Hợp tác quốc phòng đã được đưa trở lại chương trình nghị sự trong quá trình triển khai Chiến lược toàn cầu (EGS) của EU nhằm củng cố CSDP. Đồng thời, một số nước thành viên EU đề xuất thành lập "nhóm cốt lõi" trong lĩnh vực quốc phòng của EU. Các nước thành viên này cho đây là phản ứng chính trị phù hợp với các thách thức nổi lên trong EU và việc Anh rời khỏi liên minh (hay còn gọi là Brexit) cũng như tình hình an ninh bất ổn ở khu vực biên giới phía Nam của EU.
Quân đội Đức sẽ là một trong những nòng cốt của sự hợp tác quốc phòng trong EU? Ảnh: AP |
Chiến lược toàn cầu của EU là một chiến lược tổng thể, giúp xác định chính sách đối với những lĩnh vực quan trọng nhất trong quan hệ đối ngoại của liên minh. Về phần mình, Cao ủy phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Federica Mogherini đang chuẩn bị kế hoạch triển khai trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh (SDIP). Kế hoạch này nhằm triển khai EGS - một chiến lược an ninh và quốc phòng chung mới nhằm thay thế chiến lược được thông qua từ năm 2003. Mặc dù vậy, EGS đã không được các nước thành viên thông qua để trở thành văn kiện ràng buộc về mặt pháp lý mà chỉ được Hội đồng châu Âu "hoan nghênh" vào ngày 28/6 vừa qua. Do đó, SDIP cũng sẽ khó được các nước thành viên EU thông qua. Các đề xuất cải cách liên quan đến CSDP chỉ được một số nước thành viên ủng hộ và cam kết thực hiện. Quyết định cụ thể sẽ được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 15 - 16/12 tới.
Một số đề xuất trong việc củng cố CSDP đã gây bất đồng sâu sắc trong nội bộ EU, trong đó có việc thiết lập một trung tâm chỉ huy tác chiến thường trực của EU (OHQ) với nhiệm vụ lên kế hoạch và triển khai tất cả các hoạt động quân sự của liên minh. Hiện tại, khi EU quyết định thành lập phái đoàn quân sự, 1 trong 5 trung tâm chỉ huy quốc gia ở Pháp, Đức, Anh, Italy và Hy Lạp sẽ được lựa chọn để điều hành hoạt động. Điều này khiến cho việc bắt đầu triển khai hoạt động kéo dài và phức tạp. Đề xuất lập trung tâm chỉ huy thống nhất của EU được đưa ra khi Ba Lan đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên EU (năm 2011) nhưng gặp sự phản đối từ nước Anh. Hiện London vẫn chưa thay đổi lập trường liên quan đến đề xuất này nhưng nhiều khả năng sẽ có cách tiếp cận linh hoạt hơn sau Brexit. Các nước khu vực Baltic và Bắc Âu cũng tỏ ra hoài nghi đối với đề xuất này do lo ngại tác động tiêu cực đến năng lực thích ứng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với các thách thức an ninh mới.
Ngay sau cuộc trưng cầu ý dân của Anh về vấn đề Brexit, Đức và Pháp đã đề xuất tăng cường hợp tác quốc phòng trong EU. Đề xuất này được hoàn thiện trong tháng 9/2016 với sự ủng hộ của Tây Ban Nha và Italy về việc hình thành một "Liên minh Quốc phòng và An ninh châu Âu".
Theo Hiệp ước thành lập EU, khi được đa số các nước thành viên ủng hộ, Hội đồng châu Âu có thể cho phép một nhóm các quốc gia đồng thuận tăng cường hợp tác quốc phòng. Các quốc gia này sẽ triển khai chương trình hợp tác quốc phòng một cách độc lập với Hội đồng châu Âu mặc dù vẫn chịu sự giám sát của Cơ quan quốc phòng EU về mục tiêu và kết quả hợp tác.
Mặc dù kết quả hợp tác có thể hạn chế nhưng cấu trúc mới sẽ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị đối với EU. Điều này sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan đến nước Anh sau Brexit, quan niệm về mối đe dọa từ Nga, hiệu quả trong hoạt động của NATO và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Mỹ. Mặc dù Mỹ cũng đang hy vọng EU tăng cường năng lực quốc phòng nhưng chắc chắn Washington sẽ hoài nghi đối với bất cứ nỗ lực nào đe dọa làm suy yếu sức mạnh và vai trò trụ cột của NATO.