Quân đội Mỹ đang mất đi khả năng công nghệ vượt trội của mình? Trong thập kỷ tới, sự vươn lên của các cường quốc mới nổi cùng với việc phổ cập những tiến bộ công nghệ tiên tiến trên toàn cầu sẽ đặt ra thách thức đối với sự thống trị công nghệ của Mỹ trong lĩnh vực quân sự.
Những tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay đang góp phần làm thay đổi đường nét cơ bản của cuộc chơi công nghệ - quân sự, trong đó có sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ không người lái và hệ thống robot, cùng với đó là sự mở rộng các ngành sản xuất phụ kiện hướng tới mở ra một cuộc cách mạng công nghiệp mới, dẫn đến việc thay đổi cán cân trong lĩnh vực quân sự chủ chốt.
Kết quả là, trong thập kỷ tới có thể sẽ có một sự đột phá lớn kể từ đầu thập niên 80. Sự thống trị về công nghệ đã được xác định trong chiến lược quân sự của Mỹ kể từ cuối Thế chiến II. Cuộc chiến nhằm thống trị công nghệ đã thực sự là một cuộc cạnh tranh lớn trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Sự lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vào các loại vũ khí công nghệ tiên tiến đã góp phần vào sự thống trị công nghệ của Mỹ.
Các thế hệ nhà phân tích quốc phòng, hoạch định chính sách Mỹ đã tin rằng Washington sẽ luôn luôn thừa hưởng những thành quả công nghệ vượt trội hơn các đối thủ khác. Tuy nhiên, sự thống trị này đến nay là rất mong manh vì 3 lý do quan trọng.
Đầu tiên, không giống như thời kỳ ngay sau Chiến tranh Lạnh kết thúc, ngày nay có một thực tế là các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này trên thế giới gần như là có cơ hội ngang bằng nhau do đều dễ dàng sở hữu những công nghệ tinh vi nhất.
Thứ hai, về nền tảng công nghiệp - quân sự, hiện nay khó có thể kích thích một cuộc đổi mới công nghệ so với lĩnh vực thương mại tại Mỹ và nếu không có một nỗ lực phối hợp chung thúc đẩy một cuộc cách mạng kinh tế để giải quyết những thách thức quân sự trong tương lai, lợi thế công nghệ của Mỹ có nguy cơ bị hao mòn.
Cuối cùng, chi phí quốc phòng để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và hiện đại hóa có thể sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới vì một loạt các lý do, bao gồm cả tác động của Đạo luật kiểm soát ngân sách năm 2011 và việc miễn cưỡng trong giải quyết vấn đề tăng chi phí không ổn định của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Hiện nay, một số lĩnh vực công nghệ đang nổi lên có khả năng làm thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực giữa các đối thủ cạnh tranh và do đó có thể dẫn đến việc làm giảm sự thống trị công nghệ của Mỹ, ví dụ như vũ khí năng lượng định hướng (Directed Energy Weapon-DEW).
DEW có hai dạng: dạng chùm tia được sử dụng làm vũ khí phòng thủ chống tên lửa, chống vũ khí vũ trụ, vệ tinh quân sự; hiện đang được nghiên cứu làm vũ khí tấn công trên bộ, trên biển và trên mặt đất. DEW dạng chùm hạt là loại vũ khí siêu dẫn, dựa trên nguyên tắc sử dụng các hạt năng lượng cao (hạt tích điện như electron, proton hay nguyên tử trung hòa…). Chùm hạt được phát ra, hội tụ và hướng tới mục tiêu thành chùm xung mạnh, có tác dụng gây hỏng thiết bị điện tử của mục tiêu và gây nổ lượng nổ của đạn dược.
Hệ thống vũ khí tia laser của Mỹ. Ảnh: Dailymail. |
Về hiệu quả, DEW dạng chùm hạt tương tự như DEW dạng chùm tia, nhưng có thể tác động trong mọi điều kiện thời tiết và có độ tin cậy tiêu diệt mục tiêu cao hơn.
Những công nghệ này có thể thay đổi bản chất về mặt chiến lược trong cuộc đua công nghệ quân sự. Những công nghệ làm thay đổi cuộc chơi có thể dẫn đến thay đổi mối quan hệ giữa chiều hướng của cuộc tấn công và phòng thủ trong một cuộc xung đột quân sự. Đặc biệt, vũ khí năng lượng định hướng có thể dễ dàng đánh chặn các vũ khí dẫn đường chính xác.