Ban đầu, hình thức biểu hiện lợi nhuận có được thông thường là tiền, nhưng sau các giai đoạn chuyển đổi để hợp pháp hoá đã có các hình thức biểu hiện khác như: ngân phiếu, thẻ tín dụng, bất động sản...
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, những đồng tiền “bẩn” thường có được từ nguồn tiền từ những lao động bất hợp pháp như: Buôn lậu, mua bán chất ma túy, vũ khí và các loại hàng hoá bị cấm mua bán, trao đổi; tiền của các tổ chức tội phạm có được do làm tiền giả, tống tiền, tổ chức đánh bạc; nguồn tiền tham nhũng từ nhận hối lộ, tham ô của các viên chức Nhà nước hoặc do lợi dụng chức vụ, địa vị trong bộ máy Nhà nước mà có như lợi dụng việc biết trước các thông tin về chủ trương, chính sách, quy hoạch... để trục lợi.
“Ngoài ra nguồn tiền ‘bẩn’ có được do trốn thuế dù thu nhập là hợp pháp. Song, vì ‘bẩn’ nên không thể trực tiếp đưa vào lưu thông, không thể sử dụng ngay được mà nó phải được ‘rửa sạch’ thông qua rất nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau”, ông Nguyễn Anh Thơm nói.
Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư Pháp có nêu: Theo nghĩa thông thường, hành vi rửa tiền được coi là “hành vi biến đổi các khoản thu nhập nhằm che đậy nguồn gốc phi pháp nguyên thủy của chúng” (theo định nghĩa của FATF - Financial Aciton Task Force on Money Laundering - Đội đặc nhiệm chống rửa tiền quốc tế). Rửa tiền là hành vi rất nguy hiểm. Nó không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế mà còn có những ảnh hưởng đến an ninh từng quốc gia, tác động nghiêm trọng đến sự trong sạch và hoàn chỉnh của hệ thống tài chính toàn thế giới.
Hành vi rửa tiền được xem là một tội phạm “không biên giới”, một loại tội phạm quốc tế điển hình vì hành vi này mang 2 đặc trưng chính:
+ Có thể xảy ra từ khi bắt đầu đến kết thúc liên quan đến nhiều quốc gia.
+ Muốn chống lại hành vi rửa tiền hiệu quả, phải có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa các quốc gia.
Theo ý kiến một số chuyên gia ngân hàng, hoạt động rửa tiền có thể trải qua 3 bước: Nhận các khoản tiền từ các hành vi thực hiện tội phạm; hợp pháp hóa tiền bằng nhiều cách thức khác nhau; sử dụng công khai các khoản tiền đã được làm “sạch”.
Thậm chí sau bước thứ ba, từ việc sử dụng các khoản tiền đã được làm “sạch” đó, các tổ chức tội phạm quốc tế lại tiếp tục cung cấp tài chính cho tổ chức tội phạm thế giới, như buôn bán vũ khí, ma túy, khủng bố, hối lộ… hoặc lũng đoạn cả nền kinh tế, chính trị của quốc gia. Vì thế toàn bộ quá trình rửa tiền (dù có lúc bí mật, có lúc công khai) luôn khép kín trong một vòng tròn lợi nhuận phi pháp.
Thực tế, tội phạm rửa tiền không phải là loại tội phạm mới tại Việt Nam nhưng việc điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến chứng cứ chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Ví dụ cách đây nhiều năm: Vụ án Giang Kim Đạt tại Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) là điển hình của vấn đề rửa tiền. Theo đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự (BLHS), đối với: Trần Văn Liêm – nguyên Tổng Giám đốc Vinashin Lines; Giang Kim Đạt – nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashin Lines; Trần Văn Khương – nguyên Kế toán trưởng Vinashin Lines. Đồng thời, các bị cáo Giang Kim Đạt và Giang Văn Hiển (bố đẻ Đạt) còn bị kết tội “Rửa tiền”quy định tại Điều 251 BLHS.
Từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, Trần Văn Liêm cùng đồng phạm đã tham ô, rửa tiền gần 16 triệu USD. Đây là số tiền mà Trần Văn Liêm cùng với Giang Kim Đạt đã kê khống nhằm thu lợi cá nhân thông qua hoạt động thuê, mua tàu của các công ty nước ngoài. Để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển đứng tên tài khoản để nhận số tiền này, sau đó rút ra để mua các tài sản có giá trị nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp.
Điểm đáng chú ý của vụ án này, cùng một lúc các cơ quan tiến hành tố tụng, tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tội “Tham ô tài sản” và tội “Rửa tiền” đối với bị cáo Giang Kim Đạt, đây là điều mà trước đó rất ít khi được áp dụng trong thực tiễn xét xử, cho lọai tội phạm này.