Với chiều dài 28,5 km, nằm trên địa bàn huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), kênh Chợ Gạo là tuyến vận tải đường thủy huyết mạch ở Đồng bằng sông Cửu Long (từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ - Cà Mau). Lưu lượng tàu thuyền qua lại dày đặc, trên 1.000 lượt/ngày. Lưu lượng phương tiện quá đông, gây quá tải trong khi hiện trạng kênh qua nhiều năm khai thác đã xuống cấp, nhiều đoạn lòng kênh cạn… Cùng với nhiều nguyên nhân khác, tình trạng sạt lở trên kênh xảy ra rất nghiêm trọng trong nhiều năm liền, là mối hiểm họa đối với người dân sống hai bên bờ tuyến kênh. Tình trạng sạt lở phức tạp, nhất là thời điểm hiện nay, khi Nam Bộ đang vào mùa mưa bão.
Theo đánh giá của ngành chức năng, tốc độ sạt lở bờ kênh Chợ Gạo khoảng 2 - 3 m/năm. Nặng nhất là khu vực ấp Tân Thạnh, xã Bình Phan và ấp Bình Khương, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo với tốc độ sạt lở lên đến 4 m/năm. Theo thống kê, chỉ một đoạn kênh ngắn gần 10 km qua địa bàn hai xã Bình Phan và Bình Phục Nhứt đã có hơn 35 điểm sạt lở, có những đoạn sạt lở sâu vào đất liền gần 4 m.
Sạt lở gây mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với người dân sống hai bên tuyến kênh Chợ Gạo; kể cả người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường dọc theo kênh, nhất là vào ban đêm. Theo người dân địa phương, nhiều người điều khiển xe gắn máy bị ngã xuống sông. Tại đoạn bị sạt lở trên địa bàn ấp Tân Thạnh, xã Bình Phan, hai người tử vong do bị ngã xuống kênh.
Trước tình hình trên, nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu và thúc đẩy kinh tế, xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt đầu tư xây dựng Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo với tổng mức đầu tư 4.221 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2010, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến nền kinh tế, lượng hàng vận chuyển qua kênh Chợ Gạo có thay đổi, xu hướng sử dụng đội tàu vận tải qua kênh cũng không tăng trưởng như dự báo. Do vậy, đến năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư giảm còn 2.263 tỷ đồng trên cơ sở điều chỉnh kích thước cơ bản luồng tàu, chiều rộng đáy tàu 80 m, xuống 55 m, độ sâu chạy tàu 4 m xuống 3,1 m, bán kính cong tối thiểu của luồng 500 m xuống 300 m.
Dự án được phân kỳ làm 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 đầu tư 786 tỷ đồng, giai đoạn 2 đầu tư 1.477 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Song giai đoạn 2 lại chậm triển khai, không phát huy hết hiệu quả đầu tư của Dự án, ảnh hưởng đến an toàn giao thông cũng như việc lưu thông hàng hóa bằng đường thủy nội địa của cả vùng Tây Nam Bộ và phòng chống sạt lở, giảm nhẹ thiên tai.
Anh Đỗ Trung Hậu (ở ấp Tân Thạnh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) bày tỏ: Vào mùa mưa là sạt lở nhiều đoạn lắm, bà con nơi đây đi lại rất khổ và nguy hiểm.
Bà Bùi Thị Út (ở cùng ấp Tân Thạnh) mong mỏi: Người dân địa phương mong Nhà nước sớm triển khai giai đoạn 2 của dự án để việc đi lại thuận lợi, an toàn, bà con yên tâm làm ăn.
Ông Lê Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết: Tình trạng chậm triển khai giai đoạn 2 của Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đã gây xáo trộn đến đời sống người dân và ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguy hiểm hơn là tình trạng sạt lở nghiêm trọng đe dọa tính mạng của người dân sống dọc theo tuyến kênh trong khi thiên tai bất thường những diễn biến phức tạp. Điều mong mỏi của chính quyền địa phương cũng như người dân sống dọc theo hai bờ kênh Chợ Gạo là dự án sớm được triển khai, nhân dân ổn định sản xuất và an cư lạc nghiệp tại nơi ở mới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Chợ Gạo cho biết: Người dân hai bờ kênh Chợ Gạo mong chờ dự án trong khi hiểm họa sạt lở ngày càng gia tăng. Trước tình hình, sạt lở nghiêm trọng diễn biến từng ngày, huyện Chợ Gạo đã tạm hỗ trợ kinh phí di dời và làm kè chắn cho 42 hộ đang sống trong vùng bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng. Trong hai năm 2018 và 2019, huyện đã đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng gia cố các điểm sạt lở có quy mô lớn ở bờ kênh Chợ Gạo trên địa bàn hai xã Bình Phan và Bình Phục Nhứt. Năm 2020, huyện tiếp tục kè chống sạt lở và ngập lũ ven kênh Chợ Gạo, đoạn ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt với kinh phí lên đến gần 9,6 tỷ đồng.
Về vấn đề này, ngày 15/3/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang sau khi thị sát tuyến kênh Chợ Gạo. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nêu rõ tính cấp bách và cần thiết phải triển khai Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 nhằm góp phần giảm tình trạng ùn, tắc giao thông trên tuyến, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa trong khu vực và tăng an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Việc triển khai Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2 là cấp bách; đây là quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ giải quyết tình trạng sạt lở làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, giảm ùn, tắc giao thông mà còn tăng khả năng lưu thông hàng hóa của các tỉnh vùng Tây Nam bộ, góp phần giảm áp lực cho các hình thức giao thông khác.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương bổ sung các văn bản cần thiết, báo cáo và trình Thủ tướng phê duyệt đầu tư Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2 bằng kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại những hạng mục của dự án để triển khai thực hiện sớm nhất khi có vốn.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết: UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2 từ nguồn ngân sách Nhà nước; qua đó, khắc phục tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông, tăng khả năng lưu thông trên tuyến đường thủy huyết mạch nối liền Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, thiết thực phát huy hiệu quả đầu tư giai đoạn 1 của Dự án, góp phần ổn định vận tải thủy, sản xuất và đời sống người dân sống hai bên tuyến kênh Chợ Gạo, đáp ứng nhu cầu phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về phía địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cam kết tích cực phối hợp với các bộ, ngành để triển khai dự án được thuận lợi; vận động người dân đồng tình, ủng hộ giúp công tác giải phóng mặt bằng được nhanh chóng, tạo thuận lợi để khởi động dự án, vừa đảm bảo an toàn giao thông thủy, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa khắc phục sạt lở một cách căn cơ, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong vùng.