Kết quả kiểm tra của Sở cùng các cơ quan chức năng xác định Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lê Văn Oai Lâm Đồng (được cấp phép khai thác cát trên sông Đa Nhim, đoạn qua xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) đã có nhiều vi phạm trong hoạt động khai thác. Cụ thể, doanh nghiệp không xây dựng hồ lắng, xả thẳng nước thải sau bơm hút cát ra sông Đa Nhim ngay bãi tập kết (trong khi nội dung đã cam kết, được thẩm định phê duyệt là phải có hồ lắng); công ty chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; chưa lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu; chưa lắp đặt bảng thông báo, công khai các thông tin về khu vực khai thác theo giấy phép được cấp.
Đối với hiện tượng nguồn nước sông Đa Nhim bị đục, báo cáo này nêu rõ tại thời điểm kiểm tra ngày 8/4/2021, công ty không hoạt động khai thác, quan sát bằng mắt thường cho thấy nước sông không bị đục, dòng chảy ít nước. Đập ngăn nước (bằng đất) trên sông Đa Nhim đã được doanh nghiệp dỡ bỏ bờ chắn, khơi thông dòng chảy. Tại thời điểm kiểm tra không có hiện tượng sạt lở bờ sông ở khu vực vị trí cấp phép khai thác. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế của phóng viên vào ngày 3/4, đã xuất hiện những điểm sạt lở nhỏ dọc hai bờ sông.
Qua kết quả kiểm tra, xác minh này, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lê Văn Oai Lâm Đồng tạm dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản cho đến khi khắc phục, hoàn thành xong các tồn tại, vi phạm; đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường và pháp luật có liên quan.
Trước đó, trong các ngày 4/4 và 6/4, TTXVN đã có thông tin phản ánh về việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lê Văn Oai Lâm Đồng (trụ sở tại huyện Đơn Dương) đã tự ý đắp đập, chặn dòng để phục vụ việc khai thác cát trên sông Đa Nhim, đoạn qua xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương. Tại bãi tập kết cát của đơn vị này, nước thải chưa được xử lý được xả thẳng ra sông Đa Nhim, khiến nước sông đục ngầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, tưới tiêu của hàng chục hộ dân hai bên bờ sông.