Nhiều câu hỏi về thỏa thuận AUKUS trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump

Thỏa thuận AUKUS cho phép Mỹ chia sẻ công nghệ hiện đại để giúp Australia và Anh chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump chưa từng công khai ý kiến về thỏa thuận này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại cuộc họp báo chung ở căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, California, Mỹ ngày 13/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Thỏa thuận quốc phòng AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia, trị giá 369 tỷ USD, được xem là bước ngoặt quan trọng trong hợp tác an ninh ba bên. Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể đối mặt nguy cơ bị xáo trộn khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm tới.

Thỏa thuận AUKUS cho phép Mỹ chia sẻ công nghệ hiện đại để giúp Australia và Anh chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, ông Trump chưa từng công khai ý kiến về thỏa thuận này. Điều đó khiến London và Canberra lo lắng rằng, với phương châm "Nước Mỹ trên hết", ông có thể tìm cách đàm phán lại hoặc thay đổi mốc thời gian thực hiện.

Một phần nguyên nhân là thỏa thuận này yêu cầu Mỹ tạm thời bán từ 3-5 tàu ngầm tấn công lớp Virginia, những chiếc tốt nhất trong hạm đội Hải quân Mỹ, cho Australia vào đầu những năm 2030. Điều này có thể làm giảm năng lực hải quân Mỹ, điều mà ông Trump và nhiều chính trị gia đảng Cộng hòa cho rằng mâu thuẫn với lợi ích quốc gia.

Thỏa thuận AUKUS được xem như một cách đối phó chiến lược với Trung Quốc, khi đưa tàu ngầm hạt nhân hiện đại đến gần khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dù cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson vào tháng 9/2021 từng khẳng định rằng thỏa thuận "không nhằm gây bất lợi cho Trung Quốc", nhưng Bắc Kinh coi đây là hành động kích động Chiến tranh Lạnh mới.

Mỹ hiện đang đối mặt với khủng hoảng công nghiệp quốc phòng khi không thể sản xuất đủ tàu ngầm và vũ khí để đáp ứng nhu cầu trong nước. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng nếu ông Trump ưu tiên năng lực quân sự Mỹ, ông có thể trì hoãn hoặc hủy bỏ việc cung cấp tàu ngầm cho Australia.

Ông Alexander Gray, từng giữ vai trò trợ lý an ninh tại Nhà Trắng nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhận định với Politico: "Nếu hiểu đúng khẩu hiệu Nước Mỹ trên hết, không nên ngạc nhiên khi Mỹ ưu tiên tự đáp ứng nhu cầu quân sự hơn là hỗ trợ đồng minh".

Mặc dù còn nhiều lo ngại, một số dấu hiệu tích cực đã xuất hiện. Ông Trump đề cử hai nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc bao gồm ông Marco Rubio giữ vị trí Ngoại trưởng và ông Mike Waltz, giữ vị trí cố vấn An ninh quốc gia, hai vị trí quan trọng trong chính quyền. Cả hai đều từng ủng hộ AUKUS và hiểu rõ sự ủng hộ lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ dành cho thỏa thuận này.

Ông Waltz gần đây cũng ca ngợi AUKUS trong một bài viết, mô tả đây là "bước đi tích cực" trong chính sách đối phó Trung Quốc. Điều này mở ra hy vọng rằng ông Trump sẽ tiếp tục triển khai thỏa thuận này.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo ông Trump không phá vỡ AUKUS, Anh và Australia cần tìm cách "cá nhân hóa" thành công của thỏa thuận, khiến ông cảm thấy mình là người giành chiến thắng. Đồng thời, cần chứng minh rằng AUKUS không chỉ phục vụ lợi ích toàn cầu mà còn mang lại giá trị ngắn hạn và lâu dài cho Mỹ.

Ông Sophia Gaston, chuyên gia tại viện ASPI ở Canberra, nhấn mạnh: "Anh và Australia cần sử dụng ngôn ngữ chiến thuật, chiến lược hơn để chứng minh AUKUS là lợi ích của Mỹ".

Trong khi phần tàu ngầm của AUKUS nhận được nhiều sự chú ý, Trụ cột II là hợp tác công nghệ quốc phòng như trí tuệ nhân tạo, tên lửa siêu âm… vẫn tiến triển chậm. Tham vọng kết nạp Nhật Bản vào quan hệ đối tác Trụ cột II trong năm nay cũng không thành hiện thực.

Trong khi đó, dường như đã có một bước tiến khi chính quyền của ông Joe Biden đưa ra đạo luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán công nghệ nhạy cảm giữa ba quốc gia vào đầu mùa hè vừa qua.

Nhưng trong khi Anh gọi đây là "bước đột phá lịch sử", Thượng nghị sĩ Jim Risch ủng hộ ông Trump, đảng viên Cộng hòa cấp cao nhất tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, phàn nàn rằng thỏa thuận "quá hạn chế".

Tuy nhiên, một số chuyên gia kỳ vọng ông Trump có thể chuyển một phần ngân sách từ Trụ cột I sang Trụ cột II để mang lại lợi ích nhanh hơn.

Ông Bryan Clark từ Viện Hudson dự đoán: "Các doanh nhân công nghệ trong chính quyền của ông Trump có thể thúc đẩy đầu tư vào các dự án công nghệ hiện đại".

Tương lai của AUKUS dưới thời ông Trump vẫn là một ẩn số lớn. Tuy nhiên, với tầm quan trọng chiến lược và sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh cũng như lưỡng đảng Mỹ, nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ được duy trì, dù có thể phải điều chỉnh để phù hợp hơn với ưu tiên "Nước Mỹ trên hết" của vị chủ nhân thứ 47 của Nhà Trắng. 

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Politico)
AUKUS tăng tốc phát triển vũ khí siêu thanh
AUKUS tăng tốc phát triển vũ khí siêu thanh

Sáng kiến mới mang tên HyFliTE được triển khai theo trụ cột II (Pillar II) của AUKUS, tập trung vào chia sẻ công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ siêu thanh giữa ba quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN