Theo hãng tin AFP ngày 5/10, các quan chức hàng đầu của Mỹ đã nhiều lần khẳng định sẽ ủng hộ Kiev “miễn là cần thiết” và Washington đã cam kết viện trợ quân sự hơn 43 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022 – hơn một nửa tổng số từ tất cả các nhà tài trợ phương Tây.
Nhưng sự phản đối của Đảng Cộng hòa đã khiến Quốc hội Mỹ mới đây loại khoản tài trợ mới cho Ukraine khỏi một dự luật thỏa hiệp giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nhằm tránh việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa, đồng thời nhấn mạnh rằng việc tiếp tục hỗ trợ của Mỹ không được đảm bảo.
Một ngày sau vụ lật đổ lịch sử Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông lo ngại tình trạng hỗn loạn trong Quốc hội có thể làm suy yếu cam kết của Nhà Trắng về việc cung cấp cho Ukraine những gì nước này cần cho cuộc giao tranh với Nga.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Sẽ rất tàn khốc đối với các lực lượng Ukraine nếu viện trợ của Mỹ bị dừng lại. Quân đội Ukraine sẽ suy yếu và cuối cùng có thể sụp đổ, mặc dù họ có thể chỉ cần duy trì thế phòng thủ”.
Mỹ đã cung cấp một lượng vũ khí khổng lồ cho Kiev, từ đạn dược cỡ nhỏ và đạn pháo cho đến các phương tiện, bệ phóng tên lửa tinh vi, xe tăng và thiết bị rà phá bom mìn. Chuyên gia Cancian nói: “Quân đội Ukraine cần được cung cấp vũ khí, trang thiết bị và đạn dược liên tục để thay thế, bổ sung những thứ đã bị phá hủy và sử dụng hết”.
Theo ông Cancian, nếu viện trợ của Mỹ bị cắt hoàn toàn – điều mà Nhà Trắng khẳng định sẽ không xảy ra – thì tác động sẽ không xảy ra ngay lập tức, vì viện trợ được ủy quyền trước đó vẫn đang được thực hiện. Ông nói: “Có lẽ phải mất vài tuần nữa chúng ta mới thấy được tác động trên chiến trường”.
Ngoài tiền tuyến, việc cắt giảm viện trợ của Mỹ sẽ để lại những khoảng trống trong hệ thống phòng thủ của Ukraine, vốn được tạo thành từ nhiều hệ thống phòng không đến từ các quốc gia, bao phủ các tầng, lớp khác nhau và phải liên tục được tiếp tế đạn dược.
Những hệ thống phòng thủ này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng của Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa từ các lực lượng Nga.
James Black, chuyên gia cấp cao thuộc nhóm nghiên cứu quốc phòng và an ninh tại RAND Europe, nhận định: “Ukraine thực sự không thể thay thế hệ thống này bằng hệ thống khác nếu chúng hoạt động theo những cách khác nhau và đối phó với các mối đe dọa khác nhau”. Ông nêu rõ: “Nếu loại bỏ loại thành phần vũ khí của Mỹ trong đó, thì tính hiệu quả sẽ giảm đối với toàn bộ hệ thống phòng không tích hợp".
Hàng chục quốc gia - đặc biệt là ở châu Âu - đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, và mặc dù họ có thể tăng cường hỗ trợ nhưng việc giải quyết những khoảng trống mà Mỹ để lại sẽ là một thách thức lớn về lâu dài.
Chuyên gia Black nói: “Việc này sẽ đòi hỏi nỗ lực kéo dài nhiều năm và nhiều thập kỷ để biến châu Âu có thể thay thế hoàn toàn Mỹ với tư cách là một cường quốc quân sự hoặc một cường quốc công nghiệp quốc phòng. Đó không phải là một mốc thời gian phù hợp với Ukraine, nơi cần hỗ trợ chỉ tính trong thời gian tuần và tháng”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden trong bối cảnh gặp khó khăn trong việc thông qua ngân sách mới, vẫn có quỹ hỗ trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine, nhưng thừa nhận chúng không được thiết kế cho lâu dài.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller giải thích thêm rằng mặc dù nước này có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong thời gian ngắn bằng cách cung cấp thiết bị từ kho dự trữ của chính mình, thông qua thẩm quyền của tổng thống trong việc rút từ kho dự trữ, nhưng các kênh tài trợ quan trọng như Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine và Chương trình bán khí tài quân sự cho nước ngoài (FMS) đang suy giảm nguồn lực.
Về phần mình, Lầu Năm Góc cảnh báo Quốc hội rằng họ sắp hết tiền để thay thế kho vũ khí đã được gửi đến Ukraine và buộc phải giảm tốc độ bổ sung cho quân đội Mỹ. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael McCord cảnh báo: “Việc không bổ sung kịp thời các năng lực quân sự của chúng ta có thể gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng sẵn sang chiến đấu của quân đội Mỹ”.
Ông McCord nhấn mạnh nếu không sớm có nguồn tài trợ mới, Lầu Năm Góc sẽ buộc phải phải trì hoãn hoặc cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm cả về phòng không và đạn dược vốn “rất quan trọng và cấp bách khi Nga chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công mùa đông”.