Sự sụp đổ đồng thời của chính phủ tại hai nền kinh tế then chốt này đang đe dọa phá hủy tiến trình phục hồi kinh tế vốn đã mong manh và vị thế chiến lược của “Lục địa Già” trên trường quốc tế.
Bất ổn chính trị
Các cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp và Đức đã diễn ra với sự trùng hợp đáng kinh ngạc. Tại Pháp, Thủ tướng Michel Barnier đã từ chức sau khi ông thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, đặt Tổng thống Emmanuel Macron vào tình thế phải bổ nhiệm người kế nhiệm mà không có sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội. Theo hiến pháp, các cuộc bầu cử không thể diễn ra trước tháng 6/2025, khiến chính phủ có khả năng rơi vào bế tắc.
Trong khi đó, Chính phủ liên minh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz sụp đổ vào tháng 11 do tranh cãi về ngân sách, dẫn đến các cuộc bầu cử sớm vào tháng 2/2025. Quá trình thành lập liên minh sau bầu cử có thể kéo dài hàng tháng. Sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo rõ ràng tại hai quốc gia này đã làm suy yếu trục Pháp-Đức, vốn đóng vai trò lịch sử trong việc thúc đẩy hội nhập và cải cách châu Âu.
Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Eurasia Group, Mujtaba Rahman, cho biết lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz, người nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng mới của Đức, có vẻ cởi mở với việc nới lỏng các hạn chế trong hiến pháp để tạo điều kiện cho chi tiêu và đầu tư thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, Pháp có thể phải đối mặt với tình trạng tê liệt hoàn toàn về kinh tế bởi khả năng Pháp đạt được trạng thái cân bằng chính trị để đưa ra điều chỉnh chính sách tài chính đáng tin cậy là thấp. Theo ông, đây rõ ràng là một vấn đề đối với châu Âu, bởi vì nó có nghĩa là tiềm năng to lớn về kinh tế của châu Âu không đạt được như kỳ vọng, do kinh tế Pháp và Đức không được vận hành một cách toàn diện.
Thách thức kinh tế
Thời điểm diễn ra bất ổn chính trị là không thể tồi tệ hơn, bởi châu Âu vốn đã gặp khó khăn với các yếu tố kinh tế như tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh thua kém Mỹ và Trung Quốc, cùng một loạt thách thức bên ngoài.
Tình trạng trì trệ kinh tế tại châu Âu hiện đến từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là tăng trưởng chậm. Kinh tế Pháp dự kiến chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm nay và 0,8% trong năm 2025, trong khi kinh tế Đức dự báo suy giảm 0,1% trong năm nay, là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng âm. Sang năm 2025, tăng trưởng kinh tế được cho là sẽ phục hồi lên mức 0,7%.
Song song với đó là suy giảm công nghiệp. Ngành ô tô châu Âu đang vật lộn với những thay đổi trên thị trường xe điện và sức cạnh tranh suy giảm trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, chi tiêu quốc phòng cũng đặt ra những thách thức nhất định. EU cần 500 tỷ euro (528 tỷ USD) trong thập kỷ tới để đối phó với mối đe dọa từ bên ngoài. Ủy viên Quốc phòng Andrius Kubilius đã chỉ ra rằng phát hành trái phiếu quốc phòng chung có thể giúp huy động được số tiền khổng lồ đó. Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định cuối cùng mà không có Đức, thành viên lớn nhất của khối, là điều khó tưởng tượng.
Tiếp đến là môi trường kinh doanh tụt hậu của châu Âu, được cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nhấn mạnh trong một báo cáo. Báo cáo đưa ra các khuyến nghị nhằm hỗ trợ đầu tư công; thúc đẩy chính sách công nghiệp trên toàn EU; và tích hợp thị trường tài chính để giúp các công ty khởi nghiệp huy động vốn. Tuy nhiên, “không gì có thể di chuyển ở châu Âu nếu không có sự liên kết giữa Pháp và Đức”, Giám đốc Rahman chia sẻ.
Khoảng trống chính trị ở châu Âu cũng diễn ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm. Ông Donald Trump sắp có nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông đã đề xuất đánh thuế 10% đối với hàng hóa từ châu Âu. Trong bối cảnh đó, lục địa này cần một sự lãnh đạo mạnh mẽ và thống nhất. Tuy nhiên, trục Pháp-Đức truyền thống - hai quốc gia chiếm một nửa nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) - từng điều hành chính sách châu Âu giờ dường như bị tê liệt.
Pháp đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách tương đương 6,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - mức tồi tệ nhất Eurozone. Trong khi Đức dự kiến sẽ trải qua năm thứ hai liên tiếp ghi nhận suy thoái kinh tế. Bất ổn chính trị đe dọa làm trầm trọng thêm những thách thức này. Các đề xuất của những nhân vật kinh tế như cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi giờ đây dường như càng khó thực hiện hơn nếu không có sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ từ Pháp và Đức.
Nhà kinh tế người Pháp Anne-Laure Delatte, và người đứng đầu nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị này có thể làm suy yếu vị thế toàn cầu của châu Âu hoặc chuyển quyền lực sang các quốc gia đang hoạt động tốt như Hà Lan và Tây Ban Nha. Trong khi đó, ECB cũng phải điều hướng chính sách trong sự không chắc chắn chưa từng có, buộc họ phải đưa ra các quyết định với tầm nhìn hạn chế về các diễn biến tài khóa.
Khi châu Âu bước vào năm 2025, con đường phía trước vẫn còn nhiều bất định. Lục địa này phải điều hướng nhiều thách thức phức tạp, bao gồm nguy cơ căng thẳng thương mại với Mỹ, nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng, thúc đẩy phục hồi kinh tế và sự phân mảnh chính trị nội bộ. Do đó, khả năng Pháp và Đức phục hồi ổn định chính trị sẽ là điều kiện then chốt trong việc xác định quỹ đạo kinh tế của châu Âu.
Những tháng tới sẽ là thời gian quyết định. Không có giải pháp chính trị rõ ràng, châu Âu đang đứng trước ngã ba đường, với tương lai kinh tế phụ thuộc vào các cuộc đàm phán chính trị và những áp lực địa chính trị bên ngoài.