Thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố của Trung Quốc

Sau vụ tấn công khủng bố khiến nhiều người thiệt mạng tại Thủ phủ khu tự trị Tân Cương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tái khẳng định quan điểm sẽ “trừng trị nghiêm khắc những kẻ khủng bố” và sẽ tăng cường các biện pháp an ninh của mình.


“Chính quyền Trung Quốc tự tin và có đủ khả năng trừng trị thích đáng những kẻ khủng bố”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết.

Tuy nhiên, sau 3 vụ tấn công liên tiếp vào những địa điểm công cộng thì có vẻ những lời hứa như thế đã trở thành sáo rỗng.

Cảnh sát Trung Quốc trong một cuộc diễn tập chống khủng bố.


Sơ hở an ninh


Phản ứng của Trung Quốc đối với những hành động khủng bố chỉ là thiết lập những đội tuần tra và tăng cường tính sẵn sàng của lực lượng công an và lực lượng bán quân sự. Tuần trước Bắc Kinh đã gửi những sĩ quan tới để huấn luyện cho lực lượng công an Tân Cương về khả năng sử dụng súng và khả năng chiến đấu. Cảnh sát cũng được lập thành những đội tuần tra có vũ trang tại những khu vực công cộng tập trung đông người.

Tuy nhiên, những biện pháp tăng cường an ninh cho tới nay chỉ dừng lại ở việc xử lý những vụ tấn công khủng bố mà chính quyền đã nắm chắc. Bất chấp sự có mặt của lực lượng an ninh ở Tân Cương, những vụ bạo lực đã trở thành thường xuyên trong những khu vực bất ổn. Hai vụ tấn công gần đây ở Tân Cương cho thấy rằng, thậm chí ngay tại những khu vực được thắt chặt an ninh thì những kẻ khủng bố vẫn có thể tìm thấy sơ hở, khai thác để tấn công.

Ngoài ra, việc tăng cường số lượng lớn lực lượng an ninh cho một số khu vực còn lại tại Tân Cương của Trung Quốc là điều không thể. Giáo sư Philip Potter thuộc đại học Michigan và là một nhà nghiên cứu thuộc Bộ quốc phòng Mỹ nói với tờ New York Times rằng, có một sự khác biệt rất lớn giữa lực lượng an ninh miền Tây và miền Đông của Trung Quốc. Bắc Kinh thực hiện chính sách mở cửa ở phía Đông, những khu vực ven biển nhằm khuyến kích phát triển kinh tế trong khi thực hiện chính sách kìm kẹp ở Tân Cương và Tây Tạng. Điều này đã khuyến khích những kẻ khủng bố ở phía Tây tiến hành những vụ tấn công ở những trung tâm dân cư thuộc phía Đông nơi những mục tiêu “ít được bảo vệ và gây thiệt hại lớn hơn”.

Các vụ tấn công tại quảng trường Thiên An Môn hồi tháng 10/2013, và những vụ tấn công gần đây ở Côn Minh càng củng cố thêm cho ý kiến này của ông Potter.

Hiện trường một vụ khủng bố ở Tân Cương.


Bắc Kinh thừa nhận, việc tăng cường lực lượng an ninh được chỉ là một phần của giải pháp. Theo đó, chính quyền đã trừng trị thẳng tay đối với cái họ cho là chủ nghĩa khủng bố “mềm”, điều mà Bắc Kinh gọi là “kích thích thù hận sắc tộc”, bao gồm việc phổ biến những đoạn video và những tài liệu trên mạng với mục đích kích động khủng bố.

Đầu tuần này, Tòa án Tân Cương đã tuyên bố 39 người đã bị kết án tù vì những tội danh trên. Tòa án này cho biết: “Chúng ta phải tiêu diệt tận gốc khủng bố, tại những nơi mà những kẻ khủng bố cho là có thể phát triển, thông qua việc trừng trị những kẻ đã tuyên truyền, phổ biến những đoạn video mang nội dung khủng bố” .

Tuy nhiên, những người ủng hộ nhân quyền cho biết, hành động trấn áp khủng bố của Trung Quốc chẳng khác gì hành động đàn áp người Hồi giáo, điều này càng làm cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ thêm xa cách. Và nó có thể có những hệ lụy không mong muốn, đó là làm gia tăng chủ nghĩa khủng bố khi mà những người chống lại chính quyền ngày càng gia tăng.

Nhằm vào các mục tiêu ở bên ngoài


Cuối cùng, vấn đề khủng bố tại trung Quốc là một vấn đề quốc tế, chứ không đơn giản là vấn đề nội bộ khi mà những nhóm khủng bố người Duy Ngô Nhĩ có các hoạt động dọc biên giới.

Mới đây hãng tin Tân Hoa Xã đã tiết lộ những tình tiết mới về vụ tấn công tại ga tàu ngày 30/4 vừa qua tại thủ phủ của khu tự trị Tân Cương. Các quan chức ở đây cho hay vụ tân công do một thành viên của phong trào Hồi giáo Turkestan có tên Ismail Yusup lên kế hoạch và thực hiện. Yusup đã lên kế hoạch và tổ chức vụ tấn công bên ngoài biên giới Trung Quốc, sau đó ra lệnh cho tay chân của mình ở Tân Cương tiến hành vụ tấn công.

Lực lượng an ninh của Trung Quốc được tăng cường sau các vụ tấn công khủng bố tại Tân Cương.


Những chi tiết về vụ tấn công tháng trước cho thấy những thách thức rất nặng nề trong cuộc chiến chống khủng bố mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Những tổ chức như Phong trào hồi giáo Turkestan (ETIM) và Đảng hồi giáo Turkestan (TIP) được cho là có hoạt động chủ yếu bên ngoài biên giới Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuter, trong một cuộc phỏng vấn với lãnh đạo của TIP Abdullah Mansour hồi đầu năm nay, TIP có căn cứ ở khu vực biên giới giữa Pakistan giữa Afghanistan, một khu vực rất thích hợp cho các tổ chức khủng bố trú ngụ. Cho tới nay Pakistan đã cho thấy sự thiếu thiện chí và không thể đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực này. Chừng nào mà những tổ chức khủng bố còn tìm được chỗ trú ẩn gần biên giới Tân Cương thì tham vọng chấm dứt khủng bố của Trung Quốc là điều không thể.

Có báo cáo cho rằng những nhóm khủng bố như ETIM đang nhắm tới các hoạt động kinh tế của Trung Quốc, những đại sứ quán, những công dân đang cư trú tại nước thứ ba, điều này cho phép những kẻ khủng bố có thể làm tổn thương tới Trung Quốc mà không cần đặt chân tới nước này.

Cho dù các biện pháp an ninh trong nước có nhiều cỡ nào thì cũng không thể ngăn chặn được những cuộc tấn công như thế, cần phải có sự hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố thì mới có thể thu được kết quả khả quan.

Lực lượng an ninh Trung Quốc diễn tập chống khủng bố cùng với Ấn Độ.


 Khác với Mỹ, Trung Quốc có khuynh hướng tự xử lý vấn đề của mình bằng cách tiến hành các hoạt động chống khủng bố ở ngoài biên giới. Hành động như vậy đã phản lại tôn chỉ của Bắc Kinh là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Thay vào đó, Trung Quốc đã và đang nhấn mạnh việc tham gia các hoạt động chống khủng bố với các quốc gia láng giềng, từ Afghanistan và Pakistan cho tới Nga và Kazakhstan. Hiện nay Bắc Kinh thiếu một chiến lược, trong khi khả năng và quyết tâm của các quốc gia trên đối với cuộc chiến chống khủng bố không thể đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Ngăn chặn những cuộc tấn công khủng bố là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay sau vụ tấn công ở Côn Minh và nhà ga thuộc Tân Cương. Để tạo được sự tiến triển, Trung Quốc cần phải tạo và thực hiện một chiến lược mới hơn là chỉ gia tăng các nỗ lực của mình tại những khu vực quen thuộc.


Công Thuận
(Diplomat)

'Khúc xương' Tân Cương trong chiến lược hướng Tây của Trung Quốc
'Khúc xương' Tân Cương trong chiến lược hướng Tây của Trung Quốc

Tân Cương có vai trò quan trọng trong chiến lược hướng Tây của Trung Quốc. Nhưng bình ổn điểm nóng này chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng, nhất là sau hàng loạt các vụ tấn công khủng bố vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN