Cách làm hay trong công tác giảm nghèo tại Đắk Lắk

Tận dụng hiệu quả các chính sách giảm nghèo, xác định đúng đối tượng hộ nghèo và phát huy sức mạnh của ba lực lượng (bản thân đối tượng, cộng đồng, Nhà nước) là những cách làm hay mà tỉnh Đắk Lắk thực hiện nhằm giảm nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Đoàn kiểm tra của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đắk Lắk kiểm tra công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại UBND xã Tam Giang, huyện Krông Năng.

Dồn lực giảm nghèo

Đầu năm 2016, tỉnh Đắk Lắk có 81.592 hộ nghèo, chiếm khoảng 19,4%; trong đó có 50.322 hộ nghèo là đồng bào  dân tộc thiểu số. Tỉnh có địa bàn rộng, nhiều thành phần dân cư, tình trạng di cư tự do ngoài kế hoạch lớn, sản xuất trên địa bàn manh mún và nhỏ lẻ... là những thách thức lớn trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo.

Với quyết tâm giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống người dân, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, kế hoạch và tăng nguồn lực đầu tư, cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho chương trình giảm nghèo; kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Trong 5 năm (2016-2020), tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh Đắk Lắk là hơn 855 tỷ đồng. Tỉnh đã đầu tư hơn 320 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Tỉnh Đắk Lắk cũng lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án có chung mục tiêu, địa bàn đầu tư như Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên 2017-2020, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Mặt khác, tỉnh tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong 5 năm (2016-2020), tỉnh đã giải quyết cho 251.795 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay hơn 6.985 tỷ đồng, giúp bà con có vốn để đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập và thoát nghèo.

Gia đình chị H’Mlam Byă, xã Ea Kmut, huyện Ea Kar, là hộ nghèo từ năm 2013. Vợ chồng chị chỉ có 2 sào đất trồng sắn, đi làm thuê “bữa được bữa mất”. Năm 2017, chị được Nhà nước hỗ trợ một con bò cái, đến nay con bò đã đẻ được 3 lứa, phần nào giúp gia đình chị cải thiện kinh tế. Năm 2020, được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Nhà nước hỗ trợ 9 triệu đồng theo chương trình xây dựng nhà ở 167, vợ chồng chị H’Mlam gom góp xây được căn nhà mới khang trang. Chị H’Mlam tâm sự: “Có nhà mới, có bò, vợ chồng H’Mlam sẽ nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi hai con ăn học”.

Cũng từng có hoàn cảnh khó khăn như gia đình chị H’Mlam, vợ chồng ông Y Ngăm Ayun (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 40 triệu đồng. Gia đình đã nỗ lực làm ăn, vừa đầu tư trồng cà phê, hồ tiêu, vừa nuôi lợn. Hiện nay, kinh tế gia đình ông Y Ngăm đã khá giả. Ông trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Ông Y Ngăm chia sẻ: “Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình vay vốn, tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng, vươn lên. Có đồng dư, gia đình đóng góp cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.

Trong công tác giảm nghèo, tỉnh Đắk Lắk còn chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ dân tộc thiểu số nghèo. Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp, giai đoạn 2016 – 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 2,51%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,56%/năm; toàn tỉnh đã giảm được 35.559 hộ nghèo, trong đó có 13.255 hộ dân tộc thiểu số. Dự kiến, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm còn 4,97%. Tính đến ngày 31/12/2019, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt 87,65; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi.

Tỉnh Đắk Lắk đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và chính người nghèo để thực hiện giảm nghèo. Cơ sở hạ tầng xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn được đầu tư, góp phần khởi sắc diện mạo nông thôn. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nước sạch… của người dân ngày càng tốt hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và nâng cao.

Theo ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020, các địa phương trong tỉnh đã quyết liệt triển khai công tác giảm nghèo. Từ kế hoạch giảm nghèo của tỉnh, các huyện Cư Kuin, Krông Pắk, Cư M’Gar, Krông Ana… đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm của địa phương, phù hợp với đối tượng hộ nghèo và giao nhiệm vụ cho xã, đảng viên ở thôn, buôn phụ trách, theo dõi, hướng dẫn hộ nghèo thoát nghèo.

