Thiếu cơ chế phối hợp
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, vùng Tây Nguyên có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, nông, lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản, dịch vụ và khai thác, chế biến bô - xít. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nguồn vốn đầu tư vùng Tây Nguyên liên tục tăng góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt Tây Nguyên. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, đặc biệt là liên kết vùng còn hạn chế.
Trên thực tế, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên chưa đảm bảo lưu thông hàng hóa và hành khách với tốc độ cao, thông suốt giữa các địa phương trong vùng và liên vùng. Giao thông đường không chưa nối tuyến quốc tế; việc huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có cơ chế tăng cường sự điều phối nhằm kết nối nội vùng và ngoại vùng. Kết nối hạ tầng giao thông của Tây Nguyên với bên ngoài còn khó khăn cả về đường bộ, hàng không và chưa có đường sắt. Hạ tầng sản xuất phát triển chưa tương xứng với quy mô của các chuỗi giá trị nông, lâm sản và tiềm năng du lịch. Hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung còn dàn trải, chưa hình thành các cực tăng trưởng, kém tính kết nối, làm giảm khả năng thu hút đầu tư, đang là “điểm nghẽn” của quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Dù chiếm phần lớn sản lượng cà phê cả nước, nhưng cà phê Tây Nguyên vẫn chưa có được chiến lược thị trường phù hợp để thúc đẩy phát triển bền vững. |
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành với một số sản phẩm nhưng còn nặng tính tự phát, chưa phát huy hiệu quả, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, từ cung ứng các yếu tố đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm cuối cùng để tạo ra những sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu với thương hiệu và giá trị gia tăng cao. Giá trị gia tăng để lại cho Tây Nguyên trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp và bắt đầu có xu hướng giảm. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chiếm phần lớn sản lượng cà phê của cả nước, nhưng chưa có chiến lược thị trường phù hợp để thúc đẩy phát triển bền vững, doanh nghiệp trong nước chưa liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ để làm chủ thị trường, còn bị doanh nghiệp nước ngoài chèn ép, chiếm lĩnh thị trường thương hiệu.
Những tiềm năng, lợi thế về đất, rừng, tài nguyên khoáng sản mặc dù rất lớn nhưng mới tập trung khai thác bề rộng, chưa có chiều sâu để phát huy hiệu quả. Phương thức phát triển dựa vào khai thác tài nguyên, ít dựa vào công nghệ, lao động kỹ năng vẫn giữ vai trò chủ đạo. Tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất vẫn còn phức tạp. Việc quản lý đất đai, khai thác khoáng sản và bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, gây suy thoái môi trường, nguồn nước ngầm suy giảm nhanh, đe dọa sự an toàn và bền vững của hệ sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh toàn vùng Tây Nguyên.
Liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong vùng và với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ để phát triển du lịch còn yếu, mang đậm tính tự phát. Tiềm năng và lợi thế so sánh về du lịch chưa được khai thác hiệu quả; chưa có cơ quan điều phối phát triển du lịch chung theo quy hoạch đã được phê duyệt. Mặc dù sở hữu tính đặc thù cao, sinh thái đa dạng, sự lan tỏa từ các trung tâm du lịch lớn như Đà Lạt vẫn hạn chế; vai trò của cộng đồng, người dân tham gia làm du lịch và hưởng lợi từ du lịch như Hội An, Đà Nẵng vẫn chưa được phát huy.
Cần một chiến lược toàn vùng
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lượng doanh nghiệp - nhân tố chủ lực của công cuộc phát triển hiện đại vẫn rất mỏng và yếu. Số lượng doanh nghiệp ở Tây Nguyên chỉ chiếm 2,67% tổng số doanh nghiệp cả nước. Mặc dù Tây Nguyên là vùng sản xuất nông, lâm nghiệp có tiềm năng rất lớn, nhưng 62,49% doanh nghiệp của Tây Nguyên thuộc khu vực dịch vụ; 32,22% doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp, xây dựng và chỉ có 5,28% doanh nghiệp thuộc khu vực nông - lâm - thủy sản. Các doanh nghiệp ở Tây Nguyên thường có quy mô vừa và nhỏ, việc ứng dụng công nghệ sản xuất chưa cao, ít có doanh nghiệp tham gia đầu tư sâu vào công nghiệp chế biến nông, lâm sản mà mới chỉ dừng lại ở hoạt động sơ chế. Vì vậy, các doanh nghiệp ở Tây Nguyên năng lực cạnh tranh thấp, chịu ảnh hướng lớn từ các rủi ro xuất phát từ thị trường xuất khẩu, nhất là rủi ro về giá.
Trong khi đó, nguồn lực đầu tư, nhất là vốn còn hạn chế; vốn đầu tư vào Tây Nguyên chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư của cả nước. Trong giai đoạn 2010 - 2014, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên chỉ chiếm 4,7 - 5,4% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Tây Nguyên còn rất hạn chế cả về số dự án, số vốn, vốn bình quân một dự án. Chưa có liên kết giữa các địa phương trong vùng trong việc huy động nguồn lực và khai thác các tiềm năng để phát triển. Chưa có cơ chế hợp tác/đối tác công tư hiệu quả để huy động nguồn lực khai thác các tiềm năng phát triển.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên theo Kết luận số 12-KL/TW và Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, cần thiết phải có một chiến lược chung toàn vùng trên cơ sở xây dựng mô hình tăng trưởng mới, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chung của toàn vùng chuyển mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên và nguồn lực nội vùng, khép kín từng tỉnh sang trình độ và chất lượng phát triển cao. Trong mô hình này, liên kết phát triển vùng trở thành nhu cầu cấp thiết nhằm tạo ra một không gian thống nhất để thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh theo địa bàn và chuỗi giá trị sản phẩm; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Theo Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW (Khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020 đã xác định: “… xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc. Nâng cao đời sống văn hóa, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội; sớm đưa nông thôn Tây Nguyên thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, phát triển bền vững. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội…”. |