Đó là bình luận của truyền thông phương Tây ngày 22/3 được trang mạng của Nga dẫn lại, cho rằng các vụ tấn công khủng bố sáng cùng ngày tại Brussels, khiến hàng chục người thiệt mạng, là "ngày đen tối" đối với châu Âu.
Lực lượng an ninh Bỉ gác bên ngoài sân bay Zaventem, một ngày sau vụ đánh bom kép, ngày 23/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Báo kinh doanh Đức Handelsblatt bình luận vụ nổ ở sân bay và ga tàu điện ngầm Brussels khiến cho châu Âu bối rối. Báo này lưu ý tại nhiều thủ đô thương mại, các chính sách phản ứng với khủng bố là thành lập bộ tham mưu chống khủng hoảng.
Tờ Telegraph cảnh báo khủng bố có thể làm EU tan rã vì khiến Anh rời khỏi EU, và nhấn mạnh lỗ hổng an ninh tại Brussels làm khó thêm cho việc bảo vệ quan điểm của những người ủng hộ châu Âu thống nhất. Báo này cho rằng việc đóng cửa biên giới giữa Hà Lan với Bỉ và Pháp với hy vọng ngăn chặn khủng bố là một đòn giáng mạnh vào khu vực Schengen vốn cho phép tội phạm có thể tự do di chuyển giữa các nước châu Âu.
Telegraph cũng bày tỏ lo ngại nếu làm rõ rằng thủ phạm các vụ khủng bố tại Brussels đến châu Âu qua làn sóng người di cư mới nhất thì thái độ đối với chính sách đa văn hóa và hòa nhập người tị nạn có thể trở nên thận trọng hơn.
Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) viết các cuộc tấn công tại Brussels đã không chỉ thắt chặt tình đoàn kết với người Bỉ trên khắp châu Âu, mà còn làm dấy lên những chỉ trích mới về việc nới lỏng giám sát biên giới và chính sách nhập cư không hoàn thiện.
Theo tờ báo, các cuộc tấn công khủng bố rõ ràng càng làm tăng bất đồng trong EU, mà các thành viên trong vài tháng qua đã không thể thỏa thuận về cách thức đối phó với dòng người tỵ nạn chưa từng có từ Trung Đông và châu Phi. WSJ cho rằng vụ nổ ở sân bay báo động cho người đi lại toàn thế giới, và đã dẫn đến những lo ngại mới về an toàn cảng hàng không.
Báo Guardian thì viết các vụ đánh bom tại Brussels không phải là bất ngờ lớn mà nguyên nhân là sự bất ổn chính trị và chủ nghĩa cực đoan phát triển. Dù Bỉ khó có thể là điểm tập trung chủ nghĩa cực đoan châu Âu, song có nhiều lý do để tập trung hoạt động cực đoan ở một quốc gia nhỏ.
Báo Anh viện dẫn các nguyên nhân là sự hội nhập kém của các dân tộc thiểu số Hồi giáo, tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên ở bộ phận này trong xã hội, tình trạng phổ biến vũ khí, mạng lưới giao thông vận tải và thông tin liên lạc phát triển, nhà chức trách thiếu ngân quĩ và thiếu cảnh giác, cũng như bất ổn chính trị nội bộ.