Việc Trung Quốc hạ
đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981, đưa nhiều loại tàu vào sâu
trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm
nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh,
an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Là một nước lớn trong khu vực, 1 trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng
Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế và hành
xử như một quốc gia có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh khu vực,
một đối tác có trách nhiệm với các cam kết quốc tế và khu vực. Đại tá,
Thạc sỹ Vũ Khanh, một chuyên gia nghiên cứu quốc tế, đã chia sẻ quan
điểm về vấn đề này trong bài viết: “Đâu là trách nhiệm của bên đối
tác?”. Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Từ
ngày 2/5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981
trên Biển Đông, tại vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm
lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài
phán với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhất
là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước Luật biển) mà
Trung Quốc là một thành viên ký kết, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên
ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, Thỏa thuận về các nguyên
tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa lãnh đạo Việt Nam và
Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng tới
hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển
Đông cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực, sự tin
cậy chính trị và hợp tác giữa hai nước.
Vi phạm Công ước Luật biển
Công
ước Luật biển được coi là thành quả của loài người, của cuộc đấu tranh
lâu dài của các quốc gia, là đỉnh cao của luật biển quốc tế và là văn
kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ
hai (chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc). Đây là một Công ước có tính
tổng hợp, bao quát tất cả các vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý
của biển và đại dương, đáp ứng lợi ích của các nước ven biển, cũng như
bảo đảm mọi công bằng đối với các nước thành viên Liên hợp quốc. Việc
thông qua Công ước Luật biển là một thành công và là bước tiến cực kỳ
quan trọng trong việc thiết lập trật tự trên biển.
Công
ước Luật biển quy định rất rõ quy chế pháp lý của từng vùng biển. Theo
đó, các quốc gia ven biển có các vùng biển với các quy chế pháp lý khác
nhau. Điều 55 Công ước Luật biển quy định, vùng đặc quyền kinh tế là
vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế
độ pháp lý riêng quy định trong phần này, theo đó các quyền chủ quyền và
quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc
gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh. Vùng đặc
quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200
hải lý tính từ đường cơ sở.
Theo
điều 56 của Công ước Luật biển, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình,
các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên
thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy
biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt
động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như
việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quốc gia ven biển có
quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các
thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi
trường biển. Công ước Luật biển quy định các quốc gia khác, bất kể là
quốc gia có biển hay không có biển, được hưởng một số quyền nhất định ở
trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển như quyền tự do hàng
hải, quyền tự do hàng không.
Điều
76 của Công ước Luật biển quy định, thềm lục địa của một quốc gia ven
biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của
quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền
của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ
sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa
lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn.
Theo
Điều 77 của Công ước Luật biển, trong thềm lục địa của mình, các quốc
gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ
nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Hiện nay, các nước
ven biển đang khai thác dầu và khí để phục vụ phát triển đất nước. Sau
này, khi các nguồn tài nguyên ở trên đất liền khan hiếm thì các quốc gia
ven biển sẽ khai thác các tài nguyên khác ở thềm lục địa của mình. Cần
lưu ý là quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ
nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai
thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.
Việc
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 ở phía Nam đảo Tri Tôn,
sâu vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý
Sơn 119 hải lý, đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản, quyền chủ quyền và
quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển. Trung Quốc đã hạ
đặt giàn khoan nhằm mục đích thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên
gắn liền với đáy biển của thềm lục địa nằm hoàn toàn trong nguồn tài
nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Giàn khoan Hải
Dương - 981 là một công trình nổi trên biển, Trung Quốc đưa vào và hạ
đặt trong thềm lục địa của Việt Nam khi không được sự đồng ý của Việt
Nam, vì vậy Trung Quốc đã vi phạm quyền tài phán của Việt Nam.
Vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông
Ngày
4/11/2002, tại Phnom Penh, Campuchia, ASEAN và Trung Quốc đã ký DOC.
Mặc dù chưa đạt được mục tiêu mà ASEAN mong đợi là một “Bộ quy tắc ứng
xử” (COC) mang tính ràng buộc, nhưng DOC vẫn được coi là một bước ngoặt
trong vấn đề Biển Đông. Thật đáng tiếc, là một nước lớn, một bên ký DOC
song dường như Trung Quốc “ quên” mất trách nhiệm của một bên đối tác,
chỉ nói mà không làm gì đối với tiến trình xây dựng lòng tin tại Biển
Đông, điều mà Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội đồng hợp tác an ninh
châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP)… đang cố gắng đạt được. Trung Quốc vẫn
duy trì quan điểm không đồng thuận với vấn đề về chủ quyền trên Biển
Đông; và cũng không chân thành về vấn đề phát triển chung các nguồn tài
nguyên ở khu vực này. Không những thế, kể từ sau khi cùng ASEAN ký DOC,
Trung Quốc còn tiến hành hàng loạt hành động gây lo ngại đối với một số
nước khác như: Củng cố cơ sở pháp lý của các yêu sách và đẩy mạnh tuyên
truyền về chủ quyền trên Biển Đông; tăng cường các hoạt động trên thực
địa nhằm khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát; tăng cường lực lượng
hải quân và diễn tập quân sự trên Biển Đông; đẩy mạnh các hoạt động khai
thác tài nguyên biển, triển khai lực lượng duy trì pháp luật ngư chính
trên biển…
Bất chấp sự
phản đối của Việt Nam và sự lên án của dư luận quốc tế về việc công bố
bản đồ “đường lưỡi bò” và những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông
thời gian gần đây, Trung Quốc dường như “miễn nhiễm” với những phản ứng
này, thậm chí còn công khai hơn trong việc công bố chủ quyền trên Biển
Đông và đẩy mạnh các hoạt động quân sự, làm cho tình hình Biển Đông càng
thêm phức tạp. Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 là bước leo thang
mới nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, biến Biển Đông thành
“ao nhà” của Trung Quốc.
Việc
Trung Quốc đưa các tàu chiến, máy bay quân sự hộ tống giàn khoan, chủ
động đâm va, dùng vòi rồng cản phá các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư đang
làm nhiệm vụ của Việt Nam, tàu cá của ngư dân đang hoạt động trong vùng
biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động hoàn toàn sai trái, sử
dụng vũ lực biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp
nhằm “cùng nhau khai thác” trên vùng biển của nước khác và tạo thế có
lợi cho việc đàm phán với Việt Nam (nếu có) trong tương lai.
Vi phạm thỏa thuận giữa hai nước
Hành
động của Trung Quốc đã vi phạm “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản
chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” giữa Việt Nam và Trung Quốc do lãnh
đạo hai nước đã ký năm 2011. Theo đó, hai nước nhất trí lấy đại cục
quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục,
dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Kiên trì
thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng các vấn đề
trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị,
hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn
diện Việt Nam – Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu
vực; trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu
tố liên quan khác như lịch sử..., đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp
lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu
hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Căn
cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế,
trong đó có Công ước Luật biển, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu
dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên
biển. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh
tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã
đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC. Đối với
tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết
thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến
các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác trong
tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển,
trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi...
Trước
những hành động mang tính ngang ngược và cách hành xử “cá lớn nuốt cá
bé” của Trung Quốc, xuất phát từ tầm cao chiến lược quan hệ giữa hai
Đảng và hai Nhà nước, Việt Nam đã kiềm chế và chủ trương giải quyết mọi
bất đồng một cách hòa bình. Là một nước lớn trong khu vực, 1 trong 5 ủy
viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc cần tuân thủ
luật pháp quốc tế và hành xử như một quốc gia có trách nhiệm đối với hòa
bình và an ninh khu vực, một đối tác có trách nhiệm với các cam kết
quốc tế và khu vực. Đối với vụ việc này, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc
phải rút ngay giàn khoan, tàu chiến, tàu công vụ, tàu cá ra khỏi vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và không được tái diễn
các hành động tương tự trong tương lai.
TTXVN/Tin Tức