạnh tài chính để duy trì tình hình hiện tại", chuyên gia Muqthtar nói.
Kabir Adamu, nhà phân tích chính sách và an ninh người Niger chuyên về các vấn đề liên quan đến Sahel, gọi tình hình an ninh hiện tại trong khu vực là "thảm khốc" và kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý hơn đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Nhà phân tích trên nêu rõ: “Chúng ta có thể chứng kiến sự lặp lại những gì đã xảy ra ở Afghanistan. Có những vùng đất rộng lớn đang bị thống trị bởi các nhóm vũ trang phi nhà nước này. Điều đó vô cùng đáng lo ngại”.
Chớp cơ hội
Nhiều người Niger nhận thức được những thách thức phía trước. Nhưng họ khẳng định sẵn sàng và có khả năng tự mình đối phó. Abdoulkari Hassane Maikano, cư dân ở thủ đô Niamey, cho biết sự hiện diện của Pháp ở Niger không mang lại lợi ích đáng kể. Ngược lại: “Đã quá lâu kể từ khi Pháp đưa quân đến Niger, nhưng họ chưa diệt trừ được chủ nghĩa khủng bố".
Marzouk Doulla, cũng ở Niamey, đồng ý với quan điểm trên, nói: “Quân đội Pháp phải rời đi ngay lập tức vì chúng tôi thực sự không cần họ”.
Về phần mình, Mucahid Durmaz, nhà phân tích cấp cao tại Verisk Maplecroft, một công ty phân tích rủi ro có trụ sở tại London, giải thích rằng công chúng ngày càng lo ngại về sự hiện diện của lực lượng quân sự phương Tây ở châu Phi.
Một trong những hậu quả lớn nhất từ việc Pháp rút quân khỏi Niger là sự thay đổi của các liên minh quốc tế. Việc các nhà lãnh đạo Niger từ chối nhượng bộ sau những lời đe dọa can thiệp từ Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), các liên minh mới của họ với chính quyền quân sự ở các quốc gia khác gần đây đã trải qua các cuộc đảo chính và việc Pháp nhất quyết rút quân, tất cả đều tác động đáng kể đến địa chính trị ở Sahel.
Chuyên gia Muqthtar giải thích: “Giới lãnh đạo quân sự ở châu Phi ngày càng thách thức và ngày càng tìm cách coi mình như một thực thể độc lập hoạt động theo ý mình mà không có sự can thiệp của quốc tế hoặc sự chỉ đạo của các đối tác khu vực”.
Chuyên gia Durmaz nhận định: “Việc Pháp rút khỏi Niger sẽ đẩy phương Tây ra xa Sahel hơn”. Nhà phân tích Muqthtar đồng ý rằng các đối tác khác không thuộc phương Tây có khả năng tăng cường hiện diện ở Niger. Ông nói: “Có đủ không gian phù hợp cho phép Nga, Trung Quốc và các đối tác ngoài phương Tây khác thiết lập chỗ đứng vững chắc ở Tây Phi”.