Trong khi đó, bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về thỏa thuận thương mại hậu Brexit đang tạo ra sức ép to lớn bởi thời hạn chót ngày 15/10 được hai bên đặt ra để đạt được thỏa thuận này đang tới gần. Kịch bản "không thỏa thuận thương mại hậu Brexit", nếu xảy ra, sẽ khiến nền kinh tế Anh gánh chịu khoản thiệt hại lớn gấp 3 lần so với thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Với 41.862 ca tử vong tính đến hết ngày 23/9, Anh hiện là nước có số bệnh nhân tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Âu và đứng thứ năm trên thế giới. Số trường hợp mắc COVID-19 ở Anh là gần 410.000 ca, đứng thứ tư châu Âu và thứ 11 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện số ca nhiễm mới ở nước này đang tăng với tốc độ ít nhất 6.000 người/ngày, cứ sau 8 ngày, số bệnh nhân nhập viện lại tăng gấp đôi, và hệ thống xét nghiệm đang quá tải.
Với tốc độ lây lan tăng nhanh như hiện nay, theo tính toán của các chuyên gia, đến giữa tháng 10, số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày ở Anh có thể lên tới gần 50.000, cao gấp hơn 8 lần so với mức hiện tại. Đến giữa tháng 11, Anh có thể sẽ phải chứng kiến khoảng 200 người tử vong mỗi ngày vì COVID-19. Giới chuyên gia cũng cảnh báo khoảng thời gian 6 tháng tới sẽ rất khó khăn vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - giống các loại viêm nhiễm đường hô hấp khác - sẽ hoạt động mạnh hơn trong thời tiết lạnh, trong khi đó các nghiên cứu hiện tại cho thấy mới chỉ có khoảng 8% dân số Anh đã có kháng thể với virus.
Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây ra làn sóng COVID-19 thứ hai tại Anh là do việc mở cửa hành lang du lịch đến một số nước và dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế đi lại du lịch trong nước, khuyến khích người dân đi ra ngoài ăn uống tại các hàng quán để kích cầu tiêu dùng trong tháng 7 và 8 vừa qua. Hay nói cách khác, việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội được cho là khá thoải mái là nguyên nhân chính.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, nhóm mắc COVID-19 nhiều nhất trong hai tuần qua là nhóm trong độ tuổi 16 - 25. Những người này mắc thường là do đi du lịch nước ngoài trở về hoặc đến những nơi không đảm bảo giãn cách xã hội như tham gia các hoạt động vui chơi giải trí đông người.
Tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân cũng góp phần gây ra tình trạng lây lan nhanh hiện nay. Chính Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nhấn mạnh một số người tin rằng "sau 6 tháng thì có thể tạo được miễn dịch cộng đồng" đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, và đó là nhận thức sai lầm.
Bên cạnh đó, Chính phủ Anh cũng hứng chịu nhiều chỉ trích từ các đảng phái chính trị và ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, cho rằng hệ thống xét nghiệm và truy tìm dấu vết người mắc bệnh của Anh hoạt động yếu kém, năng lực tiến hành xét nghiệm hằng ngày không đáp ứng được nhu cầu cần xét nghiệm. Hiện nay, Anh vẫn chỉ đủ năng lực xét nghiệm cho những người có triệu chứng mắc bệnh rõ ràng, chưa đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm cho tất cả mọi người dân có nhu cầu muốn được kiểm tra.
Tình hình này buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson phải liên tục đưa ra những điều chỉnh, tăng cường thêm các biện pháp mới nhằm ngăn chặn tốc độ lây nhiễm. Thủ tướng Johnson đánh giá đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng chung lớn nhất của toàn thế giới mà ông từng chứng kiến và khẳng định những tháng mùa Đông trước mắt sẽ là vô cùng khó khăn đối với nước Anh.
Một trong những thay đổi trong giải pháp nhằm đối phó tình trạng số ca lây nhiễm gia tăng chóng mặt ở Anh, là chính phủ đã từ bỏ kế hoạch công bố hồi tháng trước về đưa 80% người lao động quay trở lại làm việc tại công sở. Thay vào đó, Thủ tướng Johnson khuyến khích người lao động nên tiếp tục làm việc từ xa nếu công việc không nhất thiết đòi hỏi phải đến văn phòng. Tuy nhiên, với những loại hình công việc khác như ngành giao thông, bán lẻ, mọi hoạt động tại nơi làm việc vẫn duy trì bình thường.
