Ngày 15/12, quân đội Thái Lan tuyên bố sẽ giúp đất nước đang bị phân cực sâu sắc về chính trị này tổ chức một cuộc bầu cử "công bằng và trong sạch" vào năm 2014.
Binh sĩ Thái Lan bắn súng chỉ thiên trong cuộc xung đột với những người biểu tình"áo đỏ" ở Bangkok, ngày 14/5/2010. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuyên bố được đưa ra tại diễn đàn cải cách chính trị do chính phủ lâm thời của Thủ tướng Yingluck Shinawatra tổ chức cho thấy quân đội sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới để chấm dứt các cuộc biểu tình đòi lật đổ chính phủ hiện nay.
Tuần trước, bà Yingluck đã kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 2/2/2014 để cố gắng "tháo ngòi nổ" các cuộc biểu tình phản đối, vốn đang nhằm vào anh trai bà là cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra vì cho rằng ông này đang gây ảnh hưởng đến hệ thống chính trị của Thái Lan.
Những người biểu tình - được hậu thuẫn bởi giới thượng lưu ở Bangkok - đã bác bỏ cuộc bầu cử được đề xuất và muốn thành lập một "hội đồng nhân dân" để có thể xóa bỏ tận gốc ảnh hưởng của "chế độ Thaksin", đồng thời tiến hành cải cách sau một thập kỷ chứng kiến ông Thaksin và đồng minh của ông giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử nhờ vào sự ủng hộ của những người dân nghèo ở thành thị và nông thôn.
Phát biểu tại diễn đàn, Tướng Nipat Thonglek - Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng - nói: "Quân đội mong muốn được thấy cuộc bầu cử tổ chức vào ngày 2/2/2014. Nếu có dấu hiệu cho thấy cuộc bầu cử diễn ra không công bằng, quân đội sẵn sàng can thiệp để làm trong sạch và công bằng".
Hiện vẫn chưa rõ quân đội sẽ làm gì để thực hiện cam kết đó. Ông Nipat không đề cập rõ đến vấn đề này, song Tư lệnh tối cao Các Lực lượng vũ trang -Tướng Tanasak Patimapragorn- ngày 14/12 cho biết ông muốn thấy cuộc tổng tuyển cử được diễn ra và sẽ cần phải có một "ban hội thẩm trung ương" để giúp giáo dục người dân về các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Mặc dù nhiều tướng quân đội đã bày tỏ quan điểm trung lập trong cuộc khủng hoảng, nhưng quân đội Thái Lan lâu nay vẫn có lịch sử can thiệp vào chính trường để giúp đỡ giới thượng lưu ở Bangkok - bao gồm các tướng lĩnh, cố vấn hoàng gia và các gia đình giàu có - những người hậu thuẫn đám đông biểu tình và đảng Dân chủ đối lập. Quân đội đã từng tiến hành hoặc âm mưu tiến hành 18 cuộc đảo chính trong suốt 80 năm qua, trong đó có vụ đảo chính hồi năm 2006 phế truất ông Thaksin.
Nhiều nguồn tin quân đội cho biết nhà lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban được hậu thuẫn bởi hai vị tướng về hưu đầy ảnh hưởng, đó là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan và cựu Tổng tư lệnh quân đội Anupong Paochinda. Cả hai đều có lịch sử đối địch với ông Thaksin và vẫn có ảnh hưởng đến lực lượng quân đội hiện nay. Ông Suthep từng là Phó Thủ tướng của chính phủ trước đây dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ, đảng này sau đó bị đánh bại bởi đảng của bà Yingluck trong cuộc bầu cử năm 2011.
Diễn đàn lần này được tổ chức một ngày sau khi ông Suthep vạch ra những mục tiêu của phong trào tại một hội thảo của các lực lượng vũ trang. Tại đó ông Suthep kêu gọi quân đội tham gia vào phong trào này và nhắc lại yêu cầu rằng bà Yingluck phải từ chức để mở đường cho việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp gồm các lãnh đạo được chỉ định - những người sẽ đề ra các biện pháp cải cách để làm trong sạch hệ thống chính trị của ông Thaksin.
Cuộc xung đột chính trị kéo dài 8 năm qua ở Thái Lan chủ yếu xoay quanh ông Thaksin, người từng là ông trùm ngành viễn thông được dân nghèo nông thôn yêu mến bởi các chính sách mà ông theo đuổi khi ông còn nắm quyền và được các chính phủ đồng minh của ông tiếp tục thực hiện sau khi ông bị lật đổ.
Tuy nhiên ông Thaksin đã giành lấy sự ủy thác để thu lợi nhuận từ các công ty lớn, bao gồm công ty của chính ông. Kể từ năm 2008, ông bắt đầu sống lưu vong sau khi bị kết tội vắng mặt vì tội lạm dụng quyền lực - bản án mà ông gọi là mang động cơ chính trị.
Triển vọng của cuộc bầu cử sắp tới sẽ được biết rõ hơn vào đầu tuần này, khi đảng Dân chủ Đối lập - đảng có thời gian hoạt động lâu năm nhất của Thái Lan - sẽ quyết định có tham gia tranh cử hay không. Trong khi đó, đảng Puea Thai (Vì nước Thái) của bà Yingluck được xem là chắc chắn sẽ tái đắc cử.
Các nhà lập pháp của đảng Dân chủ đã rút khỏi Quốc hội hôm 8/12 và tham gia vào dòng người biểu tình trên đường phố. Ông Suthep cũng đã từ chức trước đó để lãnh đạo phong trào phản đối - vốn có đà từ đầu tháng 11/2013 sau khi chính phủ của bà Yingluck cố gắng đưa ra bàn thảo dự luật ân xá các tù nhân chính trị mà sẽ cho phép ông Thaksin trở về nước.
Năm 2010, với tư cách là Phó Thủ tướng, ông Suthep đã cho phép quân đội tiến hành trấn áp để chấm dứt các cuộc biểu tình chống chính phủ của những người ủng hộ ông Thaksin kéo dài trong nhiều tuần ở trung tâm thủ đô Bangkok. Tại thời điểm đó, rất nhiều người biểu tình bị chết và ông Suthep đã bị kết án giết người vì có liên quan đến vụ trấn áp này.
TTK