Trong bối cảnh các mối quan hệ giữa Washington và nhiều đồng minh thân cận căng thẳng trước những tiết lộ về việc nghe lén và những bất đồng về chính sách của Mỹ ở Trung Đông, chính quyền Tổng thống Barack Obama có lẽ được an ủi phần nào đó từ mối quan hệ đang được cải thiện với Trung Quốc."Trên Trái đất vẫn còn chỗ cho một Trung Quốc cường thịnh, ổn định và phát triển, và một nước Mỹ vẫn tiếp tục là một hệ thống hàng đầu về tự do, dân chủ, thị trường tự do hóa và pháp quyền". Ảnh: Internet |
Một năm sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo, các quan chức cấp cao Mỹ phát biểu rằng mối quan hệ giữa hai nước đang tiến triển trong một loạt vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho tới tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Họ cũng coi các mối liên hệ quân sự song phương được mở rộng quan trọng hơn là chiếc van an toàn trong trường hợp nảy sinh những xung đột tiềm tàng nào đó.
Trên mặt trận kinh tế, Washington đang quan tâm tới Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 9 - 12/11/2013 tới, tại đây ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ công bố kế hoạch mở cửa hơn nữa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Chính quyền Tập Cận Bình đã tạo cho Washington cảm giác lạc quan khi nhất trí thỏa thuận tái khởi động các cuộc đàm phán hiệp ước đầu tư song phương và mở cửa khu thương mại tự do thử nghiệm tại Thượng Hải - dấu hiệu về những cải cách sâu rộng hơn nhằm giải quyết những rào cản đầu tư và thương mại ở Trung Quốc. Cả hai động thái này đều có thể giúp Mỹ thu hẹp mức thâm hụt thương mại hàng năm khoảng 300 tỷ USD với Trung Quốc.
Song tất cả không phải đều màu hồng. Quan hệ Trung - Mỹ vẫn còn có những bất đồng trong các vấn đề từ lâu đã gây tranh cãi, như vấn đề nhân quyền, hay cách thức hành xử mà giới phê bình gọi là "ngoại giao bằng vũ lực" đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong những tranh cãi chủ quyền trên biển thời gian gần đây với các nước láng giềng châu Á, trong đó có các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines.
Song quan chức hai nước cho rằng họ đang hướng tới cái mà Trung Quốc gọi là "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" - một cụm từ mà ông Tập Cận Bình dùng nhằm giảm thiểu sự kình địch Trung - Mỹ khi quyền lực toàn cầu của Trung Quốc gia tăng.
Với Washington, khái niệm này có nghĩa là "trên hành tinh Trái đất này vẫn còn chỗ cho một Trung Quốc cường thịnh, ổn định và phát triển, và một nước Mỹ vẫn tiếp tục là một hệ thống hàng đầu về tự do, dân chủ, thị trường tự do hóa và pháp quyền", như lời Daniel Russel, nhà ngoại giao châu Á hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Russel nói thêm rằng Washington và Bắc Kinh muốn "tránh một sự đối kháng cơ học trong đó một cường quốc đang lên và một cường quốc đã tồn tại chắc chắn phải xung đột với nhau".
Ví dụ cụ thể nhất về mối quan hệ đang tốt đẹp lên mà các quan chức Mỹ đưa ra là vấn đề Triều Tiên, nước có những chương trình tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân và đang bị xem là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất ở châu Á. Washington từ lâu đã tìm cách thuyết phục Bắc Kinh phải kiềm chế Bình Nhưỡng, đồng minh của Trung Quốc từ thời Chiến tranh Triều Tiên.
Ben Rhodes, Phó ban cố vấn an ninh quốc gia phụ trách thông tin chiến lược của chính quyền ông Obama, nói: "Chúng tôi nhận thấy (Trung Quốc) ngày càng có khuynh hướng gây áp lực đối với Triều Tiên. Có lẽ phần nào do những hành vi khiêu khích hồi mùa xuân (của Triều Tiên) đã khiến họ lo ngại bởi nó gây bất ổn trong khu vực... và cuối cùng là nó không phù hợp với lợi ích của chính họ".
Tháng trước, Trung Quốc - nước thường bị Mỹ và các đồng minh của Mỹ chỉ trích trong việc thực thi kém các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên - đã công bố một bản danh sách chi tiết các công nghệ và hàng hóa cấm xuất khẩu sang Triều Tiên bởi khả năng chúng sẽ được sử dụng vào việc sản xuất các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Việc thu hẹp bất đồng về vấn đề Triều Tiên là kết quả chính của cuộc họp không chính thức giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama. Cuộc họp kéo dài 8 tiếng trong hai ngày này, chủ yếu là để xây dựng lòng tin, cũng đã đưa đến một thỏa thuận giảm sử dụng khí gây hiệu ứng nhà kính và thành lập nhóm công tác song phương để tiến hành các cuộc trao đổi thường xuyên về vấn đề an ninh mạng.
Quan hệ Mỹ - Trung trong quá khứ có lúc nồng ấm rồi lại lạnh nhạt, và giới phân tích cho rằng chương trình nghị sự của ông Tập Cận Bình có lẽ chỉ bắt đầu trở nên rõ ràng hơn nếu ông đóng được dấu ấn của mình lên chính sách của Trung Quốc tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng trong tháng này.
Stephanie Kleine-Ahlbrandt thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình của Mỹ cho rằng ông Tập Cận Bình đã phá bỏ kiểu chính sách đối ngoại phòng vệ và phản ứng truyền thống của Bắc Kinh. Bà nói: "Ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và hiện là người đầu tiên thực sự đề cao vai trò 'nước lớn' của Trung Quốc, và ông đang thực hiện chính sách ngoại giao với tư duy nước lớn".
Các quan chức Mỹ nói rằng họ không nghĩ Bắc Kinh sẽ leo thang tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản hay các nước láng giềng nhỏ hơn bởi điều đó sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Một quan chức cấp cao của Mỹ nói: "Nếu ông Tập Cận Bình muốn hiện thực hóa giấc mơ Trung Quốc về việc trở thành một nước trung lưu vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, họ sẽ không muốn làm những việc gây chia rẽ hay xáo trộn".
Minh Nga (
Theo Reuters)