Ngoài ra, các loại bệnh hại khác như: đốm đen lá, đốm tảo, rệp sáp… cũng gây hại rải rác tại hầu hết các vườn tiêu ở nhiều địa phương.
Tại những vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm như huyện Đắk Song, Đắk G’Long, Cư Jut… dịch bệnh tấn công khiến nhiều nông hộ không kịp trở tay. Nhiều vườn tiêu xuất hiện dấu hiệu bị vàng lá, chết rải rác nên nguy cơ lây nhiễm ra diện rộng là rất cao.Theo bà Hoàng Ngọc Duyên, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông), dịch bệnh hại trên cây hồ tiêu năm nay diễn biến phức tạp hơn so với các năm trước và dự báo vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Một vườn hồ tiêu tại xã Nâm N’jang, huyện Đắk Song. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
Nguyên nhân do trong mùa khô năm nay thường xuất hiện những đợt mưa trái mùa đã tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm bệnh phát sinh và tấn công vườn tiêu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hại trên cây hồ tiêu, ngành nông nghiệp Đắk Nông đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn bà con các biện pháp xử lý kịp thời.
Theo đó, đối với các vườn tiêu bị nhiễm bệnh nhẹ áp dụng các biện pháp cấp bách trừ tuyến trùng, nấm gây bệnh và tăng cường chăm sóc để phục hồi. Các trụ tiêu, vườn tiêu nhiễm bệnh nặng thì tiến hành thu gom, tiêu hủy cây bệnh và xử lý kỹ hố và vệ sinh kỹ đồng ruộng trước khi trồng thay thế…
Đặc biệt, ngành nông nghiệp khuyến khích các nông hộ áp dụng biện pháp trồng hồ tiêu theo hướng sinh học, hữu cơ, trồng tiêu trên trụ sống và sử dụng giống có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng; khuyến cáo không nên phát triển diện tích hồ tiêu trồng mới ở những vùng không đủ điều kiện canh tác.
Tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng gần 28.000 ha hồ tiêu; trong đó, gần nửa diện tích đã cho thu hoạch. Mấy năm trở lại đây, các nông hộ ở Đắk Nông đã đổ xô trồng hồ tiêu khiến diện tích tăng vọt, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về thị trường, dịch bệnh.