Xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019, dịch bệnh khiến nhiều thành phố tại quốc gia này bị phong tỏa, các hoạt động giao thông đình trệ, cửa hàng ngừng hoạt động, hàng loạt nhà máy tại trung tâm sản xuất của thế giới phải đóng cửa.
Khi đó, giới chuyên gia đã phần nào lo ngại những tác động kinh tế của dịch bệnh khi rất nhiều công ty lớn trên thế giới đặt nhà máy hoặc có hợp đồng sản xuất thiết bị và phụ kiện tại Trung Quốc. Nhưng tác động khi đó vẫn được đánh giá là trong ngắn hạn. Cục diện chuyển biến xấu khi dịch bệnh lây lan nhanh ra các quốc gia khác và hiện tại COVID-19 đang bùng phát mạnh nhất tại châu Âu, với số ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu tăng vọt.
Hậu quả là virus SARS-CoV-2 đang “hạ gục” gần như mọi lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu, ngày càng có thêm lo ngại thế giới sẽ bị đẩy vào một cuộc suy thoái với thiệt hại không thể ước tính được. Các ngành hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, dầu mỏ và bán lẻ mỗi ngày một "ngấm đòn" khi các lệnh hạn chế đi lại, đóng cửa nhà máy, cửa hàng, địa chỉ vui chơi liên tục xuất hiện.
Tại những nơi virus "đổ bộ" ở Tây Âu, Pháp đóng cửa mọi doanh nghiệp trong lĩnh vực không thiết yếu, Tây Ban Nha cấm người dân ra khỏi nhà... Việc "đóng cửa" đột ngột phần lớn nền kinh tế tiêu dùng kéo theo số lao động thất nghiệp gia tăng, làm giảm chi tiêu tiêu dùng, doanh nghiệp hạn chế đầu tư. Tâm lý bi quan bao trùm đẩy các thị trường chứng khoán vào chuỗi ngày lao dốc không phanh. Các cổ phiếu hàng không rớt thê thảm sau khi nhiều hãng ở châu Âu và Mỹ tuyên bố cắt giảm số lượng lớn các chuyến bay. Giá dầu mỏ cũng chịu cảnh tương tự.
Ngay tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump phải thừa nhận nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, tại "tâm dịch" Trung Quốc đồng thời cũng là trung tâm sản xuất của thế giới, mặc dù tốc độ lây lan của virus đã được kiểm soát, song tác động nghiêm trọng về kinh tế của dịch COVID-19 đã lộ rõ. Sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 13,5% trong 2 tháng đầu năm và là lần giảm đầu tiên trong gần 30 năm qua.
Nền kinh tế thế giới đứng trước bờ vực rơi vào tình trạng tê liệt khi các nhà máy ngừng sản xuất, các chuỗi cung bị đứt gãy, hàng hóa không vận chuyển được và người dân cũng ngừng đi lại vì dịch bệnh lan rộng. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva từng cảnh báo dịch COVID-19 gây ra "nguy cơ nghiêm trọng" và sẽ làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống thấp hơn mức 2,9% của năm trước.
Theo cách phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) như Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã có hàng loạt động thái nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, không giống như cú sốc ngân hàng năm 2008, khi người ta phần nào có thể định lượng được thiệt hại, thì COVID-19 vẫn còn là một "kẻ thù giấu mặt" và nền kinh tế toàn cầu còn có thể “ngấm đòn" sâu hơn khi mà các biện pháp phong tỏa cả quốc gia vẫn được duy trì.
Bằng chứng là ngay cả khi FED đã nhanh chóng tìm cách ngăn chặn “thảm họa kinh tế” bằng cách liên tục cắt giảm lãi suất, đưa biên độ lãi suất xuống mức dao động quanh 0%, BOJ và một số ngân hàng trung ương ở châu Âu cũng công bố những biện pháp kích thích kinh tế khẩn cấp, thì trên các thị trường chứng khoán, vốn được coi là hàn thử biểu sức khỏe của các nền kinh tế, tâm lý của các nhà đầu tư có vẻ không được cải thiện nhiều.
Chứng khoán Phố Wall khép lại ngày giao dịch 16/3 với dấu mốc “ngày tồi tệ nhất” trong hơn 30 năm khi các chỉ số S&P và Dow Jones lần lượt bị "đo ván" với những mức giảm 12% và 13% . Chứng khoán châu Âu tiếp tục lao dốc với tốc độ không tưởng 9% tại sàn chứng khoán Paris ngay đầu phiên giao dịch 16/3. Tại châu Á, chứng khoán Sydney giảm tới 9,7%, mức giảm sâu nhất từng được ghi nhận trong lịch sử giao dịch tại thị trường này.