Dự đoán tình hình dịch COVID-19 và giá cả nông sản bấp bênh tiếp tục là những thách thức trong công tác giảm nghèo năm 2021, ông Trần Phú Hùng kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành Khung chương trình giảm nghèo giai đoạn tiếp theo, các tiêu chí đánh giá, bình xét hộ nghèo phải cụ thể và phù hợp với vùng miền. Đồng thời, Chính phủ xem xét đưa đối tượng bảo trợ hưởng riêng chính sách bảo trợ, chương trình giảm nghèo sẽ tập trung nguồn lực cho đối tượng người nghèo.

Xác định đúng đối tượng nghèo

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk không ban hành chuẩn nghèo của địa phương. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức rà soát và phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Công tác rà soát được tỉnh chú trọng thực hiện nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng để có chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Điều đáng nói là công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện vào thời điểm cuối năm, cùng vào thời vụ thu hoạch nông sản như cà phê của người dân. Do đó, đội ngũ thực hiện rà soát hộ nghèo ở thôn, buôn, tổ dân phố phải thực sự trách nhiệm, tâm huyết và có nghiệp vụ. Hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, các huyện đều tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho đội ngũ làm công tác này. Năm 2020, Sở thành lập các đoàn kiểm tra đi giám sát, kiểm tra, phúc tra công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho các địa phương trong quá trình rà soát.

Bà H’Blen Byă - Buôn trưởng buôn Ko Đung A, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) cho biết, trước khi thực hiện công tác rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo, Ban tự quản buôn đã họp các hộ dân thông báo quy trình và tiêu chí rà soát. Sau đó, Ban tự quản buôn đi rà soát, chấm điểm từng nhà. Ban tự quản buôn đã được tập huấn nên biết cách chấm điểm, khi rà soát thì khách quan nên được dân ủng hộ.

Ông Nông Văn Tuần, Thôn trưởng thôn 12, xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) chia sẻ, để rà soát đúng đối tượng và khách quan, trước khi rà soát, Ban tự quản thôn đã nhận dạng nhanh, sau đó tranh thủ những lúc sáng sớm hoặc chiều tối muộn, bà con đi làm về, đến từng nhà để rà soát theo tiêu chí, chấm điểm và lý giải thắc mắc, được người dân hưởng ứng. Rà soát xong, thôn tổ chức họp và công khai danh sách để người dân có ý kiến, nếu có kiến nghị thì thôn sẽ rà soát bổ sung.

Chú thích ảnh
Đoàn kiểm tra của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đắk Lắk kiểm tra, giám sát công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn.

Thực tế, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là "mắt xích" quan trọng, then chốt trong công tác giảm nghèo, là cơ sở để các cấp thôn, xã, huyện nắm được danh sách hộ nghèo và hộ cận nghèo, nguyên nhân nghèo để có hướng triển khai chính sách phù hợp. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 còn là cơ sở để đánh giá, tổng kết chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 và đề ra kế hoạch, chương trình giảm nghèo giai đoạn tiếp theo.

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn cao. Do đó, ông Trần Phú Hùng kỳ vọng, khi Nghị quyết 88/2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được triển khai sẽ giúp kết nối hạ tầng, đầu tư đào tạo nghề cho vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo bước đột phá cho công tác giảm nghèo.

Những nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong công tác giảm nghèo đã thể hiện quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương ở tỉnh về nâng cao đời sống người dân, không để hộ nghèo bị bỏ lại phía sau. Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn huy động, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích người nghèo khởi nghiệp, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề… để giảm nghèo bền vững, tiến tới mục tiêu chung “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”.

Bài và ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Gần 9.500 tỷ đồng thực hiện các hoạt động giảm nghèo tại Trà Vinh
Gần 9.500 tỷ đồng thực hiện các hoạt động giảm nghèo tại Trà Vinh

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Trà Vinh huy động tổng nguồn vốn gần 9.500 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN