Theo kết quả kiểm kê rừng của tỉnh Điện Biên năm 2015, diện tích đất có rừng của địa phương này là 367.469 ha, độ che phủ chỉ đạt ,5% diện tích tự nhiên. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 2.340 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, xử lý tịch thu 1.454 m3 gỗ các loại, tổng số tiền phạt lên tới 21 tỷ đồng…
Lực lượng Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ đo tang vật trong vụ bắt giữ một đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép 1,379 m3 gỗ Pơ mu. Ảnh: Chu Quốc Hùng |
Trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích trồng rừng phòng hộ trung bình của tỉnh Điện Biên chỉ đạt 34%; trồng rừng sản xuất hầu như không thực hiện; diện tích rừng đã trồng tỷ lệ thành rừng thấp; vốn giải ngân bình quân hàng năm chỉ đạt 41%... Trong khi đó, tình trạng phá rừng làm nương trái phép, cháy rừng, vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp ở một số điểm "nóng" như Mường Nhé, Điện Biên Đông... Hành vi phá rừng trái pháp luật và chống người thi hành công vụ tiếp tục xảy ra, gây bức xúc trong xã hội; lực lượng chức năng chưa quyết liệt trong việc xử lý các vụ vi phạm xảy ra trên địa bàn.
Nguyên nhân của tình trạng này được tỉnh Điện Biên đánh giá là do tình trạng di cư tự do trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm; chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng thấp, thủ tục tạm ứng, thanh toán kinh phí trồng rừng phức tạp; một số huyện chưa quan tâm vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, mà coi nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng là của ngành nông nghiệp…
Trong khi đó, chính quyền một số địa phương trong tỉnh luôn nêu lên những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ này. Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho rằng: Kết quả trồng rừng không đạt là do đòi hỏi phải đúng quy trình, tiêu chuẩn, song kinh phí chỉ là hỗ trợ với mức quá thấp, 10 triệu đồng/ha trong 5 năm. Bên cạnh đó, năng lực của các cơ quan, đơn vị cấp huyện còn yếu; công tác phối hợp điều tra, xác minh đối tượng phá rừng chưa chặt chẽ nên không lập được hồ sơ xử lý đối tượng vi phạm.
Cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự, nhưng địa phương giáp ranh Mương Nhé là huyện Nậm Pồ lại triển khai thực hiện nhiệm vụ khá bài bản và đạt hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Cách làm của huyện là cho kê khai chi tiết diện tích đất đến từng hộ gia đình quản lý và sử dụng; giao trách nhiệm triển khai nhiệm vụ đến tận cấp xã và các trưởng bản. Nhờ đó, những địa phương như xã Chà Nưa, Nà Hỳ đã quản lý được 100% diện tích rừng trên địa bàn.
Chính quyền cơ sở phối hợp với nhân dân thường xuyên tổ chức tuần tra, dẹp toàn bộ lán nương do những người di cư tự do dựng lên; xử lý triệt để tình trạng người di cư tự do vào phá rừng. Với các đối tượng phá rừng làm nương rẫy, huyện kiên quyết lập hồ sơ xử lý, cụ thể đã có 3 vụ bị cơ quan điều tra khởi tố, đưa ra xét xử nghiêm minh. Với những hộ quá nghèo, phải vào rừng khai thác trộm gỗ về làm nhà, chính quyền huyện sau khi xác minh, đã có các giải pháp như tạo điều kiện để họ có đủ vật liệu làm nhà theo đúng pháp luật, nên người dân nể phục, chấp hành tốt việc bảo vệ rừng trên địa bàn…
Để thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn có hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên đề ra một số giải pháp, yêu cầu các cơ quan, ban, ngành và địa phương trên toàn tỉnh nghiêm túc thực hiện. Theo đó, tỉnh tập trung quản lý thật tốt diện tích rừng hiện có, kể cả 3 loại là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất; chăm sóc tốt diện tích rừng đã trồng; tập trung rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp, có cả ban quản lý dự án, đại diện cộng đồng và người dân tham gia để đảm bảo chính xác; khẩn trương triển khai chuẩn bị thủ tục, kế hoạch trồng rừng từ năm trước. Tỉnh sẽ ứng ngân sách địa phương để triển khai cho kịp tiến độ, chứ không ngồi chờ kinh phí Trung ương rót xuống mới thực hiện; đồng thời tăng cường đôn đốc kiểm tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng phá rừng trái pháp luật, các hành vi chi sai, quản lý sai kinh phí của cán bộ làm công tác quản lý nhà nước…
Lãnh đạo chính quyền tỉnh Điện Biên đã nghiêm khắc quán triệt các địa phương bỏ thói quen "yêu sách" với cấp trên để thoái thác nhiệm vụ; nếu năm nay và những năm tiếp theo không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý. Đối với các ban quản lý rừng phòng hộ, nếu không làm được việc, tỉnh sẽ xem xét vấn đề giải thể…