Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý III/2024, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản tăng với tốc độ 1,2% so với quý trước đó. Kết quả này vượt dự báo ban đầu là tăng 0,9%, chủ yếu nhờ xuất khẩu ròng, đầu tư vốn và tăng trưởng hàng tồn kho được cải thiện.
Dữ liệu tăng trưởng mạnh hơn củng cố quan điểm của BoJ rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức độ vừa phải. Thống đốc BoJ, ông Kazuo Ueda, dự kiến sẽ kiểm tra kỹ lưỡng các dữ liệu kinh tế, bao gồm khảo sát Tankan được công bố vào ngày 13/12, trước khi đưa ra quyết định chính sách vào ngày 19/12. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Nikkei, ông Ueda cho biết, thời điểm tăng lãi suất đang “đến gần”, làm dấy lên suy đoán rằng BoJ có thể tăng lãi suất trong tháng này.
Ông Yuichi Kodama, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda, nhận định: “Báo cáo hôm nay tái khẳng định rằng nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi ở mức độ vừa phải. Có hơn 50% khả năng BoJ sẽ tăng lãi suất trong tháng 12/2024. Tuy nhiên, với việc đồng yen gần đây đã tăng giá nhẹ, họ có thể không cần vội vã và có thể chờ đến tháng 1/2025”.
Dữ liệu ngày 9/12 cũng xác nhận, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng hai quý liên tiếp. Chi tiêu tiêu dùng tương đối ổn định trong hai quý, bất chấp cơn bão lớn hồi tháng 8/2024, cho thấy sức mạnh tiềm ẩn đang quay trở lại với nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế vẫn hoài nghi về tính bền vững của đà tăng trưởng, khi một phần được thúc đẩy bởi các khoản cắt giảm thuế tạm thời do cựu Thủ tướng Fumio Kishida đưa ra.
Lạm phát tại Nhật Bản đã đi ngang hoặc trên mức mục tiêu của BoJ trong hơn 30 tháng. Theo khảo sát của Bloomberg vào tháng trước, kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,5% trong quý IV năm nay.
Chính quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba vẫn tỏ ra thận trọng về tình hình kinh tế. Chính phủ Nhật Bản chưa tuyên bố thoát khỏi tình trạng giảm phát và tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa hỗ trợ nhằm giảm tác động của lạm phát lên người dân, như gói kích thích kinh tế mới nhất, với quy mô lớn hơn một chút so với năm ngoái.
Nền kinh tế Nhật Bản cũng dễ bị tổn thương trước các bất ổn từ các đối tác thương mại quan trọng. Tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ áp thuế cao hơn đối với tất cả hàng nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng với các biện pháp kích thích mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng. Việc ông Trump quay lại Nhà Trắng dự kiến sẽ làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung, gây ra những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và làm giảm nhu cầu trên toàn thế giới.