Nhiều chủ vườn tại các tổ dân phố 3, 13, 15... phải vất vả canh hàng giờ để “mót” những giọt nước ít ỏi tại đáy hồ thủy lợi Tây Di Linh để cứu những vườn cà phê đang héo khô ngay cạnh hồ chứa nước này.
Vườn cà phê thối hết hoa và đang khô héo dù nằm sát ngay bên hồ thuỷ lợi Tây Di Linh. |
Theo người dân nơi đây, tình trạng khô hạn này là do công trình sửa chữa nâng cấp hồ Tây và hồ Đông Di Linh đang triển khai, khiến cho nước ở các hồ này cạn kiệt ngay đầu mùa khô.
Được biết, Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh công trình hồ thủy lợi Đông - Tây Di Linh có tổng diện tích 410 ha, với tổng kinh phí thực hiện gần 63 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ADB hơn 52 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 10 tỷ đồng. Khởi công xây dựng vào tháng 3/2017, dự kiến nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng vào 25/7/2018.
Có mặt tại chân đập hồ Tây, nhóm phóng viên chứng kiến phần lớn diện tích lòng hồ đã khô cạn, cỏ dại mọc lên um tùm rậm rạp đã từ nhiều tháng nay. Nhiều chủ vườn đang hì hục kéo từng cuộn ống dẫn nước dưới trời nắng nóng để bơm nước từ phần lòng hồ sát chân đập.
Ông Nguyễn Văn Tú, một trong số những người dân trú tại tổ dân phố 13, thị trấn Di Linh có gần 3 ha diện tích cà phê bị khô hạn cho biết: “Cây cà phê phải đủ nước mới đạt năng suất, trung bình mùa khô phải tưới cho cây ít nhất 3- 4 đợt. Năm nay công trình nâng cấp hồ thủy lợi Tây Di Linh thi công đã làm cho nước hồ cạn kiệt, người dân phải canh từng giờ mới có nước tưới, thậm chí phải kéo máy nổ, dây ống hàng cây số mới có nước về đến vườn”.
Ông Lê Văn Nam có vườn cà phê ngay bên hồ Tây cho biết: “Hiện nay, vườn
cà phê của chúng tôi hầu như đã héo khô, có cây chết cháy vì thiếu nước.
Nguyên nhân là do dự án xây lại bờ kè, chân đập ngăn nước hồ Tây kéo
dài quá lâu, lại phải xả nước liên tục để thi công nên hồ không trữ đủ
nước tưới. Cách đây vài ngày có mưa nhỏ nhưng không đủ để cây bung nụ vì
quá khô, những cây đã sưng nụ thì không thể nở, gần như hư hại toàn
bộ”.
Ông Lê Văn Nam bên vườn cà phê đã cháy khô. |
Bên cạnh vườn của ông Nam, một số vườn của ông Đức, ông Tú, bà Mười… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Không thể kéo đường ống nước lên vườn vì khoảng cách dài thêm hàng km, không đủ kinh phí để đầu tư thêm đường ống. Có hộ dân đã phải thuê máy đào, múc những chiếc mương nhỏ ngay dưới lòng hồ để dồn nước về thế nhưng chỉ tưới được khoảng 2 - 3 giờ là hết nước…
Theo nhiều hộ dân nơi đây, trung bình mỗi ha cà phê năng suất đạt khoảng 3,5 - 4,5 tấn/năm (cà phê nhân). Thế nhưng trước tình trạng thiếu nước ngay cạnh hồ thủy lợi như hiện nay nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, nhiều vườn cà phê trong tình trạng chết khô, rụng lá trơ cành, không đậu trái... ước tính thiệt hại nặng nề.
Trước thực trạng này hàng trăm hộ dân có diện tích cà phê tại các hồ thủy lợi Đông - Tây Di Linh đã có ý kiến kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết.
Cụ thể tại văn bản 2259 ngày 20/11/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng về việc trả lời ý kiến cử tri thị trấn Di Linh có nêu: Theo Ban Quản lý dự án, do thời tiết năm 2017 mưa nhiều nên việc thi công hồ Đông, hồ Tây Di Linh chậm tiến độ, đường thi công lầy lội không thể vận chuyển vật tư nên lịch tích nước dự kiến bắt đầu từ ngày 15/9/2017 vẫn không thể thực hiện được. Thực tế, lượng nước tích được chỉ đủ phục vụ tưới tiêu khoảng 50 - 60% diện tích, trong giai đoạn dẫn dòng, hồ Đông chỉ tưới khoảng 18%, hồ Tây khoảng 29% diện tích…”
Người trồng cà phê phải kéo đường ống bơm nước xa thêm hàng km, trong khi công trình không hề có dấu hiệu đang thi công. |
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đặng Văn Khá - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết, đây là dự án sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh công trình hồ thủy lợi Tây Di Linh và đường tránh ngập hồ Ka La, huyện Di Linh. Dự án được thực hiện từ năm 2014 đến 2018, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư nhằm cung cấp nước tưới cho 280 ha cà phê, chè, hoa màu và phục vụ cho việc đi lại của nhân dân trong khu vực, với số vốn đầu tư trên 62 tỷ đồng.
"Do trong quá trình thi công mùa khô năm 2017 xuất hiện mưa rất nhiều, nên đơn vị phải xả nước nhiều lần nên ảnh hưởng đến tiến độ của công trình... Để biết chính xác cà phê chết do thiếu nước hay không, hoa không nở được, diện tích nhiều hay ít thì chúng ta phải tiến hành kiểm tra, xác minh, phân tích thật chính xác nhằm đảm bảo tính khách quan cho thông tin này”, ông Khá nói.
Ông Đinh Dũng Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án hạ tầng Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Thời tiết năm 2017 không thuận lợi, kèm nguồn vốn vay ADB chưa giải ngân kịp nên có chậm tiến độ. Tuy nhiên, có thể khẳng định công trình thi công dự án không ảnh hưởng đến người dân. Chúng tôi sẽ đôn đốc các bên liên quan cố gắng thực hiện hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất...”.
Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, tại địa điểm công trình thi công hệ thống đập ngăn nước tại hồ Tây hoàn toàn không có công nhân thi công xây dựng. Chỉ có một chiếc máy xúc và một máy trộn bê tông trong tình trạng ngừng hoạt động, nằm trong khu vực lán trại công trình. Trong khi đó, thời tiết khô, nắng đang rất thuận lợi cho việc xây dựng.
Hiện nay, nguyện vọng của nhiều hộ dân mong muốn công trình thi công hồ Tây Di Linh nhanh chóng hoàn thành và dâng nước, để người dân tập trung tưới cây, cứu các diện tích còn lại chưa bị khô cháy cho vụ sau. Còn vụ mùa cà phê năm nay thì đã không thể cứu vãn nổi, bởi phần lớn diện tích này hoa đã bị thối khô do thiếu nước trong thời gian dài.