Theo Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) Mark Watson, trong vòng vài ngày kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, những người thăm dò ý kiến đã bắt đầu theo dõi dư luận Mỹ về phản ứng của Chính quyền Biden. Các kết quả ban đầu cho thấy có mức độ thận trọng lớn về việc gửi hỗ trợ quân sự trực tiếp (không có hiện diện trên bộ hoặc máy bay chiến đấu), trong khi nhấn mạnh mức độ ủng hộ tinh thần cao đối với người dân Ukraine.
Ông Watson cho rằng, dư luận đó được phản ánh rộng rãi trong phản ứng của Chính quyền Biden đối với các hoạt động quân sự của Nga, chỉ viện trợ các khí tài quân sự và tài chính cho Ukraine, đồng thời loại trừ bất kỳ biện pháp nào có thể kích động đối đầu trực tiếp giữa các lực lượng Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, dù có vẻ như có sự liên kết chặt chẽ giữa quan điểm của công chúng và chính quyền Mỹ về cách ứng phó với cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng dư luận nhìn chung vẫn không hài lòng với Chính quyền Biden liên quan đến việc xử lý cuộc khủng hoảng.
Ở cấp độ chính trị thuần túy, trong khi các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ đã theo dõi chặt chẽ các sự kiện ở Ukraine, mối quan tâm hàng đầu của họ vẫn là lạm phát ở trong nước, với 40% số người được hỏi đánh giá "lạm phát hoặc tăng giá" là nỗi lo chính của họ.
Đến cuối tháng 3, những thay đổi đáng kể đã xuất hiện trong thái độ của người dân đối với quy mô và phạm vi phản ứng của Chính quyền Mỹ. Theo một cuộc thăm dò do Reuters thực hiện, 74% người Mỹ cho rằng Mỹ và các đồng minh NATO nên áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine. Điều đó gây áp lực buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden phải có những hành động mạnh hơn với Nga, mặc dù ông đã loại bỏ quan điểm về vùng cấm bay vì nguy cơ xung đột giữa NATO và các lực lượng Nga.
Bên cạnh đó, có một sự đồng thuận khác với 80% người Mỹ nói rằng Washington nên ngừng mua dầu của Nga, bất chấp tác động lạm phát có thể xảy ra đối với giá xăng dầu.
Nhưng đến tháng 5, một xu hướng khác đã nổi lên: sự gia tăng số người Mỹ lo ngại rằng Washington đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine. Một cuộc thăm dò của Pew Research cho thấy 12% người Mỹ cảm thấy Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều, tăng từ mức 7% vào tháng 3. Có vẻ như điều này một phần là do "cú sốc lớn" về chi phí viện trợ ngày càng tăng của Mỹ (cuộc thăm dò diễn ra sau khi thông qua gói viện trợ trị giá 13,6 tỷ USD). Xu hướng trên có thể tiếp tục khi Quốc hội Mỹ đẩy mạnh viện trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine, thông qua 40 tỷ USD bổ sung vào ngày 19/5.
Đồng thời, người Mỹ đang ngày càng ít có xu hướng cảm thấy họ có nghĩa vụ phải bảo vệ Ukraine. Theo công ty thăm dò Morning Consult, trong tuần thứ hai liên tiếp trong tháng 5, tỷ lệ cử tri tin rằng Mỹ có nghĩa vụ như vậy đã giảm, từ mức cao nhất là 50% xuống 44%. Liên quan đến vấn đề này, chỉ có 32% đảng viên Đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine, so với 57% đảng viên Dân chủ và 40% đảng viên độc lập.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1/4 (25%) người Mỹ nói rằng Washington đang làm quá ít để hỗ trợ Ukraine, mức thấp kỷ lục kể từ khi Morning Consult bắt đầu tiến hành các cuộc khảo sát và giảm từ mức cao 37% vào giữa tháng 3.
Dù lý do là gì, ông Watson nhấn mạnh, xu hướng mới trên của cử tri Mỹ cần được chú ý. Trong khi tình đoàn kết với Ukraine vẫn được thể hiện trong Quốc hội và chính quyền Biden, rõ ràng nó có giới hạn với cử tri Mỹ.