Hàng nghìn tỷ USD giá trị thị trường đã “bốc hơi” khi virus SARS-CoV-2 đang dần chứng tỏ khả năng xâm lấn Trái Đất. Giới chuyên gia cũng nhận định rằng mặc dù chỉ số chứng khoán đã xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2008, nhưng tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu do virus SARS-CoV-2 gây ra mới chỉ bắt đầu và có lẽ phải vài tháng nữa thế giới mới có được những con số thiệt hại cụ thể.
Tình trạng này cho thấy lòng tin thị trường vẫn chưa thể vực dậy ngay cả khi những ngân hàng trung ương lớn đã vận đến những chính sách mạnh nhất. Chuyên gia Jasper Lawler, trưởng nhóm nghiên cứu nhà đầu tư của hãng London Capital Group, ví bước cắt giảm lãi suất mạnh tay và các biện pháp nới lỏng định lượng của FED như "màn khai hỏa một khẩu súng chống tăng bazooka", nhưng lại trượt đích và thế là các thị trường toàn cầu vẫn rơi tự do.
Chuyên gia này nhận định dường như đang tồn tại "niềm tin" trên các thị trường rằng suy thoái là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, kể cả FED có đưa lãi suất xuống 0% thì vẫn không thể chặn được đà lao dốc của nền kinh tế Mỹ và nhìn rộng ra là nền kinh tế toàn cầu. Theo nhà kinh tế trưởng của hãng nghiên cứu kinh tế Capital Economics, Neil Shearing, một giai đoạn suy giảm đáng kể đang gần kề, câu hỏi duy nhất lúc này là mức suy giảm sẽ sâu như thế nào.
Cuộc họp của lãnh đạo G7 và sau đó là bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được kỳ vọng sẽ giúp tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng toàn cầu “chưa từng có tiền lệ” khi các ngân hàng trung ương đã "hết võ". Tại cuộc họp G7 do Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì, các nhà lãnh đạo đã nhất trí triển khai những biện pháp đủ mạnh để đối phó với tác động kinh tế nghiêm trọng từ đại dịch cùng với thông điệp mạnh mẽ, trong đó cam kết dốc toàn lực để đối phó với dịch COVID-19.
Giới phân tích cho rằng với "điểm mạnh" hơn hẳn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là các nước đang “lâm trận” với một sức khỏe tài chính ổn định, thì việc các chính phủ có thể đưa ra những biện pháp tài khóa phù hợp sẽ phần nào giúp giảm nhẹ tác động. Ông Derek Halpenny, nhà nghiên cứu thị trường toàn cầu của tập đoàn tài chính MUFG, cho rằng ở thời điểm dịch bệnh hiện tại, các chính phủ phải hành động quyết đoán hơn về phương diện kích thích tài khóa. Đó là chìa khóa để tiến về phía trước và dĩ nhiên là phải đồng hành cùng những dữ liệu thống kê dịch bệnh "tích cực" mỗi ngày, cho thấy rõ hiệu quả phòng chống COVID-19, để có thể điều hướng tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, một điểm yếu của lần khủng hoảng này là sự thiếu phối hợp ngay từ đầu giữa các quốc gia trong các biện pháp kích thích kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã dẫn tới việc ra đời Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) để các quốc gia cùng tìm kiếm và triển khai biện pháp ứng phó chung, mà khi đó cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là “phương thuốc đúng đắn cho người bệnh”. Nhưng hơn một thập niên sau, khi đứng trước một đại dịch đe dọa mọi ngóc ngách của nền kinh tế toàn cầu, thì sức mạnh “toàn cầu hóa” đã phần nào bị lung lay bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân túy, mà đi đầu lại là Mỹ, nền kinh tế số một thế giới.
Một tuần giao dịch chứng khoán mất điểm sâu nhất trong lịch sử đã bộc lộ những hạn chế của tình trạng thiếu phản ứng phối hợp, dẫn tới mỗi quốc gia tự đưa ra giải pháp kích thích riêng khi đối mặt với một cú sốc mang tính hệ thống. Điều đó cho thấy thế giới cần hợp tác ứng phó xuyên biên giới trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh và kích thích kinh tế.
Trong bối cảnh các chuyên gia đều dự báo dịch bệnh chưa thể sớm chấm dứt trong 1 - 2 tháng tới, có thể nói đây là thời điểm để các quốc gia chứng minh khả năng lắng nghe và hợp tác cùng chống lại một mối đe dọa chung, một đại dịch toàn cầu.
Trước một kẻ thù chưa phát hiện ra điểm yếu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước hợp tác cùng nhau chiến đấu, cho rằng không một quốc gia nào có thể đơn độc đối mặt với đại dịch. Kinh tế toàn cầu có sự liên kết tương tác, bởi vậy việc đưa ra một phương thuốc chung của sự phối hợp quốc tế để bảo vệ nền kinh tế thế giới trước virus gây đại dịch COVID-19, là điều không còn phải bàn cãi.