Vì sao Trung Quốc chủ trương xích lại Triều Tiên?

Nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày mất của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il ngày 17/12/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi một thông điệp đặc biệt đến Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của “quan hệ hữu nghị truyền thống” Trung – Triều và nói rằng Trung Quốc “sẵn sàng làm việc với Triều Tiên để duy trì, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống”.

Ngày 8/1, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đăng tải lời chúc mừng năm mới nhân dịp sinh nhật của Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên Kim Jong-un đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ Trung-Triều sẽ ngày càng phát triển hơn nữa dựa theo “Phương châm 16 chữ”.

Binh sĩ Triều Tiên đặt hoa tưởng niệm trước tượng chân dung cố Chủ tịch Kinh Nhật Thành và Nhà cố lãnh đạo Kim Jong Il ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Kyodo-TTXVN


“Phương châm 16 chữ” được cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il nhất trí hồi năm 2001 bao gồm “kế thừa truyền thống, định hướng tương lai, láng giềng hữu nghị, tăng cường hợp tác”. Phương châm này từng được coi là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ Triều-Trung, nhưng gần đây đã không còn được sử dụng trong các văn bản, công văn chính thức và công văn chúc mừng giữa hai nước.

Giới phân phân tích cho rằng các động thái trên của Trung Quốc cho thấy nước này sẽ tích cực hơn trong việc khôi phục quan hệ truyền thống với Triều Tiên trong thời gian tới, đặc biệt sau khi chứng kiến quan hệ giữa Triều Tiên và Nga trở lên nồng ấm trong năm 2014 vừa qua.

Bình luận về sự chuyển hướng của Trung Quốc trong quan hệ Trung – Triều, chuyên gia Sandip Kumar Mishra thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình và Xung đột của Ấn Độ mới đây đã có bài viết đăng trên Tạp chí Tin Tức và Phân tích Á – Âu cho rằng các động thái trên báo hiệu một sự khởi đầu mới rõ ràng hơn trong cách tiếp cận của chính quyền Trung Quốc đối với Triều Tiên.

Theo tác giả, trước hết có thể thấy thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình được chuyển đến Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh bởi Uỷ viên Thường vụ Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn – nhân vật đứng hàng thứ 5 trong ban lãnh đạo của Trung Quốc.

Thứ hai, đây là thông điệp cởi mở và thẳng thắn nhất mà Chủ tịch Trung Quốc dành cho quan hệ Trung – Triều kể từ khi ông lên nắm quyền vào đầu năm 2013. Thứ ba, nó được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày mất của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il, thời điểm mà theo truyền thống Khổng giáo đồng nghĩa với việc kết thúc thời gian để tang chính thức và bắt đầu thời đại lãnh đạo mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Thứ tư, thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình và thành phần đoàn đại biểu Trung Quốc tới thăm Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh là khá đặc biệt, xét trong bối cảnh Trung Quốc rõ ràng đã không nhận được lời mời chính thức từ phía Triều Tiên để tham dự lễ kỷ niệm chính thức tại Bình Nhưỡng.

Vì sao Trung Quốc không hài lòng với Triều Tiên?


Tác giả cho rằng quan hệ Trung – Triều đã trở lên lạnh nhạt trong những năm vừa qua. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên là lý do đầu tiên và quan trọng nhất khiến Bắc Kinh không hài lòng với Bình Nhưỡng, không chỉ vì Trung Quốc không muốn Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân mà sâu xa hơn, nó cung cấp cái cớ cho Mỹ có những phản ứng về mặt chiến lược trực tiếp đối với khu vực. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng có thể khiến Hàn Quốc và Nhật Bản có những bước đi để tương tự để trang bị hạt nhân cho mình.

Lý do thứ hai đó là Triều Tiên thiếu các biện pháp cải cách về kinh tế. Trung Quốc rõ ràng muốn Triều Tiên áp dụng mô hình cải cách của mình để giúp vực dậy và phát triển nền kinh tế đang rất khó khăn của nước này.

