Theo thống kê, trong vòng 2 năm trở lại, tỉnh Đắk Lắk đã chuyển được gần 4.200 ha cà phê nằm ngoài vùng quy hoạch sang trồng các loại cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như bơ, sầu riêng, cam sành, vải, bưởi da xanh, chanh dây…
Các huyện Ea Kar, Krông Năng, M’Đrắk, Ea Súp là những địa phương có nhiều nông hộ chủ động chuyển diện tích cà phê nằm ngoài vùng quy hoạch sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhiều nông hộ chuyển diện tích cà phê không nằm trong vùng quy hoạch sang trồng bơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN |
Tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng vườn cà phê của từng vùng, từng địa phương, trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động các nông hộ trồng cà phê ở những vùng đất không thích hợp, không chủ động được nguồn nước, có độ dốc từ 15 độ trở lên, cà phê già cỗi, năng suất thấp, kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thực tế, ngay trong mùa khô của niên vụ cà phê 2015- 2016, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 56.100 ha cà phê bị thiếu nước tưới, trong đó mất trắng gần 4.400 ha và diện tích bị khô hạn thiếu nước tưới, mất trắng này chủ yếu là diện tích cà phê nằm ngoài vùng quy hoạch, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ.
Trong khi đó, nhiều nông hộ chuyển diện tích cà phê không nằm trong vùng quy hoạch, nhất là không chủ động được nguồn nước sang trồng bơ sáp, bơ Booth, sầu riêng, mít nghệ…đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha.
Gia đình anh Việt Tùng, ở xã vùng sâu Ea Kpam (huyện Cư M’gar) đã mạnh dạn phá bỏ 3 ha cà phê nằm ngoài vùng quy hoạch đã già cỗi, năng suất kém sang trồng 500 cây bơ. Đến năm thứ 4, cây bơ trong vườn bắt đầu đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, mỗi mùa vụ, sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi hơn 500 triệu đồng.
Anh Tùng cho biết, trồng bơ vốn đầu tư cũng như công chăm sóc ít…, nhất là chịu hạn tốt nhưng lãi suất cao gấp nhiều lần so với cây cà phê. Vì vậy hiện nay, trên địa bàn huyện nhiều nông hộ chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng cây bơ khá nhiều.
Mặt khác, tỉnh Đắk Lắk cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nông hộ trồng cà phê trong vùng quy hoạch đầu tư vốn để trồng tái canh đối với diện tích cà phê đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh.
Chỉ riêng từ năm 2013 đến nay, các nông hộ trên địa bàn tỉnh cũng đã trồng tái canh được gần 12.550 ha. Phần lớn diện tích cà phê trồng tái canh được trồng bằng các giống cà phê mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13. Đây là những giống cà phê cho năng suất cao từ 4 đến 7 tấn cà phê nhân/ha, chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và kháng cao với bệnh gỉ sắt.
Theo quy hoạch phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk, tỉnh phấn đấu giảm diện tích từ 204.000 ha hiện nay xuống còn 170.000 ha (trong vùng quy hoạch) vào năm 2020, đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp thâm canh để đạt sản lượng từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên (giảm diện tích nhưng sản lượng cà phê mỗi niên vụ vẫn không giảm so với hiện nay).