Cuộc săn lùng của Trung Quốc khắp toàn cầu nhằm tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng thiết yếu đang hướng tới khu vực sân sau của Mỹ, với việc hai tập đoàn quốc gia của Trung Quốc đã giành được quyền khai thác tại mỏ dầu khí trữ lượng hàng tỷ thùng ở ngoài khơi của Brazil.Bộ trưởng Năng lượng và khoáng sản Brazil ông Edison Lobao gặp gỡ đại diện các bên chiến thắng trong buổi đấu giá mỏ dầu Libra tại Rio de Janeiro ngày 21/10. Ảnh: Reuters |
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mỗi bên đã giành được 10% cổ phần tại mỏ Libra của Brazil cùng với ba công ty khác tại cuộc đấu thầu ngày 21/10. Nhà phân tích Li Li tại công ty tư vấn Năng lượng C1 nói: "Nam Mỹ, với trữ lượng và tài nguyên dồi dào, vẫn tương đối ít được khai thác, bởi thế các công ty Trung Quốc quan tâm hơn tới khu vực này".
Bắc Kinh đang tìm kiếm dầu mỏ, khí tự nhiên và các nguyên liệu thô khác để cung cấp cho hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, và chính phủ đang khuyến khích các công ty "ra ngoài" tìm cách tiếp cận các thị trường cũng như tích lũy kinh nghiệm quốc tế.
Trung Quốc đã trở thành nước sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết nước này có thể sẽ vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2014.
Giám đốc điều hành CNOOC, tập đoàn khai thác dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc, cho biết thỏa thuận mới nhất này sẽ cho phép Trung Quốc tiến vào một mỏ dầu khí "cực" sâu nữa. Ông Li Fanrong nói: "Điều này cũng phù hợp với triết lý của chúng tôi là tìm kiếm các đối tác để mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu".
Khu vực khai thác truyền thống của CNOOC là Biển Đông và Hoa Đông, song năm ngoái tập đoàn này đã mua lại công ty dầu khí Nexen của Canada với một hợp đồng trị giá 15 tỷ USD bất chấp sự phản đối của một số chính trị gia Canada. Cách đây gần 2 tháng, một hãng quốc gia khác của Trung Quốc đã mua cổ phần trị giá 3,1 tỷ USD của một công ty kinh doanh dầu khí tại Ai Cập bất chấp cuộc xung đột chính trị ở nước này.
Cuộc đấu thầu mỏ dầu Libra đã thu hút các công ty của một số nước, song trong đó không có Mỹ bởi nước này thấy có quá nhiều điều kiện ràng buộc, bao gồm cả sự can thiệp của chính phủ Brazil thông qua công ty Petrobras. Nhà phân tích Li Li không đánh giá cao khoảng cách địa lý gần gũi của mỏ Libra với Mỹ, song thừa nhận rằng có một cuộc cạnh tranh giành nguồn năng lượng. Bà nói: "Các công ty Trung Quốc có sự khởi đầu chậm, nên họ phải tìm các nguồn lợi mới khó định giá hơn".
Petrobras giữ 40% cổ phần ở mỏ dầu, còn tập đoàn dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell và tập đoàn Total của Pháp mỗi bên giành 20%.
Trung Quốc đã có những hoạt động kinh doanh đáng chú ý với Brazil, trở thành nhà nhập khẩu đậu tương chính của nước này. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 85,72 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2011, đưa Brazil trở thành đối tác lớn thứ 10 của Trung Quốc.
Đối với CNPC, nhà khai thác dầu khí lớn nhất Trung Quốc, hợp đồng mỏ khí Libra được ký kết vào lúc tập đoàn này đang là tâm điểm cuộc điều tra tham nhũng của chính phủ. Theo truyền thông nhà nước, cựu chủ tịch CNPC đang trong quá trình điều tra và đã bị bãi chức giám đốc của cơ quan giám sát các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Bốn giám đốc điều hành CNPC và công ty con PetroChina cũng đang bị điều tra. Tuy nhiên, tập đoàn này cho biết vụ việc này không ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh.
Thanh Tú