Trung Quốc được cho là đã khá thất vọng với lãnh đạo Triều Tiên, đặc biệt trong năm 2013. Vào tháng 2/2013, Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba và vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Trong tháng 3 và tháng 4/2013, Triều Tiên tiếp tục đẩy cao căng thẳng quân sự và có những lời đe dọa mạnh mẽ đối với Hàn Quốc và Mỹ khi hai nước này tiến hành cuộc tập trận quân sự chung thường niên.

Triều Tiên đã cắt đứt đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc và đóng cửa khu công nghiệp chung liên Triều tại Kaesong. Mặc dù được Trung Quốc thuyết phục song Triều Tiên tiếp tục đẩy cao căng thẳng đến độ Mỹ phải đưa các hệ thống vũ khí tấn công tối tân của mình đến khu vực và thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Guam.

Tháng 12/2013, Triều Tiên đã tiến hành vụ thanh trừng ông Jang Song Thaek, nhân vật quyền lực số 2 tại Bình Nhưỡng và được cho là người gần gũi nhất với Trung Quốc và là người ủng hộ cải cách. Vụ thanh trừng này này được cho là một tín hiệu rõ ràng nhất mà Triều Tiên gửi đến Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã cố gắng gây sức ép lên Triều Tiên bằng cách hợp tác với cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần ba, đồng thời tiến hành hai cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong khi không hề có bất kỳ chuyến thăm cấp cao nào của Trung Quốc đến Triều Tiên.

Lý do Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, có vẻ như gần đây Trung Quốc đã quyết định tiếp cận bất chấp việc Triều Tiên dường như không sẵn sàng thay đổi cách hành xử lâu nay của họ. Điều này xuất phát từ những lý do sau:

Một là, Trung Quốc đã bị thất vọng bởi việc Hàn Quốc dường như vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi chính sách coi Mỹ là đồng minh quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của mình mặc dù Trung Quốc đã làm mọi cách để lôi kéo nước này vào quỹ đạo.

Hai là, Mỹ - Nhật - Hàn gần đây đã ký hiệp định ba bên chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến các mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Trung Quốc đã chỉ trích động thái này và cho rằng cơ chế này cũng có thể được sử dụng để chia sẻ thông tin về Trung Quốc.

Toàn cảnh Hội nghị ngày 22/12/2014 tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) về Hồ sơ nhân quyền của Triều Tiên. Ảnh: AFP-TTXVN


Ba là, Trung Quốc không tìm thấy lý do hợp lý để trở thành một phần của cộng đồng quốc tế - đặc biệt là cùng với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản - mạnh mẽ lên án vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên. Với sự phủ quyết của Trung Quốc và Nga, vấn đề này không thể đi quá xa. 

Bốn là, trong năm vừa qua, Triều Tiên đã xích lại gần hơn với Nga. Tháng 12/2014, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên No Kwang Chol đã có chuyến thăm và gặp người đồng cấp Nga; Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong Hae cũng có cuộc gặp Tổng thống và Ngoại trưởng Nga đồng thời hai bên cam kết cải thiện quan hệ hợp tác song phương trên lĩnh vực kinh tế và quốc phòng.

Không những thế, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Moskva vào tháng 5/2015 nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít Đức.

Tác giả kết luận, tất cả những diễn biến trên đã khiến Trung Quốc xem xét lại chính sách của mình đối với Triều Tiên và có vẻ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm kiếm một sự khởi đầu mới trong quan hệ song phương với Triều Tiên. Trung Quốc đã thực hiện bước đi đầu tiên trong quá trình xích lại gần nhau giữa hai nước. Bây giờ là lúc chờ xem các phản ứng của Triều Tiên.


Phạm Duy (P/v TTXVN tại Seoul)


 Tại sao Triều Tiên thả hai công dân Mỹ?
Tại sao Triều Tiên thả hai công dân Mỹ?

Triều Tiên vừa thả tự do cho 2 công dân Mỹ bị bắt giữ mà không có một điều kiện nào. Triều Tiên có đạt được điều gì khi thả tự do cho họ? Mỹ đã hứa hẹn điều gì với Triều Tiên?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN