Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Chính sách khuyến khích đầu tư và liên kết vùng còn hạn chếTây Nguyên được xem là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp khai khoáng, thủy điện; sản xuất các loại cây công nghiệp. Đây còn là vùng tiềm năng để sản xuất rau, hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu; các lưu vực, hồ, sông, suối và truyền thống văn hóa của người dân tộc bản địa là tiềm năng lớn để phát triển du lịch…
Các tỉnh Tây Nguyên khi xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp đều lựa chọn các sản phẩm có lợi thế của tỉnh mà chưa có sự phối hợp với các tỉnh trong vùng. Ảnh: Viết Tôn |
Tuy nhiên, đến nay vùng Tây Nguyên chỉ mới đóng góp 4,5% GDP của cả nước, so với các vùng miền khác vẫn là vùng kém phát triển. Tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế vùng chưa được khai thác đúng mức, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định...
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng; cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và liên kết vùng còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của vùng. Tạo được sự liên kết vùng vững chắc sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, nhằm hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất ngành hàng công nghiệp chất lượng cao và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
TS. Hoàng Vũ Quang, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn: Thiếu chiến lược quy hoạch phát triển nông nghiệpMặc dù các quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành có nêu ra vùng nào ưu tiên phát triển cây gì, vật nuôi nào, cũng như phân bổ mức quy hoạch diện tích cây trồng chủ lực của mỗi tỉnh, nhưng hiện nay vùng Tây Nguyên chưa có quy hoạch, chiến lược cấp vùng cho sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh khi xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp đều lựa chọn các sản phẩm có lợi thế của tỉnh để đầu tư phát triển mà chưa có sự phối hợp với các tỉnh trong vùng để đánh giá lợi thế sản phẩm trên cơ sở vùng và từ đó có chiến lược chung trong phát triển nông nghiệp của cả vùng và của từng tỉnh trên cơ sở quy hoạch, chiến lược chung của cả vùng.
Thực tế đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như cà phê ở Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, hồ tiêu ở Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông… Nhưng các vùng sản xuất đó hình thành trên cơ sở lợi thế tự nhiên, khác nhau về quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa có sự bàn bạc thống nhất của các tỉnh trong việc xây dựng một chiến lược chung để phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa, có cùng quy trình và quản trị tốt để sản phẩm có tính cạnh tranh quốc tế cao.
Vấn đề thiếu quy hoạch, chiến lược phát triển chung của vùng dẫn đến mạnh tỉnh nào tỉnh ấy phát triển và diện tích vượt xa so với quy hoạch đến năm 2020. Việc vượt diện tích quy hoạch cà phê, hồ tiêu diễn ra ở tất cả các tỉnh. Đa số diện tích cà phê ngoài quy hoạch là ở vùng khô hạn, thiếu nước nên cây chết, năng suất thấp hoặc từ đất phá rừng ở đầu nguồn các con sông. Nhiều diện tích trồng mới hồ tiêu trên vùng đất không thích hợp, nhất là các vùng đất trũng, dễ ngập nước, vùng đất bị nhiễm bệnh. Một số diện tích điều, cà phê già cỗi được người dân phá bỏ chuyển sang trồng hồ tiêu. Tương tự như cà phê, hồ tiêu cũng đang được người dân trồng trên đất do phá rừng ở đầu nguồn các con sông. Việc này không chỉ giảm độ che phủ rừng, giảm khả năng trữ nước mà việc sử dụng quá nhiều nước ở đầu nguồn cho tưới cà phê, hồ tiêu đã làm giảm trữ lượng nước ngầm, tụt mực nước ngầm ở hạ lưu các con sông, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và cuộc sống người dân ở hạ lưu các con sống…
