AUKUS tăng tốc phát triển vũ khí siêu thanh

Sáng kiến mới mang tên HyFliTE được triển khai theo trụ cột II (Pillar II) của AUKUS, tập trung vào chia sẻ công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ siêu thanh giữa ba quốc gia.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tổ chức cuộc họp AUKUS tại London, ngày 26/9/2024. Ảnh: Getty Images

Liên minh ba bên AUKUS (Mỹ, Anh, Australia) vừa công bố sáng kiến tăng tốc thử nghiệm và triển khai tên lửa siêu thanh cùng các công nghệ liên quan, thể hiện cam kết hợp tác sâu rộng để duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực quốc phòng công nghệ cao.

Ngày 18/11, Lầu Năm góc, Bộ quốc phòng Australia và Bộ quốc phòng Anh đồng thời ra tuyên bố công bố sáng kiến mới mang tên HyFliTE (Hypersonic flight test and experimentation) được triển khai theo trụ cột II (Pillar II) của AUKUS, tập trung vào chia sẻ công nghệ tiên tiến giữa ba quốc gia. Theo kế hoạch, sẽ có sáu đợt thử nghiệm chung được thực hiện trước năm 2028, với tổng ngân sách 252 triệu USD.

Bà Heidi Shyu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật, cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường khả năng phát triển và cung cấp công nghệ siêu thanh cả tấn công lẫn phòng thủ thông qua loạt thử nghiệm ba bên. Điều này sẽ đẩy nhanh tiến bộ trong các khái niệm và công nghệ quan trọng”.

Dự án không chỉ giúp tăng tốc thử nghiệm mà còn tận dụng nguồn lực và cơ sở vật chất của cả ba nước, với sự hỗ trợ từ hơn 90 nhà cung cấp đến từ các quốc gia AUKUS và đồng minh Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey nhấn mạnh thỏa thuận mang tính bước ngoặt này sẽ đặt liên minh (AUKUS) ở vị trí hàng đầu về công nghệ quốc phòng chiến thắng, tăng cường an ninh tập thể và góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong một thế giới ngày càng phức tạp và nguy hiểm.

Bên cạnh đó, Australia mô tả HyFliTE là một "dấu mốc" trong hợp tác ba bên, nhấn mạnh rằng sáng kiến này sẽ đưa mối quan hệ hợp tác lên tầm cao mới

Hiện tại, Mỹ và Anh vẫn đang bị tụt lại phía sau Nga và Trung Quốc trong phát triển vũ khí siêu thanh. Nga đã triển khai các tên lửa siêu thanh đầu tiên từ năm 2017, với tên gọi Kh-47 Kinzhal, và gần đây là Zircon, tên lửa hành trình chống hạm được sử dụng trong chiến trường Ukraine.

Trung Quốc cũng không kém cạnh với tên lửa DF-ZF, được triển khai từ năm 2019. Trong khi đó, Mỹ dù đã thử nghiệm thành công lần đầu vào năm 2017 nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc hoàn thiện và triển khai loại vũ khí này.

Anh dự kiến đến năm 2030 mới có thể phát triển tên lửa hành trình siêu thanh đầu tiên. Australia đã hợp tác với Mỹ trong các dự án siêu thanh suốt hơn 15 năm, nhưng phần lớn chỉ tập trung vào nghiên cứu và thử nghiệm.

Mặc dù dự án HyFliTE được kỳ vọng sẽ tăng tốc phát triển công nghệ, nhưng các chi tiết cụ thể về loại công nghệ và vũ khí sẽ được thử nghiệm vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, HyFliTE hứa hẹn mang lại giá trị thương mại đáng kể, ước tính lên tới 1,27 tỷ USD.

Sự hợp tác này không chỉ là bước tiến quan trọng trong việc đối phó các mối đe dọa hiện hữu mà còn là minh chứng cho khả năng phối hợp giữa các quốc gia trong AUKUS.

AUKUS được thành lập vào năm 2021, bao gồm hai trụ cột chính gồm: Pillar I tập trung hỗ trợ Australia sở hữu tàu ngầm năng lượng hạt nhân, trong khi Pillar II mở rộng hợp tác công nghệ. Theo giới chuyên gia, Pillar II không chỉ giới hạn trong ba nước mà còn có thể mở rộng cho các đối tác khác như Canada hoặc Nhật Bản.

Việc thúc đẩy HyFliTE cho thấy AUKUS đang ngày càng khẳng định vai trò chiến lược, giúp liên minh này duy trì lợi thế trên chiến trường và củng cố trật tự quốc tế trong bối cảnh đầy biến động. 

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo RT, Defensenews)
Các thành viên AUKUS xem xét một thỏa thuận an ninh với Nhật Bản
Các thành viên AUKUS xem xét một thỏa thuận an ninh với Nhật Bản

Mỹ, Anh và Australia đang thu hút các đối tác quốc phòng gia nhập liên minh để đảm bảo ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN