Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu tại cuộc họp của Nghị viện Anh ngày 7/6. Ảnh: BBC/TTXVN |
Theo báo "The Guardian" (Anh) ngày 12/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo rằng Anh có thể đối mặt với 7 năm “tê liệt” để thương lượng về một mối quan hệ mới nếu cử tri nước này bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới.
Với các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ ở lại và rời khỏi EU rất sát sao và cử tri muốn hiểu rõ vấn đề thực tế sẽ như thế nào nếu Anh rời EU, ông Tusk khẳng định một thỏa thuận mới với EU sẽ không sớm có được.
Bất cứ nước nào muốn rời khỏi EU sẽ được giải quyết theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon, theo đó, nước này sẽ có hai năm đàm phán về các điều khoản rời đi với 27 nước thành viên còn lại. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bao hàm các vấn đề như các sắc thuế mà EU sẽ áp dụng đối với hàng hóa Anh và những hạn chế áp đặt đối với điều khoản cho phép đi lại tự do giữa các thành viên trong khối.
Theo Chủ tịch Tusk, cho dù các cuộc đàm phán có thể hoàn tất trong hai năm thì việc phê chuẩn tư cách mới của Anh có thể mất nhiều thời gian hơn nữa. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Bild (Đức), ông Tusk cho hay mỗi trong số 27 nước thành viên cùng Nghị viện châu Âu sẽ phải thông qua kết quả tổng thể, và việc này có thể mất ít nhất 5 năm và không có gì đảm bảo sẽ thành công.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng nhắc lại nhiều lần rằng Anh có thể đối mặt với "một thập kỷ bất ổn định" để thiết lập mối quan hệ mới với EU nếu cử tri bỏ phiếu chọn rời đi. Thủ tướng Cameron khẳng định chiến dịch vận động Anh ở lại EU mà ông đang thực hiện là "tràn đầy sự lạc quan và tích cực".
Phát biểu trong chương trình Andrew Marr Show của Tổ hợp truyền thông Anh (BBC) ngày 12/6, thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) theo xu hướng bài châu Âu và nhập cư Nigel Farage nói rằng sở dĩ có sự thay đổi về tỷ lệ ủng hộ Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, là bởi vì công chúng Anh đã phát ngấy với các cảnh báo về những rủi ro của việc bỏ phiếu rời khỏi EU ngày 23/6 tới.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cũng cho thấy rằng nhiều cử tri dường như đã không "hấp thụ" được thông điệp chính mà phe vận động ở lại EU muốn truyền tải, rằng Brexit sẽ làm nền kinh tế sụp đổ, công ăn việc làm bị mất đi và chất lượng cuộc sống giảm sút. Một cuộc thăm dò dư luận của tổ chức Ipsos Mori cho thấy chỉ 25% những người được hỏi nghĩ rằng Brexit sẽ khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện trong chương trình này, Thủ tướng Cameron thừa nhận mặc dù người dân có thể bối rối trước quá nhiều thống kê được đưa ra và tức giận về điều đó nhưng ở cương vị Thủ tướng, ông có trách nhiệm truyền đạt những cảnh báo từ Ngân hàng trung ương Anh (BoE) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về những rủi ro của việc rời khỏi EU cho công chúng. Ông Cameron tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng bỏ phiếu rời khỏi EU đồng nghĩa với việc nước Anh tự đẩy mình vào một vị thế kinh tế ít thuận lợi hơn.
Thủ tướng Cameron khẳng định cho dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới như thế nào thì ông sẽ vẫn tiếp tục cương vị của mình và xây dựng một chính phủ tập hợp tất cả các tài năng của đảng Bảo thủ cầm quyền. Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng bác bỏ ý kiến mà phe muốn rời khỏi EU nhắc đến nhiều lần trong các cuộc vận động, rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia nhập EU và mở ra khả năng về một cuộc di cư ồ ạt tới châu Âu, cho rằng đây chỉ là một chiêu đánh lạc hướng dư luận của phe vận động rời đi.