Khi ông Yoshihide Suga, người đang dẫn đầu cuộc đua tới chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản thay thế ông Shinzo Abe, suy tính về việc ứng cử của mình, ông đã gặp gỡ một lãnh đạo doanh nghiệp để thảo luận về những chính sách cần tập trung tới.
“Tôi muốn tiếp tục Abenomics và nâng cao nó,” ông nói, và trên thực tế đang đưa những chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe, nổi tiếng với khái niệm Abenomics, vào cốt lõi các đề xuất của mình.
Là Chánh văn phòng nội các của Thủ tướng Abe, phụ trách giám sát bộ máy quyền lực của Nhật Bản, ông Suga không có lựa chọn nào khác. Trong bảy năm và tám tháng qua, người phụ tá trung thành này thường gặp Thủ tướng Abe ít nhất hai lần mỗi ngày. Chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa – hai trụ cột của Abenomics – được kỳ vọng sẽ là trọng tâm của “Suganomics” nếu ông được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, đồng nghĩa trở thành Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.
Và đó cũng là những gì đảng của ông muốn. “Thủ tướng tiếp theo sẽ phải tiếp quản nội các của ông Abe cùng những nguyện vọng của ông ấy”, Hiroyuki Hosoda, một lãnh đạo của nhóm đứng đầu đảng LDP cầm quyền, vốn đã quyết định hậu thuẫn cho ông Suga, khẳng định.
Không theo đuổi nới lỏng tiền tệ mạnh bạo
Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa hai ông Abe và Suga nằm ở chính sách tài khóa. Không giống như Thủ tướng Abe, vốn phụ thuộc nhiều vào các cố vấn theo chủ nghĩa phản biện, như Etsuno Honda, nhằm theo đuổi một chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh bạo, ông Suga không có bất kỳ ai tin tưởng để đi đến tán thành lý thuyết tiền tệ này.
Thay vào đó, Yoshihide Suga tìm kiếm lời khuyên từ những nhân vật như Chủ tịch của Suntosy, Takeshi Niinami, Chủ tịch tập đoàn thiết bị công nghiệp Ushio, Yasufumi Kanemaru và David Atkinson, Giám đốc điều hành của Konishi. Trong đó, Atkinson đã giúp phác thảo các chính sách của ông Suga nhằm thúc đẩy chi tiêu trong nước. Gần đây hơn, ông Atkinson đề xuất những cách thức để tăng năng suất, chẳng hạn như nâng lương tối thiểu và hợp nhất các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, ông Suga vẫn giữ khoảng cách với những người ủng hộ tăng chi tiêu công, chẳng hạn như cựu cố vấn của Thủ tướng Abe, Satoshi Fuji, người đã kêu gọi tăng cường cơ sở hạ tầng phòng chống thảm họa thiên nhiên. Vị Chánh văn phòng Nội các Nhật có xu hướng dễ chấp nhận những chính sách siết chặt tài chính hơn.
Do đó, ông có thể tiến hành một cách tiếp cận ôn hòa hơn, kết hợp chính sách tài khóa tích cực với các cải cách chi tiêu.
Tiếp nối Abenomics
Nhìn chung, Yoshihide Suga có những lý do thực tế để tiếp nối Abenomics. Hôm 31/8, khi có tin cho hay ông sẽ ứng cử, chỉ số chứng khoán Nikkei Stock Average đã tăng tới 450 điểm trong phiên giao dịch cùng ngày khi các nhà đầu tư hoan nghênh triển vọng về sự hỗ trợ kinh tế sẽ được tiếp tục dưới thời tân Thủ tướng.
Nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì mua các quỹ giao dịch hối đoái, thì cùng với trái phiếu Chính phủ Nhật Bản, nó sẽ giúp duy trì giá cổ phiếu. Khi đó, việc giá cổ phiếu tăng mạnh sẽ hỗ trợ cho chính phủ mới. Ông Suga có thể sẽ thúc giục BOJ tiếp tục nới lỏng tiền tệ, gia hạn thỏa thuận chính sách năm 2013, từng được ký kết giữa chính phủ và ngân hàng trung ương. Các yếu tố của Abenomics liên quan đến tỷ giá hối đoái và chính sách tiền tệ cũng có thể được củng cố hơn nữa.
Với tư cách là Chánh văn phòng nội các, ông Suga tập trung vào việc kiểm soát đồng yên đang tăng giá mạnh. BOJ, Bộ Tài chính và Cơ quan Dịch vụ Tài chính đã được yêu cầu họp thường xuyên để giám sát các giao dịch đầu cơ. Trong các cuộc họp báo chính thức, ông cũng thường cảnh báo về tình trạng đồng yên tăng giá quá mức.
