Trong bối cảnh ấy, chủ đề “Tôi đang và Tôi sẽ” của Ngày Thế giới phòng chống ung thư giai đoạn 2019-2021, cũng là lời kêu gọi hành động từ mọi tầng lớp trong xã hội để giúp tăng cường nhận thức, giúp phòng và điều trị sớm căn bệnh ung thư, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong báo cáo, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO Ren Minghui cho rằng con số dự báo tăng 81% số ca mắc ung thư tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2040 là lời cảnh tỉnh toàn thế giới về tình trạng bất bình đẳng "không thể chấp nhận được" giữa các nước giàu và các nước nghèo trong phòng ngừa, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư. Ông cho rằng nếu người dân có cơ hội tiếp cận rộng rãi các hệ thống khám sàng lọc và chăm sóc cơ bản, việc mắc ung thư có thể được phát hiện sớm, qua đó nâng cao hiệu quả điều trị và ung thư sẽ không đồng nghĩa với "án tử" ở các nước nghèo.
Theo các chuyên gia y tế, chất lượng điều trị tốt hơn ở các quốc gia có thu nhập cao góp phần giảm đến 20% số ca tử vong do ung thư tại nhóm các nước này trong giai đoạn 2000-2015. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với nhóm các quốc gia nghèo chỉ ở mức 5%. Báo cáo nhấn mạnh quan niệm coi ung thư là căn bệnh của các nước giàu là một sai lầm.
Cảnh báo của WHO đã phản ánh yêu cầu phải thay đổi nhận thức và hành động trong cuộc chiến phòng chống căn bệnh ung thư toàn cầu. Báo cáo nhấn mạnh khoản đầu tư 25 tỷ USD trong thập niên tới có thể cứu sống khoảng 7 triệu người trên thế giới khỏi căn bệnh này.
Ngày Thế giới phòng chống ung thư được đề xuất 20 năm trước nhân Hội nghị thế giới về chống ung thư cho Thiên niên kỷ mới ở Paris (Pháp). Hội nghị này được khởi xướng với quyết tâm không để thách thức toàn cầu về chống ung thư bị lãng quên trong thế kỷ mới. Hiến chương Paris được thông qua ngày 4/2/2000 tại hội nghị đã đặt mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, ngăn ngừa ung thư, cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, nâng cao hiểu biết và huy động cộng đồng quốc tế đạt được tiến bộ trong việc chống lại ung thư, làm giảm đáng kể số ca mắc và tử vong do ung thư vào năm 2020.
Hiến chương đã được các tổ chức ung thư quốc tế trên khắp thế giới thông qua. Dưới sự bảo hộ của Liên minh Kiểm soát ung thư quốc tế từ năm 2006, Ngày Thế giới phòng chống ung thư đã phát triển thành một phong trào tích cực để mọi người, ở khắp mọi nơi cùng nhau đoàn kết dưới một tiếng nói, xây dựng một liên minh chống lại “nỗi sợ hãi và thờ ơ” trước căn bệnh chết người này.
Kể từ khi có Ngày Thế giới phòng chống ung thư, nhân loại đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong nhiều lĩnh vực liên quan vấn đề này, từ ý chí chính trị gia tăng, tiến bộ công nghệ, đột phá nghiên cứu và nhận thức lớn hơn về căn bệnh. Tuy nhiên, năm 2019, WHO đã quyết định đưa các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả ung thư, vào nhóm 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng. Điều này cho thấy thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm trước mối đe dọa từ ung thư.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư trên thế giới đang có xu hướng tăng nhanh và đáng báo động. Theo số liệu của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế GLOBOCAN 2018, mỗi năm trên thế giới có khoảng 18,1 triệu ca mắc mới ung thư và 9,6 ca bệnh nhân ung thư tử vong. Dự báo năm 2025 tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó bệnh nhân phần lớn ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng ước tính ít nhất một phần ba các trường hợp mắc ung thư có thể được ngăn ngừa nếu có hiểu biết, 3,7 triệu người có thể cứu chữa thông qua việc áp dụng các chiến lược phù hợp để phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, chung tay góp sức tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với căn bệnh nguy hiểm này luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong đó bao gồm các vấn đề như: Nhận thức, hiểu biết và thông tin sai lệch; Phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro; Công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ ung thư; Hành động của chính phủ và trách nhiệm giải trình; Tác động về tinh thần và cảm xúc; Tác động tài chính đối với các quốc gia, cá nhân và gia đình; Giảm khoảng cách kỹ năng; Làm việc cùng nhau.
Nhiều hoạt động có ý nghĩa đã được tổ chức trên khắp thế giới vào ngày 4/2 hằng năm để thúc đẩy thông điệp này. Tại Bỉ, các bệnh nhân và các nhà nghiên cứu ung thư đã thắp nến trên cầu thang của tòa nhà quốc hội để nhắc nhớ về những người đang phải chịu đựng căn bệnh cũng như những người đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này. Tại Anh, hàng chục nghìn người tham gia hoạt động chạy trên đường phố London để quyên góp 750.000 bảng cho Viện Nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh.
Một chiến dịch quyên góp tóc, cùng với một buổi đạp xe và vui chơi do Quỹ Ung thư Indonesia tổ chức đã thu hút hơn 2.000 người tham gia để gây quỹ và nâng cao hiểu biết về căn bệnh. Với mục tiêu tương tự, Hiệp hội cứu trợ ung thư Nepal đã tổ chức một cuộc diễu hành xe máy kéo dài 250km từ Kathmandu đến Pokhara. Các xe tham gia đều treo bên ngoài các khẩu hiệu và thông điệp về phòng chống ung thư.
Năm 2020 đánh dấu 20 năm Ngày Thế giới phòng chống ung thư. Đây sẽ là một năm thúc đẩy hành động nhằm đẩy nhanh việc giảm tỷ lệ tử vong do ung thư và để đạt được mục tiêu tiếp cận bình đẳng đối với việc chăm sóc và điều trị ung thư cho tất cả mọi người.