Thước đo tín nhiệm

Tổng tuyển cử bầu hạ viện khóa 17 ở Ấn Độ bắt đầu từ ngày 11/4, được coi là “đợt thực hành dân chủ” lớn nhất thế giới, với hơn 900 triệu cử tri hợp lệ, 1 triệu điểm bỏ phiếu và 7 giai đoạn bầu cử kéo dài trong 5 tuần.

Kết quả cuộc bầu cử công bố cuối tháng 5, hoặc sẽ trao cho đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi thêm một nhiệm kỳ 5 năm, hoặc sẽ giúp đảng Quốc đại (INC) đối lập từng nắm quyền ở Ấn Độ trong nhiều thập niên sau độc lập, quay trở lại.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Cooch Behar, bang Tây Bengal, ngày 7/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Modi nhậm chức năm 2014 với cam kết thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thông qua chính sách “Make in India”, nỗ lực đưa Ấn Độ trở thành “quốc gia hùng mạnh và đáng tự hào hơn”. Kết quả, Ấn Độ được xem là một điểm sáng tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng GDP nhanh chóng từ 6,9% (năm 2013-2014) lên 7,9% (năm 2016-2017), trong khi lạm phát đang ở mức thấp nhất, dưới 4%.

Những cải cách về thuế hàng hóa và dịch vụ dù gây nhiều tranh cãi cũng đã tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng. Ngoài ra, chính phủ của Thủ tướng Modi còn ghi điểm nhờ ra mắt chương trình chăm sóc y tế cho người nghèo (Modicare), cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho 100 triệu gia đình, tương đương 500 triệu người dân nghèo nhất nước này.

Chiến lược đối ngoại kết nối Ấn Độ với thế giới được đánh giá là năng động vào táo bạo của Thủ tướng Modi cũng giúp uy tín và tầm ảnh hưởng của New Delhi ngày càng được củng cố cả ở tầm khu vực lẫn quốc tế.

Tuy nhiên, khi một chu kỳ bầu cử mới sắp bắt đầu, Thủ tướng Modi lại phải chật vật đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng, lên đến 6,1%, mức cao nhất trong 45 năm qua; kinh tế tăng trưởng chậm lại, dự báo tài khóa 2018-2019 (kết thúc ngày 31/3/2019) chỉ đạt khoảng 7%; thu nhập của nông dân giảm gây tâm lý bất bình, trong khi một số biện pháp kinh tế không hợp lòng dân, như đổi tiền năm 2016, gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ. Một bộ phận cử tri bắt đầu đặt câu hỏi về những cam kết còn dang dở trong chiến dịch tranh cử của ông Modi 5 năm trước.

Sau khi thất thế trước đảng INC trong các cuộc bầu cử lập pháp cuối năm ngoái ở 3 bang Chhattisgarh, Madhya Pradesh và Rajasthan, những nơi vốn được xem là "cứ địa" của khối Hindu, BJP và liên minh cầm quyền nhận thấy họ đang đối mặt với thách thức thật sự trong cuộc tổng tuyển cử này.

Trong bối cảnh làn sóng dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ dâng cao sau cuộc tấn công khủng bố ở Pulwama thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hồi tháng 2 vừa qua, làm hơn 40 nhân viên an ninh Ấn Độ thiệt mạng, kéo theo căng thẳng trong quan hệ với Pakistan, chiến dịch tranh cử của BJP đã chuyển trọng tâm sang vấn đề an ninh quốc gia, chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Đây cũng là một nội dung chính trong cương lĩnh tranh cử mà đảng này coi là sức mạnh của mình. Các bài phát biểu vận động tranh cử của ông Modi trong thời gian qua đều xoay quanh việc làm thế nào để Ấn Độ có được một ban lãnh đạo quyết đoán, dám “đương đầu với chủ nghĩa khủng bố bắt nguồn từ Pakistan”.

Chủ đề chiến dịch tranh cử của BJP là "Modi một lần nữa", với các khẩu hiệu như chính phủ “hiệu quả, trung thực, quyết đoán đưa ra những quyết định lớn” và trao quyền cho nữ giới.

Chiến dịch của BJP đề cập đến những biện pháp phúc lợi mà chính phủ của Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) thực hiện trong 5 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực phúc lợi nông thôn và cơ sở hạ tầng, cũng như nêu bật cam kết của đảng này đối với người nghèo, tầng lớp trung lưu và trung lưu mới.

Ngoài ra, ban lãnh đạo BJP cũng tìm cách ghi thêm điểm nhờ xoáy sâu vào các vấn đề tôn giáo, trong đó có việc xây dựng ngôi đền Ram (huyện Ayodhya, bang Uttar Pradesh) gây tranh cãi giữa đạo Hindu và đạo Hồi, điều sẽ giúp thu hút lá phiếu của cộng đồng người Hindu chiếm đa số ở Ấn Độ.

Khi chính phủ hứng chịu nhiều chỉ trích và đối mặt với làn sóng biểu tình do thu nhập của nông dân giảm, BJP một lần nữa nhắc lại cam kết tăng gấp đôi thu nhập cho nông dân từ nay đến năm 2022, mặc dù hầu hết các chuyên gia đều tỏ ý hoài nghi về tuyên bố này.

Cụ thể, BJP cam kết sẽ đầu tư gần 25.000 tỷ rupee (360 tỷ USD) trong 5 năm tới vào khu vực nông thôn và cung cấp các khoản cho vay không tính lãi trị giá tối đa 100.000 rupee (1.437 USD).

Kinh tế và việc làm, lĩnh vực cũng được xem là điểm yếu của chính phủ hiện nay, là trọng tâm thứ ba trong cương lĩnh của BJP, với tuyên bố sẽ cải thiện hơn nữa vị trí của Ấn Độ trong bảng xếp hạng chỉ số thuận lợi kinh doanh, tăng tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất trong GDP, đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ khởi nghiệp và xác định các lĩnh vực nổi bật mà giới trẻ Ấn Độ có thể tham gia hiệu quả, và hơn hết là phấn đấu đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới quy mô 10.000 tỷ USD vào năm 2032.

Tuy nhiên, BJP sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để thuyết phục cử tri về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm hiện nay, khi mỗi năm lực lượng lao động lại được bổ sung thêm khoảng 12 triệu người.

Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) đối lập do đảng INC của ông Rahul Gandhi đứng đầu đang khai thác rất tốt những điểm yếu của BJP để ghi điểm cho mình. Với chủ đề "Quốc đại sẽ giữ lời hứa", ngầm ám chỉ những cam kết mà theo INC chỉ là “nói suông” của BJP, cương lĩnh của INC tập trung vào các biện pháp cải cách kinh tế và quốc phòng, cam kết đảo ngược xu hướng chi tiêu quốc phòng suy giảm hiện nay để đáp ứng các nhu cầu của lực lượng vũ trang, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và an toàn của người dân.

Về nông nghiệp, INC dường như đi trước 1 bước so với BJP, đưa ra cam kết xóa các khoản dư nợ nông nghiệp ở những bang khác, tương tự như cách mà đảng này đã làm sau khi giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử lập pháp địa phương ở 3 bang cuối năm ngoái.

Trong lĩnh vực kinh tế, INC hứa hẹn sẽ áp dụng một mã số thuế trực tiếp, mở ra kỷ nguyên của một chính quyền đơn giản, minh bạch, tận tụy và công tâm. Một số nội dung đáng chú ý khác của INC trong bản cương lĩnh là xóa bỏ đói nghèo cùng cực vào năm 2030, theo đó cấp 72.000 rupee (1.035 USD)/năm cho 20% những hộ nghèo nhất; đảm bảo an toàn của phụ nữ và gia tăng bình đẳng giới.

Cương lĩnh của cả hai lực lượng lớn nhất trên chính trường Ấn Độ đều đề cập những vấn đề cốt lõi và nổi cộm trong xã hội, song theo đánh giá, BJP vận động về an ninh quốc gia và phúc lợi nông nghiệp trong khi lảng tránh đề cập chi tiết đến tình trạng thất nghiệp. INC chủ trương xây dựng cơ chế phúc lợi ủng hộ người nghèo nhưng lại né vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối với Pakistan.

Mặc dù các thăm dò dư luận gần đây nhất đều dự báo NDA sẽ một lần nữa cán đích trước trong cuộc bầu cử, do chưa xuất hiện một lực lượng đủ mạnh trên chính trường để thế chỗ NDA hay một gương mặt đủ "sáng" có thê lu mờ đương kim Thủ tướng Modi, song vị thế và tầm ảnh hưởng của liên minh này đã suy yếu trước sự nổi lên của một số đảng phái/liên minh đối lập, mà hơn hết là nhận thức chính trị tăng cao của cử tri. Nếu chiến thắng, nhiều khả năng NDA vẫn phải cần tới sự ủng hộ của một số đảng nhỏ mới có thể duy trì quyền kiểm soát hạ viện.

Huy Lê (Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ )
Truyền thông Israel: Thủ tướng Benjamin Netanyahu chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử
Truyền thông Israel: Thủ tướng Benjamin Netanyahu chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử

Kênh truyên hình 12 của Israel đưa tin ngày 10/4, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua và tiếp tục giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN