Giữ được rừng là có tất cả
Huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu là nơi sinh sống của 11 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiệm vụ bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều do được sự ủng hộ của người dân.
Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, thừa nhận: Huyện không có thế mạnh gì nhiều, tiềm năng phát triển chủ yếu là đất lâm nghiệp. Diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp là 113 nghìn ha, chiếm trên 90% diện tích tự nhiên.
Huyện xác định nhiệm vụ phát triển đất lâm nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng, việc bảo vệ rừng của huyện liên quan đến an ninh nguồn nước để đảm bảo chuỗi thuỷ điện trên sông Đà có đủ nước phát điện, cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư. Do đó, huyện phải bảo vệ được rừng đầu nguồn, an ninh biên giới, an ninh lương thực cho nhân dân. Hiện huyện có 75.543 ha rừng, độ che phủ đạt 54,42%.
Trước khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, việc bảo vệ rừng trên địa bàn huyện rất khó khăn, người dân phá rừng tràn lan, xảy ra nhiều cháy rừng... Đầu năm 2011 việc chi trả dịch vụ bảo vệ rừng được bắt đầu và người dân ngày càng có ý thức hơn. Quyền lợi của của người dân được gắn chặt với việc bảo vệ rừng. Từ năm 2015 đến nay, diện tích rừng trên địa bàn huyện tăng gần 11 nghìn ha, độ che phủ tăng 7,91%.
Số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các hộ dân tộc thiểu số là khá lớn, đủ để có vốn làm ăn kinh tế, cải thiện đời sống. Chỉ tính riêng trong năm 2019, huyện Nậm Nhùn đã thanh toán cho người dân gần 71 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được 13 triệu đồng/năm, nhiều nhất có hộ được 60 triệu đồng/năm.
Nhằm bảo vệ rừng đầu nguồn, UBND huyện Nậm Nhùn đã tổ chức họp các xã để chia diện tích rừng cho từng hộ. Trước khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân không thiết tha với việc bảo vệ rừng, nhưng giờ đây mỗi mét vuông rừng đều quý với từng hộ dân.
Theo ông Nguyễn Quang Hải, đổi thay rõ nét nhất là ở bản Nậm Sập, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn. Đây là bản có 19 hộ dân mà tất cả là người dân tộc Mảng. Trước khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, toàn bộ rừng phòng hộ thuộc khu vực bản này đều bị cháy trụi hết do người Mảng đốt rừng làm nương. Từ năm 2014 đến nay, sau khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp với cán bộ kiểm lâm tích cực tuyên truyền và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, người Mảng đã không đốt rừng làm nương nữa. Vào năm 2019, bản Nậm Sập đã tăng lên 22 hộ dân, rừng đã được phủ xanh, nguồn nước trở lại, cảnh sắc thay đổi theo hướng tích cực.
Cộng đồng người Mảng có đặc thù chung là yếu thế so với các dân tộc khác do tập tục, lối tư duy và phương thức canh tác. Việc cải thiện đời sống của người Mảng là câu hỏi thường trực đối với lãnh đạo huyện. Lời giải là cần xây dựng một vài bản người Mảng phát triển mạnh để làm tấm gương “thị phạm” cho các bản người Mảng khác noi theo. Nậm Sập giờ đã là một tấm gương như thế.
“Giải pháp đầu tiên phải là giữ rừng, không có rừng thì không có gì cả, không nguồn nước, không cấy được lúa. Có rừng, đời sống người dân đi lên, có chính sách của nhà nước để chi trả tiền bảo vệ rừng, có vốn để phát triển kinh tế”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn khẳng định.
Bức tranh chung ở Tây Bắc
Từ năm 2012 chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai trên toàn tỉnh Lai Châu nhằm khắc phục tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy và sự thay đổi bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu. Tỉnh Lai Châu đã thành lập khoảng 990 tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng tại hầu hết các thôn, bản, nên đã phát huy được tinh thần tự chủ động trong công tác tuần tra, kiểm soát và bảo vệ rừng.
Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lai Châu là hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thông qua lực lượng kiểm lâm xây dựng kế hoạch bảo vệ diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Tình trạng cháy rừng, vi phạm quy định về bảo vệ rừng có xu hướng giảm xuống. Nguồn vốn hỗ trợ được quy định tại Nghị định 75-NĐ/CP của Chính phủ (về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020) được chi trả thông qua lực lượng kiểm lâm nên công tác lập hồ sơ và ký kết hợp đồng của người dân đều được thực hiện dưới sự hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Còn tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ - nơi sở hữu bản du lịch Sin Suối Hồ nổi tiếng, tổng cộng có 10 bản với 889 hộ thì cả 10 bản đều duy trì 10 tổ chuyên trách bảo vệ rừng, phát triển rừng; tất cả 889 hộ tham gia ký cam kết bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng giữa các hộ với Trưởng bản. Kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn xã toàn bộ là từ Quỹ dịch vụ môi trường rừng của xã và các thôn, bản. Trong năm 2019, trên địa bàn xã không để xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng; độ che phủ rừng trên địa bàn xã đạt 61,2%.
Chủ tịch UNBD xã Sin Suối Hồ Chẻo Quẩy Hòa vui mừng thông báo với phóng viên TTXVN: Những năm gần đây, công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn xã đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm chú trọng; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xã cùng với ý thức trách nhiệm của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ngày càng chuyển biến rõ rệt.
Nằm cạnh Lai Châu là Sơn La - một trong hai tỉnh (cùng với Lâm Đồng) đầu tiên thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2008. Khởi đầu sớm đã giúp tỉnh này đạt được nhiều thành tựu và kinh nghiệm trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Sòi Ngọc Dũng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La, cho biết: Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 1.167 tỷ đồng phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng, từ nguồn lực tài chính này đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn 637.000 ha rừng. Trước khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh phí hàng năm mà Nhà nước hỗ trợ ngành lâm nghiệp của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng từ 20-30% nhu cầu, do vậy công tác bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn, tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, khai thác lâm sản trái phép diễn biến phức tạp.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân được nâng lên đáng kể, rừng được bảo vệ tốt hơn. Các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng được trang bị bảo hộ lao động, dụng cụ tuần tra canh gác rừng. Hằng năm, toàn tỉnh có trên 537.000 ha rừng được bảo vệ và phát triển từ nguồn dịch vụ môi trường rừng; chất lượng rừng, môi trường sinh thái từng bước được cải thiện.
Ông Quàng Văn Hặc, Chủ tịch xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, đồng thời cũng là chủ của hơn 6.000 ha rừng. Ông Hặc cho biết: “Với vai trò là chủ rừng, tôi là người đầu tiên chịu trách nhiệm khi có thiệt hại xảy ra về rừng trên địa bàn. Những năm qua, nhờ sự tích cực tuyên truyền về bảo vệ rừng của chính quyền xã, đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã gắn lợi ích của người dân vào việc bảo vệ rừng nên trên địa bàn xã không còn xảy ra cháy rừng, phá hoại rừng. Nhận thức của bà con dân tộc Mông trên địa bàn khá tốt, quy ước, hương ước của mỗi bản đều nói rõ việc bảo vệ rừng, chỉ rõ ranh giới rừng của bản”.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thu hút một lực lượng lao động lớn trong dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn 43.000 chủ rừng (chiếm trên 40% tổng số chủ rừng trong cả nước) được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng và các lợi ích khác từ rừng mang lại, người làm nghề rừng đã thực sự được coi trọng, đời sống từng bước được cải thiện.
Việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân về rừng và tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác bảo vệ, phát triển rừng, mà còn nâng cao khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu của rừng, giữ và cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng, bảo vệ rừng tại chính quyền các cấp.