Sau 50 ngày xung đột làm hàng nghìn người dân Palestine thiệt mạng, Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đã chính thức ký một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian của Ai Cập. Rõ ràng không thể xem nhẹ thành công về mặt chiến thuật của Israel trước Hamas, nhưng Tel Aviv đã không có được chiến thắng tương tự về mặt chiến lược. Nhìn lại lý thuyết về chiến tranh của nhà lý luận quân sự nổi tiếng của Phổ Carl von Clausewitz: chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị bằng các phương tiện khác, nhằm tổ chức lại chính trị theo cách có lợi cho bên chiến thắng và bất lợi cho kẻ chiến bại. Nhưng dường như Israel đã không có được tầm nhìn rõ ràng cho điều này. Dù cách thức chấm dứt xung đột giữa Hamas và Israel là như thế nào, có một thực tế đó là: Israel có thể tuyên bố giành một chiến thắng về mặt kỹ chiến thuật nhưng dường như lại chịu một thất bại chiến lược.
Thắng nhiều trận đánh, thua cả cuộc chiến
Trước hết, ở mặt chiến thuật, sự thành công của hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) và Trophy đã giúp thương vong của Israel gần như bằng không trong khi đối đầu với Hamas. Đồng thời, hệ thống này cũng giảm đáng kể thiệt hại vật chất do các vụ phóng tên lửa bắn đi từ Dải Gaza.
Các tay súng Hamas trong cuộc đối đầu với Israel năm 2014. |
Cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Dải Gaza cũng đạt được những kết quả rõ rệt. Các lực lượng của Tel Aviv đã phát hiện và phá hủy một số đường hầm của Hamas, trong đó có một số được sử dụng để triển khai hoạt động vào lãnh thổ của Israel và một số khác giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, đạn dược và để các chiến binh Hamas cơ động tại Dải Gaza.
Những thành công về mặt chiến thuật này là không thể phủ nhận, nhưng về mặt chiến lược, Israel không có được thành công như vậy.
Nhớ lại hồi tháng 10/1973, Israel cũng từng tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc xung đột tại Trung Đông nhưng thực tế lại không phải vậy. Israel tuyên bố thắng lợi vì các lực lượng của họ đã chấm dứt cuộc chiến bên vùng phía Tây của Kênh đào Suez với Ai Cập, song một phần lực lượng Ai Cập lại đang bao vây phía sau họ.
Và trong cuộc chiến năm đó, chính Ai Cập mới là phía có được chiến thắng chiến lược trước Israel. Bởi lẽ mục tiêu của Tổng thống Ai Cập Anwar al-Sadat trong cuộc chiến 1973 là nắm và giữ một số vùng lãnh thổ hòng phá vỡ thế bế tắc của các cuộc đàm phán và cuối cùng, khôi phục quyền kiểm soát Bán đảo Sinai cho Ai Cập. Tổng thống Sadat đã đạt được mục tiêu này.
Trở lại cuộc xung đột leo thang vừa qua, việc con số thương vong của Israel ở mức thấp khiến nhiều người nghĩ rằng Hamas đã thua. Nhưng suy nghĩ như vậy là một sai lầm của người Israel, tiêu diệt được nhiều người Israel có thể là một điều mà Hamas rất mong muốn nhưng đó không phải là định nghĩa chiến thắng về mặt chiến lược của phong trào Hồi giáo này.
Mục tiêu chiến lược của Hamas là phá vỡ cảm giác về trạng thái bình thường của Israel. Đó là thứ duy nhất có thể giúp Israel tồn tại như một nền dân chủ thịnh vượng trong điều kiện bị bao vây bởi các cuộc xung đột thường xuyên, khi mà các công dân của họ duy trì ảo tưởng rằng cuộc sống của họ gần giống với những công dân tại London, Paris hay New York. Ảo tưởng này bị sụp đổ sẽ gây ra một số hậu quả không mong muốn cho Israel.
