Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, thành phố rất lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để cùng với thành phố sớm thúc đẩy, tăng cường quy mô hoạt động kinh tế, tăng cường tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ thương mại và nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay quy mô kinh tế của thành phố vẫn ở mức độ rất khiêm tốn từ quy mô doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp, tới tính chất hoạt động, lĩnh vực hoạt động. Thành phố chưa có doanh nghiệp lớn để dẫn dắt mà chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Qua lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy cần Thơ đề nghị chính quyền thành phố phải quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và cấp ủy cũng sẽ có quá trình theo dõi, giám sát và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện cho tốt.
Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương, thành phố cần sớm có đề xuất, kiến nghị về Trung ương quan tâm giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đồng hành cùng với doanh nghiệp. Đối với các vụ việc, các kiến nghị thuộc thẩm quyền của thành phố Cần Thơ, lãnh đạo các sở ngành cần trả lời bằng văn bản chính thức để cùng cộng hưởng trách nhiệm trong việc theo dõi kết quả, vận hành cho đúng.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng đề nghị UBND thành phố và các sở ngành cần thiết lập các kênh thông tin, trao đổi trực tiếp, trực diện và tiếp xúc, lắng nghe, giải quyết nhanh những vấn đề bức xúc, khó khăn của doanh nghiệp. Đối với những nội dung liên quan đến các sở ngành, Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu UBND thành phố phân công cụ thể các sở ngành để xem xét, giải quyết có trách nhiệm bởi các doanh nghiệp hiện tại đang rất khó khăn giải quyết công ăn việc làm, đơn hàng, lãi suất, thủ tục pháp lý… Việc đồng hành chia sẻ giải quyết những thủ tục hành chính nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là quan trọng nhất trong thời điểm này.
Cụ thể lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế thành phố phải làm đầu mối để giải quyết những vấn đề khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư. Ngành Lao động Thương binh và Xã hội chủ động cung cấp thông tin về nguồn nhân lực, nguồn lao động cho các doanh nghiệp vì trong khoảng cuối tháng 8 tới, thành phố sẽ khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP) tại huyện Vĩnh Thạnh. Đây là dự án khu công nghiệp đầu tiên quy mô lớn, đẳng cấp trong phát triển ngành công nghiệp của khu vực với diện tích khoảng 900 ha nhằm giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên của Cần Thơ và khu vực Tây Nam bộ theo hướng "ly nông bất ly hương". Sở Công thương cần tăng cường cung cấp thông tin thị trường, kết nối với các thị trường lớn khác...
Trước đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đã kiến nghị, chia sẻ với lãnh đạo thành phố Cần Thơ về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay. Đó là thiếu đơn hàng sản xuất; khó khăn về việc tiếp cận nguồn vốn vay để hoạt động; lãi suất của nhiều ngân hàng thương mại vẫn còn quá cao mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất; vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa được đầu tư hoàn chỉnh...
Theo ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Cần Thơ (CBA), khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm trong lúc nhu cầu thị trường yếu và sức mua giảm mạnh. Bên cạnh đó là khó khăn trong tiếp cận vốn vay do các điều kiện tín dụng của doanh nghiệp không đáp ứng được như giá trị tài sản đảm bảo thế chấp giảm, tài sản đảm bảo không còn, các biện pháp để đảm bảo thanh toán nợ vay chưa rõ ràng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lãi vay trung, dài hạn còn khá cao so với tỷ suất lợi nhuận hiện có của doanh nghiệp...
Ông Lưu Thanh Hùng đề nghị chính quyền và sở ban ngành thành phố hỗ trợ CBA tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp; đề nghị Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất vay và mở rộng điều kiện tín dụng khi vay, UBND thành phố kiến nghị lên các cấp Trung ương cho phép một số doanh nghiệp được giãn, kéo dài thời hạn thanh toán nợ ngân hàng, kéo dài thời hạn nộp thuế, phí, tiền thuê đất thêm ít nhất 6 tháng.
Theo bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty Hygie & Panacee cho biết là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản - dược liệu, dự án khởi nghiệp của Công ty Hygie & Panacee được nhiều chuyên gia đánh giá cao về tính sáng tao, cộng đồng, và bền vững. Và trong 33 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao của thành phố Cần Thơ thì công ty có 5 sản phẩm Trà của bộ "Cần Thơ Dược Trà" đang trên đường hoàn thiện hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 5 sao quốc gia.
Tuy nhiên, bà Đoàn Thị Hồng Thắm cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do sụt giảm sức mua. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới công nghệ, đặc biệt cần có diện tích đất để nghiên cứu trồng cây lấy nguyên liệu theo tiêu chuẩn xuất khẩu, thuê đất để xây dựng nhà xưởng đạt tiêu chuẩn...
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các ý kiến liên quan đến các sở ban ngành và địa phương đã được lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương giải đáp tương đối đầy đủ, rõ ràng.