Ông Y Dhăm Ênuôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Liên kết sẽ tạo thuận lợi trong giao thươngViệc liên kết vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên để phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng là nhu cầu cần thiết, nhằm tăng khả năng quản lý xã hội về mọi mặt trong đời sống kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng cho từng tỉnh và các vùng lân cận mà dân cư còn thưa thớt. Mỗi tỉnh có sự khác nhau về điều kiện địa lý, khí hậu, điều kiện phát triển kinh tế, tập quán sinh sống của mỗi vùng… Liên kết sẽ tạo được sự đồng bộ, thuận lợi trong giao thương các nguồn hàng hóa, kịp thời trong quá trình bảo vệ và cùng nhau phát triển kinh tế cho mỗi tỉnh. Đặc biệt, tỷ trọng nền kinh tế của vùng Tây Nguyên chủ yếu từ ngành nông nghiệp nên việc xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp bền vững, các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt chuẩn các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế, đủ sức cạnh tranh hội nhập kinh tế quốc tế là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển kinh tế vùng, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam: Khó khăn trong phát triển chuỗi giá trị ngành cao suTuy đạt được nhiều thành tựu khẳng định khu vực Tây Nguyên chiếm vị trí thứ hai của ngành cao su Việt Nam, chỉ sau vùng cao su truyền thống Đông Nam Bộ, nhưng hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc làm hạn chế tiềm năng của ngành cao su tại Tây Nguyên so với các vùng khác.
Điều kiện môi trường của Tây Nguyên có một số yếu tố ít thuận lợi cho cây cao su phát triển so với vùng Đông Nam Bộ, do đó năng suất cây cao su thường xuyên thấp. Nguyên liệu cao su thiên nhiên sản xuất tại Tây Nguyên chủ yếu để xuất khẩu, một phần trực tiếp và một phần qua ủy thác, nên giá trị thu được thấp hơn so với tiềm năng. Cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên chưa đa dạng, phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc nên chịu ảnh hưởng lớn của thị trường này. Chất lượng cao su thiên nhiên của vùng Tây Nguyên chưa ổn định, chưa đồng đều. Do vậy khách hàng nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước chưa ưu tiên chọn lựa so với cao su Đông Nam Bộ. Đầu tư cho công nghiệp chế biến thành phẩm cao su và đồ gỗ cao su trong vùng Tây Nguyên còn ít và quy mô nhỏ. Việc xây dựng thương hiệu ít được doanh nghiệp trong vùng Tây Nguyên quan tâm.
Chính sách thuế giá trị gia tăng trong khâu kinh doanh thương mại đối với cao su sơ chế chưa được áp dụng như những nông sản sơ chế khác đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu do phát sinh chi phí vay vốn trong khi chờ đợi hoàn thuế. Thực chất, thuế giá trị gia tăng trong khâu kinh doanh thương mại là thuế gián thu, Nhà nước thu trước và hoàn sau cho doanh nghiệp, gây tốn kém về thời gian, nhân lực và dễ bị thất thoát do gian lận trong khâu kê khai, hoàn thuế.
TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế: Chưa thể hiện được hiệu ứng rõ nétTrong mối liên kết riêng lẻ của các địa phương cũng đem lại một số kết quả đáng khích lệ. Theo đó, các tỉnh, thành phố có cơ hội trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển khách du lịch.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc liên kết phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong vùng chưa thể hiện được hiệu ứng rõ nét. Cụ thể, các hoạt động liên kết du lịch giữa các vùng ở khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã được triển khai thời gian qua nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Các hình thức liên kết chủ yếu vẫn là giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch với nhau, chưa tạo được bước đột phá mới trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Vấn đề cải thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi chiến lược quảng bá du lịch tại các địa phương là hết sức cần thiết để thu hút du khách đến với Việt Nam. Vì vậy, hoạt động hợp tác liên kết tập trung vào nâng cao nhận thức về quan hệ hợp tác du lịch và tuyên truyền quảng bá là chính. Các hoạt động liên kết, phối hợp chuyên ngành về thị trường du lịch, sản phẩm du lịch… chưa được cụ thể hóa, còn mang tính hình thức.