Trước tiên, mất hy vọng về khả năng có hòa bình, một số ít người Do Thái Israel có thể quyết định di cư. Một khả năng lớn hơn đó là sự bất đồng về cách thức giải quyết vấn đề với người Palestine sẽ trở nên sâu sắc hơn, gieo rắc sự bất hòa trong xã hội Israel, làm xói mòn câu chuyện dựa trên tính chính đáng của Chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Sự liên kết xung quanh câu chuyện đã trở thành huyền thoại này từ lâu là động lực chính của những hy sinh và nguy hiểm mà người dân Israel thường xuyên phải đối mặt. Trong đó phải kể đến chế độ quân dịch bắt buộc, kéo dài mà đa số người Do Thái Israel phải tuân theo. Mặc dù, những rạn nứt nội bộ này không khiến Israel sụp đổ, nhưng bất kỳ sự xói mòn quyền lực nào của Tel Aviv, trong đó có sức mạnh ý chí của người Do Thái, cũng đều là thắng lợi cho Hamas.
Sự trở lại của HamasLâu nay, Israel luôn tìm cách ngăn cản sự bành trướng ảnh hưởng của các tổ chức kháng chiến Hồi giáo mà họ xác định là những kẻ địch không đội trời chung. Nhớ lại Phong trào Intifada lần thứ nhất (1987 – 1993) đã kéo theo sự suy yếu của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và sự nổi lên của các tổ chức chiến binh nguy hiểm như Hamas và phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine.
Sự đe dọa của những tổ chức Hồi giáo này đã khiến các nhà lãnh đạo Israel Yitzhak Rabin và Shimon Peres ủng hộ lãnh tụ PLO Yasir Arafat. Kết quả là hai bên đã ký kết hiệp định hòa bình Oslo, vốn được xem như là một dấu chấm hết cho Hamas.
Trước đây, các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào các thành phố biên giới của Israel không ngăn được người dân nước này thực hiện công việc bình thường của họ. Tuy nhiên, vòng xoáy bạo lực mới nhất năm 2014 đã gây ra nhiều phiến toái cho người dân khi các quả rốckét phóng đi từ Gaza đã làm gián đoạn hoạt động tại tất cả các thành phố lớn của Israel như Tel Aviv, Jerusalem, Haifa, Beer Sheva.
Các quả rốckét này không khiến bất kỳ ai thiệt mạng nhưng họ khiến họ mất cảm giác về sự yên bình. Như vậy là đủ để Hamas có thể tuyên bố chiến thắng.
Nhưng phong trào này còn làm được nhiều hơn thế. Trước hết, con số thương vong tại Israel và Gaza đã biến Chính quyền Tel Aviv trở thành kẻ xâm lược trong con mắt của Phương Tây, dù rằng Hamas là bên nổ súng trước trong cuộc xung đột này. Hai là, chính mức độ hiệu quả của hệ thống Vòm Sắt lại phản tác dụng về mặt tâm lý đối với dư luận thế giới.
Ngay cả các bạn bè của Israel cũng thấy rằng trong khi các tên lửa của Hamas không chạm được tới Israel và máu chỉ chảy trên đất Palestine là điều không công bằng.
Nhưng chiến tranh không phải là một trò chơi công bằng mà là vấn đề phải đạt được các mục tiêu chiến lược. Ở khía cạnh này, Hamas đã giành được thắng lợi. Họ đã tạo một áp lực tâm lý nặng nề lên người Israel ngay cả khi họ không thể tiêu diệt được đối phương. Kết quả là Hamas có được một lệnh ngừng bắn vô thời hạn và Israel sẽ nới lỏng kiểm soát hai cửa khẩu với Gaza.
Ngoài ra, thỏa thuận mới ký kết với Israel cũng đề cập tới việc hai bên sẽ thảo luận về việc chấm dứt phong tỏa Dải Gaza kéo dài suốt 8 năm qua. Như vậy, Hamas đã trở lại với tư cách là một bên then chốt trong việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài tại Trung Đông.
Thái Nguyễn