Việc đeo khẩu trang không chỉ áp dụng tại những nơi công cộng mà giờ mở rộng bắt buộc cả đối với những người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Từ ngày 24/9, tất cả nhà hàng, khách sạn, quán rượu chỉ được phục vụ khách ngồi ăn, uống tại bàn. Tất cả các địa điểm tổ chức sự kiện tiếp tân, hội họp chỉ được mở cửa đến 22h00 và số người tham dự các cuộc họp, lễ cưới chỉ được phép tập trung tối đa 15 người. Chính phủ cũng quyết định tăng mức phạt hành chính đối với những trường hợp vi phạm.
Lý giải về những biện pháp thắt chặt mới, Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ muốn tránh tối đa nguy cơ phải áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước Anh như hồi tháng 3 vừa qua. Phong tỏa hoàn toàn sẽ gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế, đẩy lùi tốc độ phát triển đất nước, ảnh hưởng nặng nề đến vấn đề an sinh xã hội, số người thất nghiệp gia tăng. Việc đóng cửa hoàn toàn các trường học hơn 4 tháng vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của học sinh. Bởi vậy, quan điểm của chính phủ là các hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục được đẩy mạnh đồng thời với việc khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, chính phủ khẳng định, nếu như các biện pháp mới nêu trên vẫn không làm chậm lại được tốc độ lây lan thì sẽ tiếp tục có thêm những biện pháp thắt chặt hơn nữa. Thậm chí, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cảnh báo nước Anh có thể phải áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai vào thời điểm Giáng Sinh nếu người dân tiếp tục lơ là các quy định phòng chống dịch.
Diễn biến dịch COVID-19 phức tạp đang đe dọa sự phục hồi kinh tế của Vương quốc Anh. Theo nhận định của Ngân hàng trung ương Anh (BoE), nền kinh tế nước này đã phục hồi phần lớn sản lượng bị mất trong thời gian áp đặt lệnh phong tỏa, song "viễn cảnh kinh tế vẫn vô cùng bất ổn" do số ca mắc COVID-19 gia tăng thời gian gần đây. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc Anh không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU sẽ làm trầm trọng hơn tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế nước này.
Khi làn sóng COVID-19 thứ hai xuất hiện, Anh cũng bước vào thời điểm quan trọng, trước vòng đàm phán tiếp theo với EU tại Brussels (Bỉ) vào tuần tới, sự kiện được cho là cơ hội cuối cùng để hai bên bên đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót ngày 15/10.
Vòng đàm phán thứ tám về quan hệ Anh - EU hậu Brexit diễn ra đầu tháng 9 này đã kết thúc trong bế tắc do mâu thuẫn về vấn đề ngư dân các nước EU tiếp cận vùng biển Anh, cạnh tranh công bằng giữa các công ty của EU và Anh cũng như một cơ cấu giải quyết tranh chấp trong tương lai. Việc Anh mới đây công bố dự luật mới về thị trường nội địa hậu Brexit, với những điều khoản được cho vi phạm thỏa thuận Brexit mà hai bên ký hồi đầu năm nay, càng đẩy căng thẳng lên cao và làm gia tăng nguy cơ sẽ không có thỏa thuận nào đạt được để đảm bảo giao thương hai bên không gián đoạn sau khi Anh thực sự rời EU vào cuối năm nay. Đối với Anh, điều này sẽ tác động xấu tới quá trình phục hồi của nền kinh tế và về dài hạn, hậu quả sẽ còn trầm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19 hiện nay gây ra.
Nhận định về tình hình nước Anh trong làn sóng COVID-19 thứ hai, Thủ tướng Boris Johnson nói rằng "chúng ta đã đến bước ngoặt nguy hiểm", và khẳng định "đây là thời khắc chúng ta phải hành động". Nước Anh đang đối mặt với những khó khăn chồng chất cả trong đối phó với COVID-19, cả trong đàm phán về thỏa thuận hậu Brexit, và chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson một lần nữa phải tìm cách vượt qua.