Kênh DW (Đức) cho biết nhiều công ty năng lượng Nga đã đề xuất tăng xuất khẩu đến Trung Quốc. Nga hiểu rằng nước này cần phải đa dạng thị trường bởi Liên minh châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moskva.
Cùng thời điểm, nhu cầu về khí đốt tại Trung Quốc đang tăng lên. Trung Quốc tìm đến khí đốt tự nhiên nhằm đạt mục tiêu đến năm 2060 cân bằng carbon. Trung Quốc đồng thời là nhà tiêu thụ khí đốt lớn nhất thế giới. Có tới 43% khí đốt tiêu thụ tại Trung Quốc là nhập khẩu trong đó gồm 89 tỷ mét khối khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Căng thẳng với hai nhà cung cấp khí đốt hàng đầu thế giới là Australia và Mỹ khiến khí đốt từ Nga trở nên thu hút hơn với Trung Quốc.
Lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm của châu Âu là 541 tỷ mét khối, nhiều hơn Trung Quốc vốn ở mức 331 tỷ mét khối. Tuy nhiên, Trung Quốc dự đoán đến năm 2030 nhu cầu tiêu thụ khí đốt hàng năm của nước này sẽ là 526 tỷ mét khối bởi Bắc Kinh đang giảm phụ thuộc vào than đá. Công ty tư vấn McKinsey ước tính nhu cầu khí đốt của Trung Quốc đến năm 2035 sẽ tăng gấp đôi và đến năm 2040 lượng tiêu thụ khí đốt thường niên của nước này vào khoảng 620 tỷ mét khối.
Nga hướng đến Trung Quốc
Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vào năm 2014 đã ký thỏa thuận 30 năm trị giá 400 tỷ USD xây dựng đường ống "Sức mạnh Siberia". Đây là đường ống có tổng cộng 3.000 km chiều dài trên lãnh thổ Nga nối với 5.000 km chiều dài trên lãnh thổ Trung Quốc.
Bà Anna Mikulska tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng thuộc Viện chính sách công Baker thuộc Đại học Rice (Mỹ) nhận định: “Thời điểm của thỏa thuận này không phải là vô tình mà diễn ra ngay sau lệnh trừng phạt các nước phương Tây áp đặt lên Nga kể từ khi Moskva sáp nhập Crime”.
Đường ống "Sức mạnh Siberia" đi vào hoạt động từ năm 2019 và dự kiến sẽ cung cấp cho Trung Quốc tỷ mét khối khí đốt mỗi năm khi đạt toàn bộ công suất vào 2025. Dự án "Sức mạnh Siberia" được coi là khá đặc biệt đối với Nga bởi chuyển khí đốt trực tiếp đến cho mỗi Trung Quốc thay vì nhiều quốc gia như trường hợp đường ống khí đốt đến EU.
Phó Giáo sư Chris Miller tại Đại học Tufts (Mỹ) phân tích: “Việc Nga tập trung vào xuất khẩu khí đốt đến Trung Quốc một phần bắt nguồn từ yếu tố địa lý và kinh tế, chính trị. Trung Quốc lên kế hoạch loại bỏ dần than đá do vậy sẽ cần tiêu thụ thêm khí đốt. Trong khi đó, Bắc Kinh lại lo lắng về việc phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt qua biển do lo ngại gián đoạn vì khủng hoảng”.
Trị giá đầu tư của Nga vào phát triển 2 mỏ khí tại Đông Siberia và đường ống đến Đông Bắc Trung Quốc ước tính vào khoảng 55 tỷ USD. Trung Quốc cam kết mua tới tỷ mét khối khí đốt mỗi năm dựa trên thỏa thuận về công thức giá đã được hai bên thống nhất.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng “bật đèn xanh” cho kế hoạch hướng tới thi công đường ống dẫn khí đốt thứ hai "Sức mạnh Siberia 2" dự kiến đưa khí đốt từ Bán đảo Yamal của Siberia đến Trung Quốc. "Sức mạnh Siberia 2" được cho có thể chuyển tới 50 tỷ mét khối khí đốt của Nga qua Mông Cổ đến Trung Quốc mỗi năm. Đường ống này sẽ chuyển khí đốt trực tiếp đến vùng Đông Bắc Trung Quốc vốn là nơi dân số đông đúc. Tuy nhiên, "Sức mạnh Siberia 2" dự kiến đi vào hoạt động từ 2030.
Phó Thủ tướng Mông Cổ Sainbuyan Amarsaikhan cho biết việc thi công "Sức mạnh Siberia 2" có thể bắt đầu từ năm 2024.
Bà Mikulska đánh giá: “Có ý kiến rằng khi giá dầu thấp hơn mức 60-70 USD/thùng, Nga có thể không thu được lợi nhuận từ số khí đốt bán cho Trung Quốc tuy nhiên điều này lại được chấp nhận bởi ‘Sức mạnh Siberia’ có thể coi như bước đầu và Moskva kỳ vọng thiện chí từ ‘Sức mạnh Siberia’ sẽ mang lại thỏa thuận về ‘Sức mạnh Siberia 2’. Tôi cho rằng Trung Quốc chưa có cam kết gì về ‘Sức mạnh Siberia2’”.
LNG và Con đường Tơ lụa địa cực
Nga đã mở rộng khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng qua cơ sở tại Yamal, nơi cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng đến châu Âu và châu Á.
Trung Quốc lại đặt mục tiêu phát triển Con đường Tơ lụa địa cực qua các kênh vận tải biển nhằm giảm thời gian 20 ngày trong vận chuyển hàng hóa đến châu Âu so với việc sử dụng tuyến đường qua Kênh đào Suez.
Công ty năng lượng Nga Novatek đã hoàn thành xây dựng cơ sở khí thiên nhiên hóa lỏng Yamal bất chấp trừng phạt từ Mỹ và châu Âu nhờ sự trợ giúp tài chính từ Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng nắm giữ 20% của dự án.
Nhưng nhà ngoại giao EU Albrecht Rothacher nhận định với DW: “Tham vọng và nhu cầu năng lượng của Nga cùng Trung Quốc không bao giờ khớp. Khí đốt cần cam kết lâu dài và xây dựng đường ống nhưng Moskva cùng Bắc Kinh sẽ không bao giờ thống nhất được giữa hai bên. Trong các đàm phán Trung Quốc rất khắc nghiệt về điều này”.
Bà Mikulska có cùng ý kiến: “Trung Quốc đã đứng ở vị trí chủ đạo ngay từ đầu và thực sự đã quyết định các điều khoản của mối quan hệ. Nga không thích điều này nhưng phải chấp nhận để tồn tại.