Ngoài ra, ông Suga cũng giám sát sự thay đổi trong lịch trình thiết lập giá thuốc của chính phủ để giá thuốc kê đơn được điều chỉnh hàng năm, thay vì hai năm một lần, nhằm giảm chi tiêu y tế.
Tới nay, ông đã kêu gọi ưu tiên hàng đầu cho các phản ứng chống dịch COVID-19. Do đó, chính phủ Nhật Bản có khả năng sẽ theo đuổi chính sách tài khóa chủ động, bao gồm các gói kích thích cho đến khi đại dịch được kiểm soát.
Những chính sách mới
Chiến lược tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo của ông Abe, nhưng ảnh hưởng của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) được cho là có thể sẽ suy giảm.
Thủ tướng Abe đã tuyển dụng tới văn phòng của ông những nhân vật chính sách kinh tế then chốt như Takaya Imai. Trong khi đó, vốn là một chính trị gia ủng hộ sự cân bằng, không có khả năng lệt thuộc vào METI. Điều này có thể khiến ông Suga dễ đi đến tăng lương tối thiểu, một chính sách mà METI phản đối. Ngoài ra, ông có thể sẽ xem xét lại thẩm quyền của tất cả các cơ quan, bộ ngành, và nhiều khả năng sẽ thúc đẩy hơn nữa việc gỡ bỏ bớt các quy định ràng buộc nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Với tư cách Chánh văn phòng nội các, ông đã kiểm soát bộ máy hành chính ở Kasumigaseki (quận toạ lạc các văn phòng nội các Nhật ở Tokyo) với vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và nỗ lực thúc đẩy cải cách trong những lĩnh vực có sự kiểm soát mạnh mẽ của chính phủ, chẳng hạn như giảm cước điện thoại di động. Nếu Suga trở thành Thủ tướng, thì chính phủ mới sẽ có những biện pháp cụ thể tiếp theo.
Nhật Bản đang đối mặt tình trạng dân số già nghiêm trọng nhất trong các quốc gia phát triển, và giải quyết tình trạng này sẽ đòi hỏi một trọng tâm chính sách toàn cầu. Ông Suga đã vượt qua sự phản đối trong đảng để thực hiện một chương trình thị thực, cho phép mở rộng cánh cửa với lao động nước ngoài không có tay nghề - một bước thay đổi so với chính sách trước đây, vốn tập trung vào những chương trình thực tập thường hạn chế lao động nước ngoài làm những công việc trả lương thấp. Chương trình mới kêu gọi trả lương ngang bằng với mức lương cho người Nhật và tạo tiền đề để thu hút những tài năng nước ngoài.
Bên cạnh đó, những nỗ lực của ông Suga nhằm thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài và tăng xuất khẩu nông sản, có thể giúp tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Tokyo với phần còn lại của châu Á.
Nhật Bản đã đón 31,88 triệu lượt khách nước ngoài trong năm ngoái, tăng từ 8,36 triệu vào năm 2012, dưới thời chính phủ của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPP). Ông Suga hy vọng con số này sẽ nâng lên 60 triệu lượt.
Tokyo cũng có kế hoạch xuất khẩu nông sản trị giá trên 5 ngàn tỉ yen (47,2 tỉ USD) vào năm 2030, chủ yếu sang các nước châu Á, tăng mạnh so với mức không đầy một năm ngàn tỉ yên hiện nay.
Về kinh tế đối ngoại, ông Suga được cho là sẵn sàng duy trì định hướng của người tiền nhiệm, trong đó tập trung vào quan hệ Mỹ - Trung. Đề cập đến việc tập trung các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc, ông Suga cho rằng, cần thiết phải “đa dạng hóa các cơ sở sản xuất ra một số quốc gia”.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ - Trung, năm ngoái Nhật Bản đã ban hành đạo luật đặt ra những quy định mới về đầu tư nước ngoài vào các công ty trong nước. Tokyo chia sẻ sự thận trọng của Washington liên quan đến chuyển giao công nghệ tiềm năng cho Trung Quốc.
Một khi Nhật Bản vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19, ông Suga sẽ có thể đưa ra tầm nhìn về những cải cách lớn. “Đó là chìa khóa để cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội. Nền tảng của một quốc gia là khả năng tự cấp, hỗ trợ lẫn nhau và hỗ trợ cộng đồng. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng một đất nước được người dân tin tưởng”, Chánh văn phòng Suga phát biểu với tờ Nikkei.