Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định vụ Canada bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu không liên quan gì tới cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không nghĩ đơn giản như vậy, nhất là khi Canada thực hiện việc bắt người theo đề nghị của Washington.
Tại Bắc Kinh, nhiều người cho rằng vụ việc trên không hề ngẫu nhiên, mà chính là bước đi mới nhất của Mỹ nhằm kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc với vị thế một siêu cường.
Hiện nay, về mặt công khai, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận “đình chiến thương mại” tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) ở Argentina ngày 1/12.
Tuy nhiên, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu đe dọa sẽ làm chệch hướng tiền trình đàm phán này, và quan trọng hơn, vụ việc cho thấy cuộc xung đột và đối đầu Mỹ-Trung đã vượt quá phạm vi thương mại. Đó là cuộc chiến khẳng định vị thế cường quốc và giành giật ảnh hưởng trên toàn cầu. Kết quả của cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ quyết định liệu Mỹ có còn là một siêu cường hay liệu Trung Quốc có trỗi dậy thành một đối trọng xứng tầm với Mỹ.
Nhiều chuyên gia cho rằng Washington giờ đây nhận ra việc việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã gây phương hại cho ngành sản xuất của Mỹ như thế nào và Trung Quốc cũng đang giàu mạnh lên nhanh chóng. Và cường quốc kinh tế Trung Quốc hiện đã phát triển tới điểm có thể đe dọa những ưu tiến quân sự chiến lược của Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới.
Trung Quốc khẳng định nước này trỗi dậy hòa bình, tôn trọng luật pháp và không thách thức ưu thế của Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố đó giờ đây có lẽ không còn thuyết phục được người Mỹ. Vụ căng thẳng liên quan tới Huawei là tảng băng nổi của cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ công nghệ.
Năng lực công nghệ
Một năm trước, Nhà Trắng xác định tiềm lực công nghệ ngày càng phát triển của Trung Quốc là một mối đe dọa đối với sức mạnh quân sự và kinh tế Mỹ. Các công ty Mỹ lâu nay vẫn than thở việc Trung Quốc ép họ phải chuyển giao tài sản trí tuệ và đôi khi là đánh cắp các bí mật thương mại-công nghệ. Đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump nhận định chiến lược “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) nhằm mục tiêu đưa Trung Quốc vượt Mỹ trở thành người lãnh đạo toàn cầu về công nghệ cao, từ hàng không vũ trụ cho tới công nghệ rô-bốt. Tất nhiên, Bắc Kinh không bao giờ thừa nhận điều này.
Huawei chính là hiện thân cho mối lo sợ đang ám ảnh Nhà Trắng. Đầu năm nay, Chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh ngăn chặn việc Broadcom Inc’s, công ty có trụ sở ở Singapore mua lại Qualcomm, nhà sản xuất chip di động hàng đầu có trụ sở tại bang Delaware, vì lý do an ninh quốc gia. Nguyên nhân là Washington lo ngại Huawei sẽ thống trị thị trường con chíp máy vi tính và công nghệ không dây, đặc biệt là công nghệ 5G.
Lo ngại bị Trung Quốc qua mặt về công nghệ, Mỹ đã đi đến quyết định cấm cửa các cơ quan chính phủ sử dụng sản phẩm Huawei, đồng thời hối thúc các nước đồng minh như Australia, Japan và New Zealand có hành động tương tự.
Ông Michael Shoebridge, Giám đốc phụ trách Chương trình chiến lước và phòng thủ tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, đánh giá: “Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc thật sự nổi cộm trong những khu vực chiến lược tương lai và ưu thế kinh tế”.
Vành đai, Con đường
Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của nước này nhằm đầu tư các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng trên toàn cầu là “dự án của thế kỷ”. Điều này có lẽ đã khiến Nhà Trắng “nóng mắt”.
Hãng Morgan Stanley ước tính sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc có thể cho vay tới 1.300 tỷ USD từ này tới năm 2027. Trong bối cảnh tâm lý quan ngại đang gia tăng ở châu Á, từ Malaysia cho tới Maldives, ông Tập Cận Bình đã phải lên tiếng. Tháng trước, tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định BRI không phải là một “bẫy nợ” như nhiều người đang cáo buộc.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn đề cao cảnh giác. Washington thời gian gần đây đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước thực trạng các nước nghèo trở thành người bị phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc. Lầu Năm Góc còn lo sợ Trung Quốc sử dụng các hải cảng ở nhiều nơi trên thế giới để hỗ trợ sự phát triển của Hải quân nước này.
Với kế hoạch "Made in China 2025” và chiến lược trở thành "cường quốc đại dương", Trung Quốc dường như không còn giấu giếm tham vọng xưng hung nữa. Tiềm lực kinh tế, ngân sách quốc phòng, lực lượng không quân, hải quân của Trung Quốc tăng mạnh mỗi năm và ngày càng tự tin đối đầu với Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và bắt đầu ở một số khu vực khác trên thế giới.
Giáo sư François Godement, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Quốc tế của Thượng viện Pháp, phân tích: "Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bỏ chiến lược 'giấu mình chờ thời' của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, đưa Trung Quốc trỗi dậy trên mọi lĩnh vực và vươn ra tầm thế giới. Điều này đang khiến Mỹ hoang mang. Đã qua rồi thời kỳ thế giới chỉ có duy nhất 1 siêu cường với nền kinh tế thị trường hùng mạnh và sức mạnh quân sự áp đảo – đó là Mỹ.
Ngày nay, thế giới xuất hiện thêm một nước Trung Quốc có tiềm lực hùng mạnh không kém, có tham vọng làm lãnh đạo thế giới từ công nghệ cho đến thương mại. Đó là một nước Trung Quốc chủ trương bảo hộ thị trường và đang cạnh tranh ngang tầm với Mỹ trong một số lĩnh vực. Và đó là điều khiến cuộc chiến giữa hai “người khổng lồ” này sẽ còn nhiều gay cấn.