Chỉ trong một ngày, ông Biden đã tham gia hai hội nghị trực tuyến quan trọng tại London và Munich, với các lãnh đạo của những nước đồng minh châu Âu lớn nhất, hiện vẫn đang “đóng cửa” các thủ đô.
Màn ra mắt "ảo"
Tại Hội nghị An ninh Munich (MSC), nhà lãnh đạo Mỹ mạnh mẽ tuyên bố “Nước Mỹ đã trở lại”. Ông cũng rất hào phóng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 do Anh chủ trì, với cam kết chi 4 tỷ USD cho sáng kiến COVAX nhằm cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Màn ra mắt của tân Tổng thống Mỹ khiến nhiều người so sánh với việc người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Donald Trump đã rời khỏi Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu G20 trực tuyến tại Riyadh tháng 11 năm ngoái, sau đó rất nhanh xuất hiện trên sân golf trong khu nghỉ dưỡng của gia đình.
Không có những chuyện tương tự xảy ra hôm 19/2 vừa qua. Mọi người đều hài lòng với một Biden “ảo” trong phòng họp, và Tổng thống Mỹ dường như chìm trong tình cảm “sum vầy”.
Thủ tướng Anh Johnson đã dành cho Tổng thống Biden một sự chào đón nồng nhiệt đặc trưng: “Nước Mỹ đã trở lại đáng kinh ngạc với tư cách là nhà lãnh đạo của thế giới tự do và điều đó thật tuyệt vời”.
Cả hai hội nghị trực tuyến nói trên đã diễn ra thành công, cả về mặt công nghệ và sự kiện.
Trong khi Hội nghị An ninh Munich âm thầm chuyển sang công nghệ mạng ở Đức, các nhà tổ chức Hội nghị G7 ở London đã gửi một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo: "Chúng tôi, những người đứng đầu Nhóm G7, đã gặp nhau hôm nay, quyết tâm cùng nhau đánh bại COVID-19 và xây dựng lại tốt đẹp hơn".
Các lãnh đạo G7 đã thống nhất với nhau về 7,5 tỷ USD cung cấp vaccine cho các quốc gia nghèo nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, sản xuất và triển khai tiêm phòng vaccine COVID, cũng như cải thiện chia sẻ thông tin về các biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2.
Tôi không phải Donald Trump
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden vốn hiểu rất rõ về Hội nghị An ninh Munich ngoại tuyến. Trong nhiều năm dưới thời Tổng thống Obama, ông từng chạy trốn những hành lang chật chội và đông đúc của địa điểm tổ chức hội nghị, khách sạn Bayerischer Hof xây dựng từ thế kỷ 19, và chắc chắn đã tận dụng các phòng họp cực lớn ở nơi đây để phục vụ hoạt động ngoại giao của Mỹ.
Nếu so sánh với MSC ngoại tuyến thì sự kiện “ảo” năm nay có vẻ buồn tẻ. Tuy vậy không khí đó chắc chắn không xuất hiện trong phần phát biểu của Tổng thống Joe Biden, một bài phát biểu thẳng thắn, đòi hỏi và cũng xứng đáng nhận được chú ý.
Ông Biden nói với các đồng minh: ông muốn hợp tác với họ; trước hết sử dụng công cụ ngoại giao để chống lại các mối đe dọa đang nổi lên trên thế giới. Và cốt lõi, thông điệp của ông rất đơn giản: Tôi không phải là Donald Trump!
“Các mối quan hệ của chúng ta được duy trì và phát triển qua nhiều năm bởi vì chúng bắt nguồn từ sự phong phú của các giá trị dân chủ được chia sẻ của chúng tôi” - ông Biden phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich - “Những giá trị đó không mang tính chất giao dịch, không mang tính khai thác. Chúng được xây dựng dựa trên tầm nhìn về một tương lai nơi mọi tiếng nói đều quan trọng; nơi mà mọi quyền của chúng ta được bảo vệ. Và nơi luật pháp được tôn trọng”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người chủ trì Hội nghị An ninh Munich, đã hoan nghênh bài phát biểu. “Chủ nghĩa đa phương đã được củng cố bởi Tổng thống Mỹ Biden”, nhà lãnh đạo Đức phát biểu.
Những khác biệt
Tuy nhiên, việc nắm bắt quan điểm, thái độ của những người tham gia hội nghị - một kỹ năng cơ bản của bất cứ chính trị gia hay nhà ngoại giao nào- trong một sự kiện được tổ chức trực tuyến, hẳn là một trong những thách thức lớn nhất của ông Biden khi ra mắt toàn cầu với tư cách Tổng thống Mỹ.
Có nhiều sắc thái cần được theo dõi. Bà Merkel đã ám chỉ về những khác biệt ở ông Biden trong vấn đề Nga, bao gồm cách phản ứng trước vụ bắt giữ nhân vật đối lập của Điện Kremlin, Alexey Navalny. Ông Biden muốn đóng cửa đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2, đưa khí đốt Nga tới châu Âu, trong khi bà Merkel thì không. Nhưng những khác biệt này có lẽ không là gì nếu so sánh với khoảng trống giữa bà Merkel và cựu Tổng thống Trump trước đây.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã có một sự chào đón hiệu quả nhưng thận trọng. "Chúng tôi có những thách thức chung [với Mỹ], ở châu Phi, ở Trung Đông, nhưng chúng tôi có một chương trình nghị sự có lẽ không cùng mức độ ưu tiên", ông Macron nói.
Về vấn đề Trung Quốc, một lĩnh vực khác biệt nữa giữa Mỹ và châu Âu, ông Biden muốn các đồng minh đứng về phe mình: “Các bạn biết đấy, chúng ta phải cùng nhau chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc”.
Tuy nhiên một quan chức EU cho biết quan điểm của Liên minh đã cứng rắn hơn. “Chúng tôi tin rằng châu Âu nên có những thỏa thuận của riêng mình… chúng tôi tin rằng, chúng tôi nên can dự với Trung Quốc, không chỉ là nói về Trung Quốc mà là nói chuyện với Trung Quốc”, quan chức này tuyên bố.
Có một chút mệt mỏi dường như len lỏi vào nhịp điệu và âm sắc của ông Biden khi kết thúc bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Đây có thể là một hình ảnh ẩn dụ cho những thách thức phía trước, hoặc có lẽ, chỉ đơn giản là ông quá mệt khi phải ngồi trước máy tính lâu như vậy.